Căng thẳng Mỹ-Venezuela hạ nhiệt

Thứ Sáu, 20/10/2023, 06:48

Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành dầu mỏ của Venezuela sau khi nhà chức trách quốc gia Nam Mỹ đạt thỏa thuận quan trọng với phe đối lập, động thái được kì vọng giúp quan hệ giữa Washington và Caracas ấm dần lên.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 19/10 (giờ Việt Nam) thông báo dỡ bỏ trong thời hạn 6 tháng một số biện pháp trừng phạt nhắm vào Venezuela, bao gồm việc cho phép giao dịch trở lại đối với dầu khí, vàng và trái phiếu chính phủ của quốc gia Nam Mỹ, FoxNews đưa tin. Động thái trên được Bộ Tài chính Mỹ mô tả là nhằm thể hiện sự hoan nghênh với việc Chính phủ Venezuela và phe đối lập vừa ký kết thành công một thỏa thuận nhằm bảo đảm cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela diễn ra vào năm 2024 dưới sự giám sát của các quan sát viên quốc tế đến từ phương Tây.

Quyết định mới nhất đánh dấu bước tiến đáng kể trong cách tiếp cận của Mỹ nhằm gia tăng liên hệ với chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, đảo ngược chiến dịch gây sức ép tối đa với quốc gia Nam Mỹ vốn được triển khai quyết liệt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Theo Bloomberg, Washington từng là khách hàng mua dầu lớn của Caracas. Sau khi các biện pháp cấm vận bổ sung được ban bố năm 2019, xuất khẩu dầu thô từ Venezuela vào Mỹ giảm từ 634.000 thùng/ngày hồi tháng 1/2019 về 0 thùng sau nửa năm. Hoạt động xuất khẩu dầu từ Venezuela sang các thị trường khác cũng sụt giảm về khối lượng và giá cả do nhiều quốc gia, tổ chức lo ngại bị Mỹ áp chế tài nếu giao thương với Caracas. 

my-venezuela.jpg -0
Đám đông mang cờ Venezuela và cờ Mỹ trong một cuộc tuần hành ở thủ đô Caracas năm 2019. Ảnh: AP.

Theo Reuters, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây tìm cách thúc đẩy dòng chảy dầu mỏ trên toàn cầu, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao do các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và việc khối OPEC+ cắt giảm sản lượng. Venezuela xuất khẩu trung bình 780.000 thùng dầu/ngày từ đầu năm 2023. Việc Mỹ nới lỏng trừng phạt có thể giúp quốc gia Nam Mỹ tăng sản lượng xuất khẩu thêm khoảng 200.000 thùng/ngày. Đối với tập đoàn khai thác dầu mỏ nhà nước PDVSA của Venezuela, động thái của Mỹ mở đường để họ bán dầu với giá cao hơn cũng như dễ dàng nhập khẩu các giàn khoan, sửa chữa thiết bị hư hỏng và thúc đẩy các dự án khai thác chung. Venezuela gần đây đặt mục tiêu xuất khẩu tới 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2024. 

Quan hệ nguội lạnh giữa Mỹ và Venezuela có dấu hiệu ấm dần lên từ đầu năm 2022, khi Washington cử nhóm quan chức cấp cao đến Venezuela để tiến hành các cuộc thảo luận về quan hệ song phương cũng như về tình hình chính trị ở quốc gia Nam Mỹ. Tháng 6/2022, Mỹ cho phép hai công ty của Italia và Tây Ban Nha vận chuyển dầu Venezuela tới châu Âu để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt dầu từ Nga.

Cuối năm ngoái, Mỹ dỡ bỏ một phần trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Caracas, đồng ý để tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron tiếp tục hoạt động khai thác ở Venezuela. Đầu tháng 10/2023, hai bên tiếp tục công bố một thỏa thuận khác cho phép Mỹ trục xuất người Venezuela xâm nhập trái phép biên giới Mỹ về thẳng Venezuela. Chuyến bay đầu tiên chở 135 người di cư trái phép Venezuela đã được đưa về sân bay ở thủ đô Caracas hôm 18/10 sau khi khởi hành từ sân bay Harlingen thuộc bang Texas của Mỹ.

Tại Venezuela, mâu thuẫn chính trị trong nước cũng từng bước được giải quyết. Quốc hội nước này do phe đối lập kiểm soát tháng 12/2022 đã giải tán "chính phủ lâm thời" của ông Juan Guaido, người tự phong mình làm lãnh đạo đất nước, vì nó "không hữu ích và không ai quan tâm". Các cuộc đàm phán giữa chính phủ của Tổng thống Maduro và phe đối lập cũng được tiến hành hiệu quả để hóa giải bất đồng, với kết quả nổi bật là thỏa thuận vừa đạt được ở quốc đảo Barbados, mà theo đó, mỗi đảng phái chính trị Venezuela có quyền lựa chọn một ứng cử viên theo quy chế nội bộ trước khi phe đối lập tổ chức một cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 22/10 tới đây.

Những tháng vừa qua, Tổng thống Maduro nhiều lần khẳng định nước này đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các bước đi hướng tới tiến trình bình thường hóa và điều chỉnh các mối quan hệ với Mỹ. Ngay khi các biện pháp nới lỏng trừng phạt được công bố, Tổng thống Maduro một lần nữa kêu gọi Mỹ sớm có các bước đi tiếp theo nhằm khởi động "giai đoạn mới" trong quan hệ song phương.

"Các quyền tự do kinh tế đối với đầu tư, thương mại, phát triển, tăng trưởng, mua bán là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng cần đến. Tôi kêu gọi dừng tất cả các lệnh trừng phạt, các cuộc đàn áp tài chính-kinh tế-thương mại chống lại Venezuela thay vì chỉ dỡ bỏ dần dần các lệnh trừng phạt. Venezuela cần phải được thoát khỏi các lệnh trừng phạt", Tổng thống Maduro phát biểu.

Theo Reuters, ngoài lĩnh vực dầu mỏ, Mỹ vẫn đang đóng băng hàng tỷ USD của Venezuela ở nước ngoài, bên cạnh các biện pháp hạn chế đầu tư khác, khiến cuộc khủng hoảng kinh tế tại quốc gia Nam Mỹ thêm nghiêm trọng.

Việc mối quan hệ Mỹ-Venezuela trở lại quỹ đạo được đánh giá là có thể trở thành động lực để các quốc gia phương Tây khác bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Caracas. Hồi tháng 8/2023, Pháp trở thành nước phương Tây hiếm hoi cử đại sứ đến Venezuela và có cuộc trao đổi ngắn với Tổng thống Maduro sau nhiều năm cắt đứt liên lạc. Báo ElPais của Tây Ban Nha nói rằng, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách xây dựng lại quan hệ với chính quyền của Tổng thống Maduro.

Thiện Nhân
.
.