Nghề báo thời công nghệ số

Thứ Tư, 21/06/2023, 08:32

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang làm thay đổi cấu trúc mọi ngành nghề, trong đó có nghề báo. Nhiều cơ hội mở ra, nhưng cùng với nó là không ít thách thức, đòi hỏi các cơ quan báo chí và người làm báo phải thích nghi và tự đổi mới để bắt kịp với xu thế chung của sự phát triển.

Thăng bằng trên đôi chân: nội dung - công nghệ

Nhờ có công nghệ, công việc của người làm báo hiện nay trở nên tiện lợi hơn rất nhiều. Đầu tiên là các hoạt động tìm kiếm thông tin. Nếu trước đây, người làm báo mất nhiều mồ hôi công sức đi thực địa, đến tận nơi xảy ra sự kiện, tìm kiếm tài liệu từ thư viện, sách báo cũ thì hôm nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, internet, mạng xã hội và các nền tảng số, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, người làm báo có thể tra cứu được nhiều thông tin, nguồn tư liệu khác nhau không chỉ trong nước mà cả từ khắp nơi trên thế giới. Cuộc cách mạng trong tìm kiếm thông tin của ngành báo chí dẫn đến những đổi thay căn bản trong tư duy làm nghề, theo đó mỗi cơ quan báo chí dường như đang tích cực chuyển động để tái cấu trúc lại lực lượng lao động sao cho phù hợp với xu thế chung của thời đại. Báo chí online trở thành xu hướng tất yếu, ngay cả những tờ báo giấy lừng lẫy tên tuổi một thời cũng phải nhanh chóng chuyển đổi, thích nghi nếu như không muốn bị tụt hậu, bị bạn đọc bỏ lại phía sau.

DB8-Nghề báo thời công nghệ số -0

Thói quen đọc báo trên các thiết bị công nghệ của bạn đọc tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt về thông tin giữa các tờ báo. Yếu tố nhanh, kịp thời trở thành một trong những yếu tố sống còn. Không chỉ cạnh tranh với nhau, chính các tờ báo còn đang phải chịu áp lực cam go trong cạnh tranh thông tin với các phương tiện truyền thông khác như mạng xã hội. Làm sao để trở thành một “món ngon” trong sự lựa chọn tiêu thụ thông tin từ phía bạn đọc.

Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công việc làm báo trở thành bắt buộc, tất yếu. Ở các nước phát triển, công nghệ đã đi những bước rất xa trong hoạt động báo chí, với nhiều kỹ năng phức tạp. Việc sản xuất nhà báo- robot đã được nhắc đến nhiều hơn và thậm chí đã có một số tờ báo sử dụng công nghệ này. Cách đây vài ba năm, hãng thông tấn BBC đã giới thiệu một giọng đọc AI để đọc các bài báo được đăng trên web của hãng. Reuters cũng giới thiệu một hệ thống sản xuất video tự động trong lĩnh vực thể thao. Giờ đây trí tuệ nhân tạo (AI) đã tham gia vào truyền thông với những hiệu quả tích cực, đặc biệt trong thu thập thông tin và sáng tạo các nội dung báo chí. Có thể nói không quá, nghề báo theo cách hiểu là một nghề lao động trí óc hiện đang phải chạy đua với máy móc, công nghệ, đến mức có ý kiến lo lắng cho rằng sự tự động hóa của máy móc, nhất là trí tuệ nhân tạo đang là mối đe dọa lớn đến công việc của người làm báo.

Tuy nhiên, mối lo này có thực sự quan ngại? Một cách bình tĩnh, có thể thấy, báo chí nếu nắm vững công nghệ sẽ có cơ hội lớn trong sáng tạo nội dung và phát triển, mở rộng sự ảnh hưởng của mình tới bạn đọc. Nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ, một số thao tác trong làm báo sẽ trở nên đơn giản, thuận tiện hơn, nhà báo vì thế có thể dành thời gian cho sáng tạo các nội dung phức tạp, cao cấp hơn.

Thực tế các ứng dụng công nghệ có thể vận dụng vào một vài khâu trong sáng tạo nội dung nhưng để có những nội dung báo chí hoàn chỉnh luôn cần đến trí óc, lao động thực sự của người làm báo. Khoa học dù có phát triển đến đâu cũng không thể thay thế trí tuệ của con người. Có một thực tế là hiện nay nhiều tờ báo bị ảnh hưởng bởi công nghệ mà đánh mất đi độc giả của mình. Lo sợ về tính cạnh tranh, nhiều báo điện tử lao vào cuộc chạy đua tin tức. Kết quả là cùng một thông tin, vì áp lực nhanh, kịp thời, nhiều tờ báo đều đưa một cách sơ sài giống nhau mà thiếu đi những bài viết có chiều sâu, có tính thuyết phục, mang đậm dấu ấn cá nhân của người viết. Chưa kể, một số người viết báo còn bị các thông tin trên mạng xã hội dẫn dắt, dẫn đến việc đưa thông tin vội vàng, thiếu độ chính xác, tin cậy.

