Người nữ công an đam mê nghệ thuật

Thứ Hai, 27/06/2016, 15:06
Chị Hoài Thanh có ngoại hình sáng, hát hay, sáng tác thơ giỏi, có đầy đủ yếu tố để trở thành một người làm nghệ thuật, nhưng vì không nhận được sự ủng hộ của mẹ chị, nên chị đã gác lại ước mơ đó và phấn đấu trở thành một chiến sĩ Công an. Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, công việc và gia đình, nhưng niềm đam mê với nghệ thuật vẫn luôn cháy bỏng trong tâm hồn chị, để rồi những cảm xúc được chắp cánh thành những bài thơ, bài hát đã ra đời và lan tỏa.

Thượng tá Đậu Thị Hoài Thanh hiện là Phó Trưởng phòng Công tác lý luận Công an nhân dân, Viện Chiến lược và Khoa học Công an - Bộ Công an. Chị đẹp mặn mà, đúng chất của người con gái Hà Tĩnh, nụ cười duyên luôn cuốn hút người đối diện. Dường như cái nắng, cái gió của miền gió Lào cát trắng không nhuộm được làn da trắng hồng của người phụ nữ ấy.

Chị Hoài Thanh lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài của đất nước như Đại thi hào Nguyễn Du và nhà quân sự, nhà thơ Nguyễn Công Trứ…, nơi có sông Lam, núi Hồng thơ mộng đã đi vào thơ ca, nhạc họa cùng những điệu hò ví dặm nghe da diết đến nao lòng. Gia đình chị không chuyên làm nghệ thuật, nhưng chị có một chút gen của bố, một người rất yêu thơ và đã từng có 3 tập thơ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản. Tuổi thơ của chị Hoài Thanh thế lớn dần lên theo từng lời thơ của cha và những điệu ví dặm quê mình.

Thượng tá Đậu Thị Hoài Thanh.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, tháng 12-1988 chị được điều động về công tác tại Tổng cục Khoa học kỹ thuật, đến tháng 10/2007 chị về công tác tại Tổng cục An ninh, làm việc tại Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền trực thuộc Văn phòng Chính phủ và đến tháng 11-2010 chị được điều động về công tác tại Viện Chiến lược và Khoa học Công an - Bộ Công an.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Thượng tá Đậu Thị Hoài Thanh vẫn tích cực tham gia sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của Bộ Công an và đơn vị phát động. Nhiều năm tham gia dự thi giọng hát trẻ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), liên hoan nghệ thuật quần chúng CAND, tham gia các Hội diễn văn nghệ của Tổng cục chị đã đạt nhiều giải cao.

Ngoài ra, chị còn tham gia biểu diễn tại các Hội nghị Công an toàn quốc của Bộ, là đội Văn nghệ xung kích của Phụ nữ CAND, đội Văn nghệ xung kích của Đoàn Thanh niên Bộ Công an. Năm 2004, chị trong cuộc thi giọng hát ngành của Ủy ban kiểm tra Bộ Công an, chị đã giành được giải nhất.

Năm  2011, trong đợt đưa đoàn tham dự Hội thao chiến sỹ Công an khỏe của Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Bình Định, chị đã đăng ký chạy 3.000m ở tuổi 45 lãnh đạo cấp phòng, rất vinh dự chị đã mang thành tích về cho đơn vị với tấm Huy chương vàng danh dự cho môn chạy Việt dã.

Công việc dù bận rộn, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn chị Hoài Thanh là niềm đam mê thơ ca, âm nhạc. Những vần thơ, những câu hát cứ thế cất lên nhẹ nhàng, da diết tận đáy lòng. Đôi khi là cảm xúc khắc khoải nhớ quê hương, có những lúc lại là cảm xúc lãng mạn với tình yêu thời con gái. Chị đã viết những lời thơ bay bổng, trào dâng và lắng đọng…

 Nếu ai đã từng được nghe ca khúc "Nhớ mẹ" được phổ từ lời thơ của chị, chắc không thể nào quên những ca từ mộc mạc, giản dị nhưng đầy tính nhân văn, chân thực, chất chứa tình mẫu tử, là nỗi lòng của những người con đi xa, không được ở bên chăm sóc mẹ :

"Con mang về trầm hương viếng mẹ
Càng bồi hồi càng nhớ mẹ nhiều hơn
Đôi vai xưa con từng ôm nũng nịu
Đã cuốn vào giấc ngủ của ngàn thu
Mẹ ơi con nhớ giọt thương của mẹ
Để mai sau con dạy cháu thành người"

Một cơ duyên đã đưa "Nhớ mẹ" của chị đến với nhạc sỹ Mạnh Chiến. Khi đọc được bài thơ của chị, nhạc sỹ Mạnh Chiến đã không kìm nén được xúc động trước tình cảm chân thành của tác giả dành viết về người mẹ đã khuất. Những ca từ quá sâu sắc, chạm đến trái tim người nhạc sỹ, sự rung động đó như nói hộ cả tình cảm bao người con dành cho mẹ. Để rồi cảm xúc dâng trào, những nốt nhạc đã cất lên thành giai điệu "Nhớ mẹ" và nhanh chóng giành được tình cảm yêu mến của đông đảo công chúng yêu nhạc. 

