Sự 'chảy máu' đất và rừng nông lâm trường: Đâu là 'liều thuốc' hữu hiệu?

Thứ Ba, 13/10/2015, 10:04
Các chuyên gia cho rằng cần thống nhất phương án cổ phần hoá đối với những nơi làm tốt; đồng thời phải mạnh dạn, cương quyết mua - bán, sáp nhập, thậm chí giải thể những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả hoặc gây thất thoát tài nguyên, tài sản.
  • Rừng và đất nông lâm trường đang 'chảy máu' dữ dội
  • Rà soát đất có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh
  • Kiểm tra sắp xếp sử dụng đất nông lâm trường trên toàn quốc
  • Bài 3: "Cánh chim đầu đàn"... gẫy cánh!

  • Chuyển sang cơ chế thuê đất  

    Các nông lâm trường hiện nay sử dụng đất dưới 3 hình thức: Giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất và thuê đất. Đối với các Ban quản lí rừng, các nông lâm trường chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp, các công ty nông lâm nghiệp được giao quản lí rừng phòng hộ sẽ được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Các nông lâm trường còn lại chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang hình thức thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất. 

    Theo quy định của Luật Đất đai, cả nước có 360 nông lâm trường phải chuyển sang hình thức thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất với tổng diện tích 2.455.927ha. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 116 nông lâm trường thực hiện với diện tích 474.738ha, chiếm 32% số đơn vị và 19,3% diện tích. 

    Rừng xanh đang lùi dần và đất nông lâm trường tiếp tục bị lấn chiếm, mua bán trái phép; thực trạng này cần được khẩn trương giải quyết.

    Để quản lí đất nông lâm trường hiệu quả, Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, cần thống nhất một cơ chế cho thuê đất trả tiền hàng năm thay vì cơ chế giao đất có thu tiền sử dụng đất, bởi các đơn vị này sử dụng diện tích qui mô lớn. Giá đất cho thuê sẽ được xác định phù hợp với từng vùng và đặc thù sử dụng đất. 

    Đối với đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vùng bảo vệ sinh thái… cần thống nhất chuyển giao cho ban quản lí rừng và chỉ thực hiện cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất. Đối với các nông lâm trường vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì cần có chính sách quản lí đặc thù riêng để đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và đảm bảo an ninh quốc phòng.

    Tránh cái “bẫy” cổ phần hoá

    TS Phạm Quang Tú, chuyên gia về đất rừng của Tổ chức Oxfam cho rằng, để có phương án sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường một cách hiệu quả thì cần đánh giá lại tổng thể hoạt động của các nông lâm trường cũng như từng công ty. Muốn đánh giá thì phải xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng, quá trình đánh giá phải độc lập, tránh tình trạng để các công ty tự đánh giá. Với các công ty làm ăn thua lỗ hoặc có lãi thấp thì phải kiên quyết giải thể, trả lại đất cho chính quyền địa phương để giao cho các đối tượng khác (ưu tiên người dân sở tại, đồng bào dân tộc thiểu số). 

    Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cổ phần hoá là hướng đi tốt. Tuy nhiên, quá trình này rất dễ biến tài sản của Nhà nước thành tài sản của tư nhân bằng cái bẫy “lãi thật lỗ giả”. TS Phạm Quang Tú cảnh báo: “Trong quá trình cổ phần hoá, nếu không cẩn thận thì tài sản của Nhà nước sẽ bị định giá thấp. Doanh nghiệp đầu tư được một thời gian thì liên tục báo lỗ. Họ chỉ công khai các khoản chi phí nhưng nguồn thu lại không rõ ràng. Dần dần, tài sản của Nhà nước sẽ teo đi”.