Do đó bên cạnh việc đầu tư, ứng dụng công nghệ vào làm báo, thì việc sáng tạo nội dung với lao động chiều sâu, trí tuệ của người viết luôn cần được đặt ngang hàng với nhau. Tại một cuộc hội thảo về báo chí, một “lão làng” trong ngành báo chí đã ví von “Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng” để nhấn mạnh về tầm quan trọng của hai yếu tố này trong báo chí truyền thông hiện đại. Cho dù chúng ta có đầu tư bao nhiêu vào máy móc, công nghệ hiện đại mà thiếu đi sự sắc sảo, lao động cá nhân đặc thù của người làm báo thì nội dung của báo chí khó mà hay, khó mà gây xúc động độc giả. Ngược lại, nếu cơ quan báo chí, người làm báo mà thờ ơ với công nghệ, không bắt kịp những xu hướng làm báo hiện đại thời kỳ công nghệ số thì sẽ bị tụt lùi, lạc hậu và khó khăn trong tiếp cận độc giả.

Thích ứng để tồn tại

Đối với cá nhân người làm báo, việc không ngừng học hỏi, làm chủ các phương tiện công nghệ hiện đại giúp cho thao tác làm báo của mình trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn là vô cùng cần thiết. Mô hình tòa soạn hội tụ đang được triển khai ở nhiều cơ quan báo chí, theo đó, một người làm báo chuyên nghiệp hiện đại phải thành thạo đa kỹ năng như viết, chụp ảnh, quay phim, dựng clip, làm MC dẫn dắt....Tức là khi một nhà báo đi tác nghiệp, sản phẩm của anh ta phải có khả năng sử dụng được cho cả các loại hình báo viết, báo điện tử, báo phát thanh, báo hình. Không chỉ các phóng viên trẻ mới ra trường mà cả các phóng viên kỳ cựu, lớn tuổi, việc học hỏi, cập nhật các kiến thức công nghệ mới, làm chủ các kỹ năng làm báo hiện đại là yêu cầu sống còn. Chỉ có như vậy, người làm báo mới tự tin đi trong dòng chảy của báo chí, sẵn sàng tham gia vào công việc trong mọi điều kiện.

Đối với cơ quan báo chí, việc thay đổi mô hình quản lý theo chiều hướng hiện đại, áp dụng công nghệ mới trong các khâu từ sản xuất, in ấn, phát hành là ưu tiên hàng đầu. Trong xã hội công nghệ số, khi thói quen tiêu thụ thông tin của người dân thay đổi, thì báo chí phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới mong nhận được sự quan tâm từ phía người đọc. Hiện nay, mạng xã hội nhiều lúc đang lấn lướt báo chí trong việc “chiếm” thời gian của bạn đọc, bởi tính năng ngay lập tức về mặt thông tin (dù phần nhiều đó là thông tin chưa được kiểm chứng). Để cạnh tranh với mạng xã hội, thì công việc biên tập, kiểm duyệt của báo chí phải thay đổi, để làm sao có thể cung cấp thông tin cho độc giả vừa nhanh vừa tin cậy. Điều này cần đến sự ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao giúp cho thao tác của người làm báo nhanh hơn.

Và cuối cùng, phải chăm lo vấn đề đạo đức của người làm báo. Cần nhấn mạnh rằng trong thời buổi mà chúng ta cảm giác như ai cũng có thể trở thành người làm báo do sự thuận tiện của công nghệ thì vấn đề đạo đức báo chí càng phải được quan tâm hàng đầu. Một số trang thông tin điện tử, báo điện tử đang sử dụng một lượng lớn cộng tác viên do nhu cầu thông tin nhiều và nhanh hàng ngày, nhưng phần lớn lực lượng này chưa qua đào tạo nghề báo, không hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến nghề báo. Để câu view, câu like, họ sẵn sàng đuổi theo những thông tin giật gân, câu khách, chưa được kiểm chứng, thậm chí bịa đặt để thu hút sự quan tâm của người đọc. Cái gọi là “thông tin rác”, “thông tin độc hại” hiện nhan nhản trên các trang báo mạng, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người đọc và bầu không khí xã hội. Đáng tiếc là có không ít người làm báo chuyên nghiệp, được đào tạo cũng sẵn sàng bỏ qua các nguyên tắc đạo đức của người làm nghề để chạy theo xu hướng thông tin độc hại như vậy.

Công nghệ càng phát triển thì thách thức càng lớn với các cơ quan báo chí và người làm báo. Nhưng vượt lên trên thách thức thì cơ hội lớn sẽ mở ra. Thay đổi là tất yếu, nhưng cho dù có thay đổi đến đâu, báo chí vẫn phải giữ cho được những giá trị phổ quát, là trách nhiệm xã hội, là tính tin cậy trong thông tin, là sự truyền cảm hứng cho người đọc, nhân lên những điều tốt đẹp, dẹp đi những cái xấu. Có như vậy, báo chí mới làm tròn vai trò của mình, phục vụ quần chúng nhân dân, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.

Vũ Quỳnh Trang
.
.