Phú Quốc sẵn sàng đón du khách quốc tế

Thứ Sáu, 05/11/2021, 08:13

Theo TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), du lịch là hoạt động chủ yếu, thế mạnh đặc biệt của Phú Quốc. Những năm qua, tốc độ phát triển du lịch ở Phú Quốc rất nhanh, thu hút đầu tư, tăng trưởng GDP. Phú Quốc không chỉ đóng góp gần nửa nguồn thu ngân sách cho tỉnh Kiên Giang mà còn là địa bàn du lịch sôi động nhất nước.

Thời gian qua, theo sau nhiều công trình hạ tầng lớn trên đảo là nhiều dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhất là các dự án du lịch lớn, xác lập nhiều kỷ lục mới, tạo ra sức hút mới cho “đảo ngọc”. Vì vậy, việc đóng, mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch của Phú Quốc không còn là vấn đề riêng của thành phố đảo hay của tỉnh Kiên Giang mà còn có ý nghĩa rộng lớn hơn.

“Đã đến lúc phải tập trung vào các giải pháp mở cửa hoạt động trở lại như thế nào cho an toàn. Yêu cầu đó đòi hỏi phải giải bài toán chi phí - lợi ích khi chính quyền ra quyết định, áp dụng các giải pháp và biện pháp phòng, chống dịch liên quan đến hoạt động kinh tế và đời sống dân sinh”, TS Trần Hữu Hiệp nói.

Dịch bệnh khiến Phú Quốc đối mặt trước thách thức mới nhưng không phải không thể vượt qua bằng cách chủ động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trên nền tảng ứng dụng tốt hơn khoa học, công nghệ, bám sát tình hình thực tiễn và chủ động bố trí nguồn lực, chỉ huy thông suốt. Cần đẩy nhanh độ phủ tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân trên đảo. Điều này hoàn toàn làm được với dân số khoảng 200.000 người, địa lý tương đối biệt lập của một thành phố đảo. Đây là điều kiện để tạo ra vùng an toàn. Cùng với “hộ chiếu vaccine”, “thẻ xanh vaccine”, cũng cần nghiên cứu để đảm bảo điều kiện y tế như các nước đã làm là khuyến khích tiêm vaccine cho du khách đến Phú Quốc.

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là cơ sở quan trọng để Phú Quốc quyết định mở cửa trước thách thức dịch bệnh. Trong đó, đã nêu rõ những lĩnh vực trọng tâm, những giải pháp cần tập trung xét trên bình diện chung cả nước, rất cần các “kịch bản” triển khai cụ thể phù hợp với tình hình trên đảo.

Theo kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một kéo dài ba tháng, đón từ 3.000 đến 5.000 khách/tháng, qua các chuyến bay thuê bao, phạm vi và địa điểm phục vụ hạn chế. Giai đoạn hai sau khi đánh giá kết quả giai đoạn một, có thể mở rộng quy mô đón 5.000 - 10.000 khách/tháng, trên các chuyến bay thương mại và mở rộng phạm vi, địa điểm đón khách. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, sân bay quốc tế Phú Quốc cũng đã xây dựng kịch bản riêng sẵn sàng đón khách.

Về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và phối hợp với tỉnh Kiên Giang triển khai kế hoạch, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổng cục Du lịch đã tính toán các phương án, dự án, phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm những điều kiện an toàn nhất cho du khách. “Địa phương cũng phải chuẩn bị các lực lượng tham gia giám sát, đáp ứng tình huống xử lý trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng hoặc nhân viên phục vụ tại khu, điểm du lịch mắc bệnh, hay trường hợp du khách mắc COVID-19; việc ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, giám sát phòng, chống dịch…”, ông Thủy nói.

Được biết, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch COVID-19. Kế hoạch được triển khai trong 6 tháng kể từ ngày 20/11 để thử nghiệm, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Đức Văn
.
.