Giải pháp để bảo vệ những cánh rừng trong nắng nóng

Thứ Bảy, 14/08/2021, 08:56

Để bảo vệ tốt nhất các cánh rừng không gì quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân sống cạnh rừng, đó là nhận định chung của rất nhiều người làm công tác trong ngành lâm nghiệp ở các địa phương.

Hằng năm, thường cứ bước sang tháng 7, tháng 8 “nắng tháng 8 rám trái bưởi” những cánh rừng bạt ngàn ở miền Trung thường xảy ra cháy rất dữ dội. Còn nhớ, những đám lửa trong cuồng phong gió Lào đã thiêu rụi hàng trăm hecta rừng ở núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), rú Bạc (Nghệ An) và những cánh rừng xanh Quảng Bình, Quảng Trị…

Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã yêu cầu các địa phương “kích hoạt” ngay việc phòng, chống cháy rừng trong giai đoạn này. Trong quá trình thực tế về cơ sở ở các địa phương, chúng tôi nhận thấy nhiều giải pháp, cách làm hay về phòng, chống cháy rừng đang thực sự mang lại hiệu quả cao, cần nhân rộng.

Nâng cao vai trò người dân sống cạnh rừng

Hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra, sau đó cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện nguyên nhân cháy đều do người địa phương sống cạnh rừng gây ra. Đi làm về thấy rác trong vườn nên Phan Đình Thành (46 tuổi), trú tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh quét dồn lại để đốt. Tuy nhiên, khi ngọn lửa bốc lên cộng với nắng nóng gió thổi mạnh, Thành không làm sao khống chế được ngọn lửa và chỉ ít phút sau đám cháy đã lan đến rừng thông ở tiểu khu 92A thôn 7, xã Xuân Hồng. Lửa mỗi lúc một bùng phát dữ dội khắp ngọn núi Hồng Lĩnh, uy hiếp nhiều nhà dân.

Giải pháp để bảo vệ những cánh rừng trong nắng nóng -0
 Các cơ quan chức năng đang gồng mình dập lửa trong một vụ cháy rừng ở tỉnh Hà Tĩnh.

Sau nhiều ngày, lực lượng Công an và các đơn vị chức năng mới khống chế được đám cháy. Thiệt hại do đám cháy gây ra là 92,4ha, 35.177 cây thông và 620 cây bạch đàn trong rừng phòng hộ bị thiêu rụi. Cách đây chưa lâu, dịp rằm tháng 7, chị Trần Thị Nga và con trai ở Quảng Ninh, Quảng Bình ra mộ thắp hương cho chồng, phần mộ nằm cạnh bìa rừng. Sau đó mẹ con chị Nga hóa hương vàng đã làm ngọn lửa cháy lan hàng chục hecta rừng phòng hộ ven biển…

Để bảo vệ tốt nhất các cánh rừng không gì quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân sống cạnh rừng, đó là nhận định chung của rất nhiều người làm công tác trong ngành lâm nghiệp ở các địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ rừng thì các tỉnh, thành phố cần có giải pháp để người dân ven rừng sống được với rừng; có thu nhập từ rừng bằng cách giao khoán rừng, bảo vệ rừng…

Xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn với 3.635,65ha diện tích đất rừng. Nhiều năm qua, cánh rừng nơi đây luôn được bảo vệ an toàn trong mùa nắng nóng là nhờ bởi chính quyền đã huy động được sức dân vào bảo vệ rừng. Theo ông Phan Duy An, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch, hằng năm địa phương luôn xác định từ tháng 4 đến tháng 10 là thời điểm nguy cơ cháy rừng rất cao nên công tác phòng, chống cháy rừng luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc phát thông báo, tuyên truyền đến từng chủ rừng, hộ gia đình, xã Quảng Thạch đã phối hợp với các ngành chức năng rà soát những mâu thuẫn, tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp để giải quyết nhằm kịp thời ngăn chặn trường hợp đốt phá rừng để trả thù.

Một trong những cách làm rất hiệu quả việc bảo vệ rừng ở Quảng Thạch là thành lập các mô hình nhóm liên gia tự quản. Theo đó, mỗi nhóm sẽ gồm từ 10-20 hộ có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng. Khi phát hiện trường hợp xử lý thực bì cháy có nguy cơ lây lan, sẽ phát thông tin trên loa truyền thanh, huy động toàn thể nhân dân địa phương đến dập lửa…

Theo đánh giá của Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT, việc thiếu ý thức của các đối tượng sử dụng lửa chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cháy rừng trong nhiều năm qua, chủ yếu từ các hoạt động sản xuất, kể cả việc đốt nương làm rẫy, đốt rơm rạ đồng ruộng sau mùa thu hoạch… Nhiều khi chỉ cần một phút bất cẩn của người dân trong việc dùng lửa đã tạo nên những đám cháy dữ dội thiêu rụi cả cánh rừng. Có nơi hàng trăm hecta rừng tồn tại cả trăm năm, tốn bao nhiêu công sức bảo vệ nhưng chỉ trong một vài giờ đã trở thành đống tro do một phút bất cẩn của ai đó gây cháy rừng...