    Đồng quan điểm này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cổ phần hoá là điều tốt. Nhưng khi tính đến cổ phần hoá tức là chúng ta vẫn đưa bài toán kinh tế lên trước, trong khi cần phải đưa bài toán ổn định xã hội lên trước, nghĩa là chuyển đất về tay người thiếu đất, sau đó mới tính đến hỗ trợ làm sao để người dân làm ra hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, cổ phần hoá cũng không được tiến hành ồ ạt mà phải lựa chọn các đơn vị đủ điều kiện. Nếu làm ồ ạt sẽ dễ dẫn đến những sai lầm.

    Đến nay, cả nước mới tiến hành cổ phần hoá được 32 đơn vị, đang quản lí, sử dụng 72.843ha. Tuy nhiên, sau cổ phần hoá, tại một số đơn vị, công tác quản lí đất đai vẫn còn lỏng lẻo. 

    Cụ thể, có 3 đơn vị trước đây giao khoán cho người lao động, do không quản lí chặt nên đã bị chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép. Đó là Công ty CP gà giống Ba Vì, Công ty CP giống nông lâm nghiệp Quảng Nam, Công ty CP xuất nhập khẩu nông lâm sản. Ngoài ra, có 10 đơn vị do khoán trắng nên khó thu hồi đất đã khoán, điển hình như Công ty chè Long Phú, Công ty lâm đặc sản Quảng Nam… Đặc biệt, có tới 11/32 đơn vị sau cổ phần hoá không làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

    Thu hồi đất ở những nơi “khoán trắng”

    GS Đặng Hùng Võ khẳng định, chủ trương của Nhà nước là muốn các nông lâm trường phải tồn tại, phát triển mạnh mẽ để trở thành chủ lực trong kinh tế nông nghiệp. Nông lâm trường giữ diện tích đất rất lớn, có thể giải quyết được các vấn đề xã hội như tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, diện tích đất này chủ yếu do các địa phương quản lí, phần do các Tổng công ty Nhà nước đảm nhiệm không đáng kể. Do vậy, không dễ gì các địa phương “nhả” ra để giải quyết các vấn đề xã hội, mà vẫn chú trọng lợi ích kinh tế của họ. 

    “Kì vọng của Trung ương là đặt vấn đề xã hội lên trên nhưng kì vọng của địa phương lại đặt vấn đề kinh tế lên trên. Các địa phương chỉ muốn giao đất cho những đơn vị có thể tạo ra lợi ích cho mình. Hiện nay, cơ chế khoán cũng bị các nông lâm trường thực hiện sai, chủ yếu là khoán trắng, thực chất là phát canh thu tô. Điều này hoàn toàn trái ngược với chủ trương của Trung ương. Nơi nào khoán trắng cần phải thu hồi đất, trả lại cho người dân” – GS Võ nói.

    Đứng ở góc độ chuyên gia, GS Võ cho rằng: “Chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc đất đai nằm trong tay hộ gia đình cá nhân. Các nông lâm trường nếu có tồn tại thì chủ yếu làm nhiệm vụ là nơi cung cấp dịch vụ hỗ trợ dưới sự điều hành của Nhà nước. Đây mới là mô hình bền vững. Tôi cho rằng, số liệu do các nông, lâm trường báo cáo đều sai hết. Họ còn không biết mình có bao nhiêu đất. Do vậy, phải có chương trình do Trung ương chỉ đạo, khảo sát đánh giá tổng thể hoạt động của các nông lâm trường để có số liệu thực. Dựa vào số liệu giả thì chỉ có những quyết định sai” – GS Võ nhấn mạnh.

    Hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông lâm trường trong năm 2015
    Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang.

    Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, theo lộ trình, đến cuối năm 2015 phải hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đối với diện tích đất đã giao các nông, lâm trường. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ triển khai ở các địa phương còn chậm do khó khăn về kinh phí. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ 647 tỷ đồng cho 33 địa phương có nguồn thu ngân sách thấp để thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận. Trước mắt, Chính phủ sẽ cấp 150 tỷ đồng, số kinh phí còn lại sẽ được bổ sung sau.

    Duy Hiển – Hà Ly – Vũ Hân – Ngọc Như
    .
    .