Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều chế độ chính sách “gây khó” trong việc phát triển nông thôn mới

Thứ Tư, 10/04/2024, 06:43

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Chương trình NTM) là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Việc thực hiện tốt Chương trình NTM sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn và nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn nói riêng, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Với ý nghĩa đó, những năm gần đây, Kiểm toán nhà nước (KTNN), ngày càng chú trọng kiểm toán việc triển khai Chương trình NTM, thông qua đó phát hiện những vướng mắc, bất cập để kịp thời kiến nghị chấn chỉnh; kiến nghị hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình đang được triển khai.

Lãnh đạo KTNN chuyên ngành II – đơn vị được giao chủ trì cuộc kiểm toán  Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025  cho biết, trong vòng gần 2 tháng (từ 1/3-29/4/2023), đơn vị đã thực hiện kiểm toán ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) và 13 địa phương gồm Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều chế độ chính sách “gây khó” trong việc phát triển nông thôn mới -0
Theo mục tiêu Chương trình nông thôn mới, đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn.

Đoàn KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 145.728 triệu đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách các khoản chi sai quy định 46,3 triệu đồng; thu hồi kinh phí thừa 36.724 triệu đồng; giảm thanh toán 6.597 triệu đồng; bố trí vốn ngân sách địa phương hoàn trả cho chương trình 102.360 triệu đồng. Kiến nghị xử lý khác 307.259 triệu đồng, trong đó chủ yếu là điều chỉnh không tổng hợp vào quyết toán kinh phí của Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 298.932 triệu đồng.

Cụ thể, KTNN chỉ ra rằng, tại 13 địa phương được kiểm toán, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt so với chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, 6/13 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu số huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 1/1 địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 5/13 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM; 7/13 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã NTM nâng cao; 3/6 địa phương chưa hoàn thành tỷ lệ xã NTM kiểu mẫu. Những bất cập này cũng góp phần làm giảm hiệu quả triển khai Chương trình NTM. Theo thống kê, cập nhật số liệu tính đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, so với mục tiêu đề ra theo kế hoạch, nhiều chỉ tiêu trong phát triển NTM còn chậm, như việc phát triển các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xây dựng sản phẩm OCOP…

Ngoài việc kiến nghị thu hồi tài chính, đối với UBND các tỉnh được kiểm toán, KTNN kiến nghị phải chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình HĐND tỉnh, thành phố ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành giai đoạn 2021-2025; kiểm tra, rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (năm 2021, 2022) của địa phương; tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án trong Chương trình đảm bảo bố trí vốn thực hiện đầu tư đúng nội dung, đối tượng và bố trí nguồn vốn phù hợp với quy định Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Không chỉ dừng lại ở một số vấn đề trên, qua kiểm toán, đoàn công tác chuyên ngành II cho thấy, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình NTM hiện nay còn có những bất cập, hạn chế gây khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình. Đơn cử, Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp của Chương trình giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, nội dung của Thông tư số 53/2022/TT-BTC chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, nội dung chi, mức chi, chi các nội dung đặc thù... đối với đối tượng sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương. Như vậy, chưa đảm bảo sự thống nhất trong việc sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh thực hiện Chương trình, nhất là tại các tỉnh không được phân bổ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, quy định: “Có ít nhất 1 mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể”. Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể dẫn đến các tỉnh còn lúng túng khi thực hiện xây dựng các tiêu chí và không đồng nhất về số lượng và nội dung các tiêu chí. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí xã NTM về y tế quy định tỷ lệ khám, chữa bệnh điện tử, tuy nhiên do điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau, nền tảng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa có ứng dụng chính thức về sổ sức khỏe điện tử, Bộ Y tế đang trong lộ trình xây dựng các quy định cụ thể về hồ sơ sức khỏe cá nhân, sổ sức khỏe điện tử, khám, chữa bệnh từ xa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi tại thời điểm hiện nay…

Đặng Nhật
.
.