Chuyện người thầy giáo Công an nhân dân vươn lên từ gian khó

Thứ Ba, 06/01/2015, 13:00
Nhà nghèo, bố mẹ sức khỏe yếu, 2 chị gái đều lấy chồng lập nghiệp nơi xa, một mình anh bươn chải, kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi cậu em út ăn học. Hai năm sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh mới có điều kiện thi Học viện An ninh nhân dân, hoàn thành ước mơ tuổi trẻ còn dang dở. Cũng chính anh đã tự ôn luyện cho cậu em út thi đỗ Học viện An ninh nhân dân tiếp bước người anh. Nghị lực vượt khó của Đại úy Lê Xuân Phương, Phó phòng Đào tạo Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1 khiến nhiều người cảm phục.
Tui tr gian khó

Đại úy Lê Xuân Phương sinh ra tại một vùng quê nghèo khó của xã Định Tiến, Yên Định, Thanh Hóa. Một vùng núi "đất cày lên sỏi đá", đến việc trồng cấy cũng khó khăn nên thanh niên, trai tráng sớm rời làng đi lập nghiệp phương xa. Nhà nghèo, cha mẹ sức khỏe yếu, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nên hai chị gái của anh sau khi học xong cấp 3 cũng vào Nam lập nghiệp. Là con trai lớn, anh đóng vai trò trụ cột trong gia đình. Cứ hết giờ học, người trong thôn lại thấy cậu thanh niên gầy gò đi làm đồng, trồng cây, chăn nuôi, phụ hồ giúp cha mẹ.

Mặc dù là một học sinh giỏi của lớp chuyên ban A nhưng khi tốt nghiệp cấp 3, thương bố mẹ vất vả, nhà nghèo không có tiền đi học đại học, Lê Xuân Phương quyết chí vào Nam tìm việc làm để có tiền nuôi cậu em ăn học. Ngày ấy, thương con không được bằng chúng bạn, phải sớm lăn lộn từ nhỏ, cha mẹ anh đã khóc cạn nước mắt, nhưng chính anh đã động viên bố mẹ rất nhiều, rằng sau vài năm đi làm, có đủ tiền lo cho em trai học hành thành tài, anh sẽ đi thi đại học.

2 năm bươn chải trong Nam, không việc gì là anh không làm, từ gia sư dạy học, thợ xây, phụ hồ, làm thuê đến chở xe ôm, chở hàng thuê… Anh bảo, có lẽ anh đi khắp các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ còn nhiều hơn các tỉnh phía Bắc. Cũng bằng ấy thời gian, anh chỉ chú tâm vào công việc, thắt lưng buộc bụng, thậm chí nhịn đói đi làm để gom góp gửi tiền về quê cho bố mẹ và em trai. Nhắc lại những tháng ngày vất vả, cực nhọc ấy, mắt anh rưng rưng.

Thượng tướng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bộ Công an trao Bằng khen giảng viên dạy giỏi cấp Bộ năm 2012-2013 cho Đại úy Lê Xuân Phương.

Chính những gian khó ấy càng thôi thúc anh phải đi học đại học, bởi chỉ có học thành tài thì những người nghèo như vùng quê anh mới có cơ hội đổi đời. Trong thời gian đi làm, lúc rảnh rỗi anh lại lấy sách ra học để kiến thức không bị mai một, và cũng để tích luỹ kinh nghiệm làm hành trang chuẩn bị cho kì thi đại học quan trọng. Cũng vì yêu thích chiến sĩ công an mà anh quyết định chọn Học viện An ninh nhân dân để dự tuyển.

Và trời không phụ lòng người, tin cậu thanh niên thợ xây Lê Xuân Phương đỗ khối A Học viện An ninh nhân dân với điểm số cao khiến người dân quê anh vinh dự và tự hào, bởi lần đầu tiên vùng quê nghèo có một học sinh tương lai sẽ trở thành một chiến sĩ Công an nhân dân. Họ càng cảm phục hơn khi biết người thanh niên ấy có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tự học, tự kiếm tiền để đi thi đại học và nuôi cậu em út thành tài.

Vì không có điều kiện đi học thêm, nên ngay khi cậu em út tốt nghiệp phổ thông, anh đưa ra Hà Nội, lo nơi ăn chốn ở và kèm cặp cậu em ăn học, ôn thi. Anh ở trong trường, em ở ngoài nhà trọ, cứ cuối tuần được nghỉ anh lại ra nhà trọ luyện thi cho em, có gì khúc mắc, cậu em lại đến cổng kí túc gặp anh để được giải đáp. Và thật tuyệt vời khi cậu em út cũng đã đỗ Học viện An ninh với điểm số cao. Hiện anh cũng đang là giảng viên Học viện An ninh nhân dân.

