“Đã đến lúc thế giới phải cùng nhau hành động”

Chủ Nhật, 10/09/2023, 08:43

Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường niềm tin và sự tin cậy lẫn nhau. Ông nhấn mạnh, đã đến lúc thế giới phải cùng nhau hành động.

Kỳ vọng về những sự đồng thuận

Sáng 9/9, Hội nghị Thượng đỉnh thường niên G20 đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch Ấn Độ, hội nghị lần này được kỳ vọng tập trung thảo luận để đi đến đồng thuận về nhiều vấn để nổi bật của thế giới.

Phát biểu tại Phiên 1 với chủ đề “Một Trái đất” trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Narendra Modi chỉ ra rằng: “Sau đại dịch COVID-19, thế giới phải đối mặt với một thách thức mới về suy giảm niềm tin và thật không may, xung đột đã làm trầm trọng thêm vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng nếu chúng ta có thể đánh bại một đại dịch như COVID thì chúng ta cũng có thể chiến thắng thách thức về sự thiếu hụt niềm tin này... Đây là lúc tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động”.

“Đã đến lúc thế giới phải cùng nhau hành động” -0
Các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên G20 ngày 9/9.  

Bên cạnh đó, Thủ tướng nước chủ nhà nhấn mạnh câu “thần chú” mà ông từng nói trước đây: “Mọi người ủng hộ, mọi người cùng phát triển, mọi người tin tưởng, mọi người nỗ lực”. Ông cho rằng, vì thế hệ tương lai, các nước phải cùng nhau tìm ra giải pháp vững chắc cho các vấn đề còn tồn tại như sự chia rẽ Bắc-Nam, khoảng cách Đông-Tây, sự quản lý về lương thực và nhiên liệu, khủng bố, an ninh mạng, y tế, an ninh năng lượng và nguồn nước...

Cũng trong bài phát biểu tại khai mạc, Thủ tướng Narendra Modi thông báo, G20 đã đạt được đồng thuận về việc cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Trong 7 năm qua, AU đã tích cực vận động để có được tư cách thành viên đầy đủ trong G20. Quyết định kết nạp liên minh của hơn 50 quốc gia châu Phi là một sự công nhận đáng kể về khả năng toàn cầu hóa ngày càng tăng của “lục địa đen”.

Là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, Ấn Độ ưu tiên tăng cường tiếng nói của các quốc gia Nam Bán cầu và đưa chủ đề này thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của nhóm. Trước khi kết nạp AU, các nước G20 chiếm 85% sản lượng kinh tế thế giới và 75% thương mại thế giới, đồng thời chiếm 2/3 dân số toàn cầu. Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định G20 có trách nhiệm đối với các chủ thể không phải là thành viên và khi làm như vậy, Ấn Độ đã tự khẳng định mình là tiếng nói của khu vực Nam bán cầu.

Hội nghị Thượng đỉnh thường niên G20 năm nay kéo dài trong hai ngày 9 và 10/9. Sự kiện này thu hút sự tham gia của nguyên thủ các nước thành viên G20 ngoại trừ Nga và Trung Quốc, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, khu vực như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA), Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thảm họa (CDRI), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên minh châu Phi (AU), Cơ quan Phát triển Liên minh châu Phi - Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi (AUDA-NEPAD) và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bên cạnh đó, nước Chủ tịch G20 cũng mời lãnh đạo các nước như Bangladesh, Ai Cập, Mauritius, Hà Lan, Nigeria, Oman, Singapore, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tham dự hội nghị.

Tự khẳng định mình

Với chủ đề “Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai” cho Năm Chủ tịch G20, Ấn Độ muốn khẳng định nỗ lực tăng cường sự kết nối toàn cầu, xây dựng dựa trên giá trị của sự kết nối và tìm ra giải pháp sáng tạo nhằm đối phó với mọi thách thức trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, giá lương thực và năng lượng tăng cao cũng như những tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, chia rẽ sâu sắc về cuộc xung đột ở Ukraine ngăn cản tiến triển trong những vấn đề như an ninh lương thực, áp lực nợ, chuỗi cung ứng thực phẩm, năng lượng và hợp tác toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Để giải những bài toán nan giải trên, Ấn Độ đã rất nỗ lực suốt thời gian qua với việc triệu tập hơn 200 cuộc họp G20 tại hơn 20 thành phố trên cả nước. Thế giới đã đánh giá cao việc Ấn Độ đưa ra những sáng kiến hữu ích nhằm thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm khi giữ trọng trách Chủ tịch G20, như Bộ Nguyên tắc cấp cao vì nền kinh tế xanh dương bền vững và ổn định, tập trung vào mục tiêu bảo vệ các đại dương, được các Bộ trưởng Môi trường và khí hậu G20 nhất trí tại hội nghị ở Chennai hồi tháng 8 vừa qua; thiết lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hydrogen xanh sẽ đánh dấu bước khởi đầu của một hệ sinh thái toàn cầu cho năng lượng hydrogen xanh và sạch.