Phát huy sức mạnh tổng hợp phòng, chống cháy rừng

Theo nhiều cán bộ lâm nghiệp, bên cạnh gốc rễ để phòng, chống cháy rừng hiệu quả trong nắng nóng là nâng cao ý thức của người dân, thì rất nhiều nơi chính quyền địa phương, hoặc người dân bản địa sống cạnh rừng có nhiều giải pháp, cách làm hay về bảo vệ rừng cũng rất cần được nêu gương, nhân rộng mô hình.

Ông Nguyễn Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết; Quảng Bình hiện là một trong những tỉnh có độ rừng che phủ tốp đầu cả nước (lên tới 68% diện tích của tỉnh), địa hình đồi núi, thiên nhiên khắc nghiệt nắng nóng kéo dài, cộng với gió Lào thổi mạnh nên nguy cơ cháy rừng luôn đặt trong tình trạng báo động. Song những năm gần đây, Quảng Bình luôn hạn chế được thấp nhất việc cháy rừng, bởi tỉnh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đối với các chủ rừng, tỉnh nghiêm cấm tình trạng khai thác và xử lý thực bì trong đợt nắng nóng cao điểm. Ở những khu vực dễ cháy, đơn vị thường xuyên cử lực lượng trực ở các chòi canh lửa 24/24h để nắm bắt tình hình, nếu xảy ra cháy sẽ kịp thời triển khai các biện pháp chữa cháy. Xem việc phòng, chống cháy rừng không chỉ là việc riêng của bất cứ ai, của riêng bất cứ đơn vị nào, mà huy động tổng lực mọi cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân đều chung tay.

Ngay từ đầu mùa nắng, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức làm chòi canh, hàng ngàn kilomet đường băng cản lửa, biển cấm lửa, bảng tuyên truyền. Với phương châm phòng, chống cháy rừng là chính, nên công tác tuyên truyền đến người dân, chủ rừng luôn được đặt lên hàng đầu. Khi có cháy rừng xảy ra, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để triển khai chữa cháy.

Theo thống kê hàng trăm vụ cháy rừng trên địa bàn các tỉnh Bắc, miền Trung trong thời gian qua chủ yếu là rừng trồng, rừng thông, keo… và điều đáng nói phần lớn rừng bị cháy do các lâm trường Nhà nước quản lý. Hiện nay trong thực tế, nhiều lâm trường ở các tỉnh với quân số rất ít nhưng khoanh giữ, bảo vệ diện tích rừng rất lớn. Có những lâm trường, bình quân một người canh giữ đến 1.000ha rừng. Và trong đó chủ yếu rừng trồng, rừng nghèo kiệt…

Vì vậy, để bảo vệ rừng, hạn chế việc cháy rừng, theo nhiều lãnh đạo chính quyền ở các địa phương là giao đất, giao rừng cho người dân. Thực tế cho thấy ở những nơi, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp mạnh dạn giao đất rừng cho dân trồng rừng thì ở đó diện tích rừng phát triển nhanh chóng, và rừng được bảo vệ tốt.

Theo nhiều người có kinh nghiệm làm trong ngành lâm nghiệp lâu năm thì khi xảy ra cháy rừng, để hạn chế cháy đến mức thấp nhất, đồng thời tránh nguy hiểm cho người tham gia chữa cháy, cơ quan chức năng địa phương đó cần giải quyết tốt các vấn đề sau: Nhiều nơi xảy ra cháy lớn, huy động hàng ngàn người tham gia dập lửa, cứu rừng nhưng lại thiếu một “tổng chỉ huy” nhất quán tại hiện trường. Khi rừng xảy ra cháy, có nhiều lực lượng tham gia dập lửa, mỗi lực lượng lại ở các cơ quan, đơn vị khác nhau… vì vậy việc chỉ đạo thường thiếu nhất quán, dậm chân nhau ít hiệu quả. Vì vậy tại hiện trường đám cháy cần phải có một chỉ huy để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Bên cạnh đó, khi xảy ra cháy lớn, gió thổi mạnh, việc dùng vòi nước, ống phụt, hoặc dùng sức người đối mặt với đám cháy sẽ ít mang lại hiệu quả.

Kinh nghiệm một số nơi xử lý cháy rừng hiệu quả cho biết: Khi phát hiện đám cháy nhỏ có thể huy động sức người dập tắt. Nhưng khi đám cháy bùng lên dữ dội, cần huy động người và phương tiện không phải để dập tắt đám cháy mà để khống chế đám cháy không cho lây lan. Muốn khống chế tốt cần tạo các đường băng cản lửa. Phát sẻ cây cối, tạo những đường băng rộng 50-100m vây quanh đám cháy, sau đó lực lượng chức năng ở ngoài đường băng, tàn tro lửa bay qua đường băng nơi nào dập tắt ngay nơi đó…

Dương Sông Lam
.
.