Gieo ht ging, gt thành công

Suốt 5 năm học Học viện An ninh nhân dân, Lê Xuân Phương luôn giữ cương vị là Bí thư Chi đoàn, tham gia năng nổ, nhiệt tình mọi hoạt động, phong trào của trường, được bạn bè tin yêu, nể phục và ưu ái gọi anh với cái tên bác Phương "già", bởi vì khó khăn, vất vả, nên nhìn anh khắc khổ và già hơn so với tuổi.

Đặc biệt, thành tích học tập của Lê Xuân Phương khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Trong 5 năm liền, anh luôn là học viên tiên tiến, học viên giỏi. Với những trường lực lượng vũ trang như Học viện An ninh nhân dân thì việc đạt được danh hiệu tiên tiến, học viên giỏi là rất khó vì không chỉ học văn hoá, các học viên còn học nghiệp vụ cũng như võ thuật. Vì thế, việc đạt được thành tích với một học viên đi học đại học muộn màng và tự học, tự phấn đấu như Lê Xuân Phương quả là hiếm có.

Vì có kết quả học tập tốt nên ra trường, anh được về công tác tại Khoa Trinh sát phản gián (Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1). Với tính tình hiền lành, hoà nhã, cùng tinh thần ham học hỏi, trong quá trình giảng dạy với mong ước để các em học viên lĩnh hội tri thức tốt nhất, anh luôn không ngừng cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy.

Đại úy Lê Xuân Phương.

Những đổi mới về nội dung phương pháp của anh đã được học viên, nhà trường, Bộ Công an công nhận như: trong các năm học, anh đã có 4 sáng kiến cải tiến về nội dung phương pháp giảng dạy được nhà trường công nhận và nhân rộng trong nhà trường; đạt giải nhì rồi giải nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường; là giáo viên dạy giỏi cấp trường, giáo viên dạy giỏi cấp Bộ Công an; được tặng thưởng nhiều giấy khen của trường, Tổng cục Xây dựng lực lượng; Bằng khen của Bộ Công an; Trung ương đoàn về những thành tích xuất sắc trong phong trào dạy giỏi và công tác đoàn. Anh luôn được học sinh và các thầy cô giáo trong trường quý mến.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, 5 năm liền anh đạt danh hiệu Chiến sĩ Tiên tiến, 2 năm đạt Chiến sĩ Thi đua, anh được Đảng ủy Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao làm Tổ phó, Tổ trưởng Tổ Nghiệp vụ trinh sát chống gián điệp Khoa Nghiệp vụ an ninh rồi Phó phòng Đào tạo Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1.

Hạnh phúc lớn nhất của anh lúc này chính là gia đình nhỏ yên ấm, với người vợ trẻ hiện cũng đang công tác tại Phòng Khảo thí của trường và cậu con trai 3 tuổi đáng yêu. Nhắc đến chuyện tình của anh chị, anh chỉ cười hiền, bởi với anh, đó là duyên số. Anh quen chị trong những lần đi công tác thực tế tại nơi địa đầu của Tổ quốc vùng cao biên giới huyện Đồng Văn, Hà Giang. Quê anh ở tận vùng núi nghèo của huyện Yên Định, Thanh Hoá, chị quê vùng trung du đất tổ Vua Hùng - yêu màu áo lính theo cha lên gắn bó với sự nghiệp bảo vệ an ninh biên giới nơi địa đầu Tổ quốc. Tình yêu của anh chị đã gặp phải rất nhiều cản trở của hai bên gia đình và bè bạn. Nhưng vượt qua tất cả mọi định kiến, anh chị vẫn có một đám cưới hạnh phúc và viên mãn.

Nhớ lại quãng thời gian mới cưới, anh chị cũng không thể ngờ rằng mình đã vượt qua được mọi khó khăn, thử thách như thế. Vợ công tác ở Hà Giang, chồng công tác ở Sóc Sơn, Hà Nội, cứ 2-3 tuần, được nghỉ dạy, anh lại lặn lội lên Hà Giang thăm vợ. Hai vợ chồng son mà chẳng khác gì ông ngâu, bà ngâu, tháng mới gặp nhau một lần. Thấy được nỗi vất vả của hai cán bộ trẻ, lãnh đạo Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1 và Công an tỉnh Hà Giang đã quan tâm tạo điều kiện, năm 2013 chị được chuyển về Hà Nội và công tác cùng trường với anh.

Dù cuộc sống của hai vợ chồng còn rất nhiều khó khăn, khi anh chị vẫn phải thuê nhà, chăm con, trong khi ông bà nội ngoại đều ở xa không giúp đỡ được gì nhiều, nhưng anh không hề than vãn. Bởi với Đại uý Lê Xuân Phương, cuộc sống hiện tại là quá mãn nguyện so với những gì anh đã phải trải qua suốt tuổi thơ khốn khó.

Phong Trâm
.
.