Lỗ hổng trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ

Đầu tư kiểu "vỏ nội, ruột ngoại" (bài cuối)

Chủ Nhật, 08/10/2023, 07:17

Vốn điều lệ ban đầu khá khiêm tốn, thế nhưng Công ty TNHH Grab (Grab) đã có bước phát triển thần tốc trong hơn 9 năm qua để trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ ngang hàng.

Grab đã trở thành ứng dụng đa dịch vụ bao gồm vận chuyển, giao hàng, mua bán trực tuyến, thanh toán, đặt phòng khách sạn và gần đây nhất là dịch vụ GrabFin, một thương hiệu mới cho các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, cho vay bảo hiểm và quản lý tài sản, nhưng việc kiểm soát về thuế, về vốn đầu tư với doanh nghiệp này xem ra còn nhiều vấn đề…

Ai mới thực sự là chủ của Grab?

Hãng xe công nghệ Grab được thành lập vào tháng 2/2014 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH GrabTaxi, sau đổi tên thành Công ty TNHH Grab, trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ khiêm tốn ở mức 20 tỉ đồng, do ông Nguyễn Tuấn Anh (đăng ký thường trú tại TP Hồ Chí Minh) góp 6,8 tỉ đồng, nắm giữ 34% vốn điều lệ; ông Nguyễn Phú Sinh (thường trú tại TP Đà Nẵng) góp 6,6 tỉ đồng, chiếm 33% và Trần Anh Đức (thường trú tại tỉnh Quảng Bình) góp 6,6 tỉ đồng để nắm giữ 33% vốn điều lệ.

Tháng 3/2016, thành viên góp vốn của Grab có sự thay đổi, ông Nguyễn Tuấn Anh góp 9,9 tỉ đồng, chiếm 49,5% vốn điều lệ và Công ty Grab Inc góp 10,1 tỉ đồng để nắm giữ 50,5% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Sau đó 1 tháng, Công ty Grab Inc đã giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 49% và ông Nguyễn Tuấn Anh tăng tỉ lệ năm giữ vốn của Grab lên 51%.

Vào tháng 3/2020, bà Lý Thụy Bích Huyền (trú tại TP Hồ Chí Minh) thay thế ông Nguyễn Tuấn Anh sở hữu 51% vốn điều lệ của Grab. Như vậy, Grab ban đầu là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài là Grab Inc trở thành thành viên góp vốn chủ lực.

Dù là cổ đông sáng lập, nắm giữ lượng vốn điều lệ lớn, nhưng các khoản mục trong báo cáo tài chính của Grab đã thể hiện, ông Nguyễn Tuấn Anh chỉ đóng vai trò "nhà đầu tư". Xảy ra tình trạng này là do ông Nguyễn Tuấn Anh đã vay ngắn hạn từ Grab số tiền 10,2 tỉ đồng, đúng bằng số tiền đem góp vốn vào doanh nghiệp và thế chấp bằng chính số vốn góp này. Thời điểm ông Nguyễn Tuấn Anh rút khỏi Grab, người thay thế ông Tuấn là bà Lý Thụy Bích Huyền tiếp tục sở hữu 51% vốn điều lệ của Grab, giá trị 10,2 tỉ đồng. Bà Huyền cũng đem toàn bộ phần vốn góp này thế chấp tại Công ty TNHH GPay Network Việt Nam (công ty con của Grab).

Đến đây, điều khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Phải chăng ông Tuấn Anh và bà Huyền chỉ là bình phong đứng tên sở hữu, còn chủ nhân thực sự của Grab là Grab Inc và các công ty cùng hệ sinh thái? Mặt khác, nếu Grab thực sự là doanh nghiệp nội, thuộc quyền kiểm soát của ông Tuấn Anh hoặc bà Huyền, thì liệu doanh nghiệp này có thể vay được hàng nghìn tỉ đồng không lãi suất từ Grab Inc hay không?