Trong năm qua, Ấn Độ đã nỗ lực để chứng minh cách vận dụng công nghệ nhằm thu hẹp bất bình đẳng. Theo Thủ tướng Narendra Modi, hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hoặc chưa có mã định danh điện tử vốn có thể được hưởng lợi từ Cơ sở hạ tầng số hóa công (DPI). Những giải pháp mà Ấn Độ xây dựng dựa trên DPI đang được công nhận trên toàn cầu. Từ chủ trương phát triển phụ nữ, Ấn Độ đã chuyển hướng theo đuổi sự phát triển do phụ nữ dẫn dắt. Với vai trò Chủ tịch G20, Ấn Độ cũng nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực số hóa, trong lực lượng lao động và đảm bảo phụ nữ có vai trò lớn hơn trong quá trình lãnh đạo và ra quyết định. Với thế mạnh có mối quan hệ lâu dài với các quốc gia đang phát triển, Ấn Độ gần đây đã nhanh chóng tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia phương Tây. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn sử dụng G20 làm nền tảng để vận động cho các nước Nam bán cầu, đồng thời đóng vai trò cầu nối để truyền đạt nhu cầu của thế giới đang phát triển tới các nhà lãnh đạo phương Tây.

Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh vai trò Chủ tịch G20 của Ấn Độ là một minh chứng cho vị thế ngày càng tăng của nước này trên thế giới. Theo ông, từng chỉ là một thị trường tiêu dùng khổng lồ, Ấn Độ giờ đây được coi là một quốc gia toàn cầu có khả năng giải quyết các thách thức từ đại dịch đến những cuộc khủng hoảng lớn hơn mà nhân loại phải đối mặt. Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, thành công của Ấn Độ cũng nâng cao vị thế của nước này trong vai trò dẫn dắt G20. Ông đồng thời nhấn mạnh mối quan ngại toàn cầu ngày càng tăng khi: “Thế giới ngày nay đang ở trong tình trạng đáng lo ngại hơn nhiều so với trước đây. Trong tình huống như vậy, Chủ tịch G20 không chỉ nên là một quốc gia trung lập mà còn là một quốc gia khiến người khác phải tôn trọng”.

Và những thách thức

Tại Hội nghị Thượng đỉnh năm nay, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không tham dự, mà chỉ cử đại diện đến Ấn Độ. Xét tới mối quan hệ lịch sử của New Delhi với Moscow, mối quan hệ ngày càng gia tăng với phương Tây và mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề biên giới, Thủ tướng Narendra Modi đang ở một vị thế tiến thoái lưỡng nan về mặt ngoại giao. Ấn Độ vẫn dựa vào Nga về trang thiết bị quân sự trong nhiều thập kỷ và gần đây hơn là vào lượng dầu giá rẻ kỷ lục từ Moscow. Nhưng bất chấp mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ và Nga, phương Tây vẫn tích cực thuyết phục Ấn Độ. Chuyên gia John Kirton, Giám đốc và người sáng lập Nhóm nghiên cứu G20, đặt câu hỏi: “Liệu Thủ tướng Modi có thể đưa ra một tuyên bố chung như Tổng thống của Indonesia đã làm vào năm ngoái hay không?

Khi sự chia rẽ về cuộc xung đột ở Ukraine “phủ bóng đen” lên Hội nghị Thượng đỉnh G20, Ấn Độ đã tập trung vào các vấn đề ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, như mất an ninh lương thực và nhiên liệu, lạm phát gia tăng, nợ và cải cách các ngân hàng phát triển đa phương.

Ông Happymon Jacob, người sáng lập Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng có trụ sở tại New Delhi, nêu quan điểm: “Một số nước G20 muốn tập trung vào việc chỉ trích Nga, nhưng đối với một số quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt với xung đột cục bộ và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cuộc xung đột ở Ukraine không phải là ưu tiên lớn”. Vị chuyên gia nói thêm rằng: “Có cảm giác ở Nam bán cầu rằng xung đột ở các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như ở Afghanistan, Myanmar hay châu Phi, không được các nước phát triển hoặc trong các diễn đàn như G20 coi trọng”.

Tuy nhiên, chuyên gia Milan Vaishnav, Giám đốc Chương trình Nam Á tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, lại cho rằng, Ấn Độ đang ở thời điểm thuận lợi về địa chính trị: Nước này nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất so với các nước lớn, có dân số trong độ tuổi lao động dồi dào khi phương Tây đã già hóa, có lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine. Những điều này sẽ làm tăng thêm ảnh hưởng ngoại giao của New Delhi tại G20. Sự chú ý toàn cầu cũng có thể làm tăng uy tín của ông Narendra Modi trước cuộc tổng tuyển cử quan trọng vào năm tới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.