Người ta thường nói trong thơ có nhạc, quả thật "Nhớ mẹ" có một sự hòa quyện  giữa thơ và nhạc nhưng mang một tầm cao mới, với những giai điệu ngọt ngào, da diết mà không có bi quan, phiền lụy. "Nhớ mẹ" liên tục xuất hiện trong các sự kiện âm nhạc và năm 2013 ca khúc này đã mang lại vinh dự lớn cho đồng tác giả nhạc và thơ. Giải A với ca khúc "Nhớ mẹ" tại liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền Trung do Hội nhạc sỹ Việt Nam tổ chức. 

Tại liên hoan truyền hình CAND 2015 ca khúc "Nhớ mẹ" đã  được Phòng PX15 Công an tỉnh Hà Tĩnh dàn dựng để dự thi và đã vinh dự được trao tặng Huy chương Bạc, được Ban giám khảo đánh giá cao về tính nhân văn, sự lay động lòng người. Tại liên hoan tiếng hát truyền hình 2015 tại TP Hồ Chí Minh, ca khúc "Nhớ mẹ" đã được ca sỹ trẻ Dương Linh Tuyết, sinh viên Nhạc viện Hà Nội sử dụng dự thi chung kết vòng 3 được truyền hình trực tiếp, được đông đảo khán giả yêu mến.

Năm 2014, Thượng tá Đậu Hoài Thanh lại may mắn được Hội nhạc sỹ Việt Nam trao giải C bài hát của năm đồng tác phẩm "Vị quê" với Nhạc sỹ Mạnh Chiến. Năm 2015, tại Lễ tổng kết cuộc vận động sáng tác âm nhạc về đề tài Công an nhân dân giai đoạn 2011-2015, tác phẩm "Kỷ niệm về ba" của chị được nhạc sĩ Ngọc Thịnh phổ nhạc đã xuất sắc nhận giải nhất của Ban tổ chức. Ca khúc này cũng được trao tặng Bằng khen "Giải A" vòng Sơ khảo giai đoạn 3 cuộc thi và Bằng khen "Giải A" của Bộ trưởng Bộ Công an trong Lễ tổng kết Cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài CAND giai đoạn 2011-2015. 

Thượng tá Đậu Thị Hoài Thanh vinh dự được nhận giải A trong cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài CAND 2014-2015.

"Kỷ niệm về ba" là những cảm xúc thật của chị Hoài Thanh khi hàng ngày chứng kiến những đồng đội của mình đã hy sinh thầm lặng trong các cuộc tấn công, truy quét tội phạm. Sự ra đi của các anh đã để lại nỗi đau khôn nguôi cho những người mẹ, người vợ và những đứa con thơ dại.... Với ca khúc này, hiện nay đã được Bộ Công an sử dụng để biểu diễn trong nhiều hội nghị và các ngày lễ của lực lượng CAND.

Chưa dừng lại ở đó, ca khúc "Nhớ hoàng hôn Hà Nội" được Nhạc sỹ Ngọc Khuê phổ thơ của chị và lại được vang lên trong đêm vinh danh các tác phẩm đạt giải cao nhất bài hát năm của Hội nhạc sỹ Việt Nam và tại đây chị đã được trao đồng Giải B, giải thưởng cao nhất của Hội nhạc sỹ Việt Nam trong năm 2015.

30 năm công tác trong ngành Công an, chị đã có nhiều giải thưởng cao quý của Hội Nhạc sỹ Việt Nam và của Bộ Công an. Có tới 20 ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chị. Trong đó, nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca ngọt ngào, sâu lắng như "Quê em", "Về miền ví dặm giận thương", "Vị quê", "Ngày tình cờ trên biển"… và cả những tác phẩm mang tính thời sự như "Nhịp cầu biển đảo" đã được đài truyền hình Nghệ An giới thiệu tác phẩm mới. 

Nhưng điều tự hào hơn cả là chị đã có những sáng tác tâm huyết dành cho lực lượng CAND, chia sẻ với những đồng đội thân yêu của mình. Nếu "Viện ca" viết riêng về Viện Chiến lược và Khoa học Công an, thì "Những ngôi sao thức" chị đã viết về lực lượng CAND, "Sáu điều Bác Hồ Dạy CAND" là lời ngợi ca đầy trân trọng, tự hào về người chiến sỹ Công an ngày đêm gìn giữ bình yên của cuộc sống… 

Tháng 4-2016 tại TP Huế diễn ra liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền Trung và các tỉnh, thành phố, tại lễ tổng kết, tác phẩm "Về miền Ví dặm giận thương" được Nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu phổ nhạc từ lời thơ của chị được trao đồng giải nhất của Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Thượng tá Đậu Thị Hoài Thanh mong muốn sáng tác được được nhiều tác phẩm hay, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển của nền âm nhạc Việt Nam nói chung cũng như ngành Công an nói riêng. Là một cán bộ của lực lượng Công an, thấu hiểu những hy sinh vất vả của người lính, chị mong sao có thật nhiều tác phẩm ca ngợi hình tượng người chiến sĩ Công an. 

Chị Hoài Thanh ấp ủ dự định tổ chức một đêm nhạc thành công để đánh dấu một chặng đường sáng tác với đam mê cháy bỏng về nghệ thuật của chị từ tuổi thơ và đến thời điểm được đứng trong hàng ngũ của lực lượng CAND. Mơ ước đó cũng là cách để chị thể hiện sự tri ân bạn bè, đồng đội, và gia đình, những người đã luôn đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ để chị có được như ngày hôm nay.

Ngọc Trâm
.
.