Do vốn điều lệ khá ít ỏi so với quy mô hoạt động, nên những năm qua nguồn vốn cho hoạt động của Grab đều từ các khoản vay của công ty ngoại trong hệ sinh thái là GrabTaxi Holdings Pte Ltd và Grab Inc với lãi suất là 0%. Nếu như cuối năm 2018, khoản vay này là 1.370 tỉ đồng, thì sang năm 2019 vốn vay đã tăng lên 5.700 tỉ đồng, năm 2020 là 5.180 tỉ đồng, năm 2021 là 4.270 tỉ đồng và cuối năm 2022 là 4.380 tỉ đồng.

4-1.jpg -0
Tài xế của Grab tập trung tại một quán ăn chờ lấy đồ để ship cho khách.

Có hay không việc lách luật?

Với nguồn vốn vay khá lớn, lãi suất bằng không và được "bơm" đều đặn như trên, Grab đã mạnh tay đưa ra các chương trình thu hút khách hàng, "đè" các doanh nghiệp vận tải công nghệ khác. Từ đó doanh thu của Grab cũng tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Nếu như năm 2018, doanh thu của công ty này là 2.194 tỉ đồng, thì đến năm 2022 đã tăng lên 6.384 tỉ đồng, cao gấp 3 lần năm 2018. Tỉ lệ thuận với mức tăng trưởng nhanh về doanh thu, lợi nhuận gộp về bán hàng hóa và dịch vụ của Grab cũng tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2018 mới đạt 1.086 tỉ đồng, nhưng sang đến năm 2022 đã tăng lên mức 4.151 tỉ đồng.

Lợi nhuận tăng nhanh, song chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Grab cũng tăng rất mạnh. Chi phí này trong 5 năm, từ năm 2018 - 2022 lần lượt là 1.816 tỉ đồng, 3.154 tỉ đồng, 2.279 tỉ đồng, 2.393 tỉ đồng và 3.722 tỉ đồng. Trong đó, số tiền được gọi là phí quản lý, phí bản quyền Grab phải trả cho GrabTaxi Holdings Pte. Ltd đã lên đến hàng trăm tỉ đồng. Nếu như cuối năm 2019, con số này là 25 tỉ đồng, thì đến cuối năm 2021, số tiền Grab phải trả công ty trong hệ sinh thái ở nước ngoài đã lên tới 314 tỉ đồng cho khoản phí quản lý và 67 tỉ đồng cho khoản phí bản quyền.

Dù doanh thu và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khá cao, nhưng chi phí bán hàng, chi phí quản lý chiếm tỉ lệ lớn khiến Grab liên tục thua lỗ. Báo cáo thuế của Grab cho thấy, năm 2017 công ty này lỗ 789 tỉ đồng, năm 2018 lỗ 805 tỉ đồng, năm 2019 tiếp tục lỗ 1.696 tỉ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế của doanh nghiệp vào thời điểm này lên 4.308 tỉ đồng… thêm 2 năm lỗ, lãi trồi sụt, sang đến năm 2022, Grab đạt lợi nhuận 329 tỉ đồng và lỗ lũy kế giảm về còn 4.036 tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu của Grab liên tục là con số âm, đến cuối năm 2022, âm vốn của doanh nghiệp này là 4.016 tỉ đồng.

Thua lỗ trong nhiều năm, nên đương nhiên Grab không phải nộp thuế TNDN, các khoản thuế Grab đã nộp ngân sách phần lớn là do người tiêu dùng trả, Grab chỉ kê khai và nộp thay đối tác. Âm vốn liên tục nên Grab đã tính chuyện để tăng doanh thu từ lợi thế đang có khoảng trên 30 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Đây là nguồn dữ liệu khổng lồ về dân cư, địa lý... được sử dụng, khai thác cho nhiều mục đích khác nhau. Để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, Grab đã đầu tư vào việc thu thập thông tin và cập nhật dữ liệu bản đồ. Tháng 2/2023, Grab bắt đầu cung cấp dữ liệu bản đồ cho khách hàng của Amazon Web Services (AWS), dịch vụ điện toán đám mây của Amazon.

Vào tháng 12/2017, từ chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá 14 trong đó có liên quan đến nghi vấn trốn thuế của Grab tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế tiến hành thanh tra đối với Grab trong 3 năm từ 2014 - 2016.

Kết quả thanh tra đã xử lý, truy thu thuế và phạt hành chính với tổng số tiền là gần 3 tỉ đồng và sau đó Grab đã giảm lỗ 56,6 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay con số thua lỗ trong hoạt động của Grab vẫn không được cải thiện mà ngày càng lỗ đậm hơn. Từ số lỗ lũy kế cuối năm 2016 là 938 tỉ đồng, đến cuối năm 2022, khoản lỗ của Grab đã là 4.036 tỉ đồng và số tiền Grab vay công ty Grab Inc và các công ty liên quan không lãi suất vẫn là con số hàng nghìn tỉ đồng.

Việc vay vốn nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả của Grab đã nhiều lần vi phạm các quy định của NHNN. Grab đã từng bị Thanh tra NHNN xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định Thông tư 03/2016 của NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính vào giữa tháng 6 vừa qua, vấn đề kiểm soát nghĩa vụ nộp thuế đối với Grab tiếp tục được đặt ra. Khi đó lãnh đạo Tổng Cục thuế đã khẳng định sẽ yêu cầu Cục thuế TP Hồ Chí Minh rà soát việc nộp thuế của Grab, nhưng đến nay chưa có thông tin rà soát thuế nào đối với doanh nghiệp này được công bố.

Đối với việc đầu tư của Grab, theo Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH GOV & Cộng sự, trong các quy định hiện hành thì trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần vào công ty trong nước đã có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, kể cả trường hợp mua tới 100% vốn góp của công ty trong nước cũng sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp công ty kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện đầu tư "núp bóng" dưới danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam bằng cách thành lập doanh nghiệp 100% vốn trong nước để làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư, sau đó chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ là chủ thực sự của doanh nghiệp cũng như dự án đó mà không phải thực hiện các thủ tục có phần chặt chẽ hơn liên quan đến cấp phép đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.

Có thể nói chuyện quản lý lỏng lẻo đối với lĩnh vực vận tải công nghệ đã kéo dài nhiều năm qua trong khi việc phát triển quá "nóng" của mảng kinh doanh này đã để lại một loạt hệ lụy cho xã hội. Song điều đáng tiếc là đến nay các cơ quan liên quan vẫn chưa có động thái nào rõ ràng nhằm "siết" việc kiểm soát đối với hoạt động này…

Trả lời những vấn đề liên quan như: Số tiền thuế TNDN Công ty TNHH Grab đã nộp kể từ khi đi vào hoạt động đến nay; những khoản vay hàng nghìn tỉ đồng với lãi suất 0% của Grab từ các công ty trong hệ sinh thái ở nước ngoài như GrabTaxi Holdings Pte Ltd và Grab Inc với lãi suất 0% có tuân thủ quy định của NHNN về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp; vì sao khoản phí quản lý, phí bản quyền Grab phải trả cho GrabTaxi Holdings Pte. Ltd những năm gần đây tăng cao; những lý do dẫn đến việc thua lỗ dù doanh thu của Grab tăng cao liên tục những năm gần đây; khi xảy ra sự kiện nóng hay vấn đề về ANTT liên quan đến Grab…?.

Đại diện Grab chỉ ngắn gọn rằng hoạt động kinh doanh và vận hành của Grab Việt Nam đang được triển khai phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Công tác kế toán, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty được thực hiện và báo cáo cho cơ quan chức năng có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Bảo Sơn- Ngọc Thiện
.
.