Điểm hẹn của những sáng kiến vượt qua khủng hoảng

Chủ Nhật, 13/11/2022, 09:25

Trong 2 ngày 11-12/11, Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 5 đã được tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp. Với chủ đề “Vượt qua đa khủng hoảng”, diễn đàn năm nay được kỳ vọng có thể đưa ra các giải pháp đối với các vấn đề toàn cầu hiện nay.

Ngoài Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron, diễn đàn năm nay còn thu hút sự tham gia của Hoàng hậu Rania của Jordan, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez và Tổng thống Colombia Gustavo Petro. Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của Thủ tướng Albania Edi Rama, Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embalo, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley...

Điểm hẹn của những sáng kiến vượt qua khủng hoảng -0
Một cuộc tọa đàm bàn tròn trong Diễn đàn Hòa bình Paris 2022.

Được phát sóng rộng rãi trên Youtube, Diễn đàn Hòa bình Paris còn quy tụ 4.000 đại diện của các quốc gia, tổ chức quốc tế, công ty, ngân hàng phát triển, quỹ tài chính và tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội dân sự từ mọi khu vực trên thế giới, mong muốn tìm kiếm và chia sẻ những giải pháp có khả năng biến thành hành động cụ thể.

Thế giới đang sống trong giai đoạn đa khủng hoảng: Dịch bệnh, chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, làn sóng người tị nạn, an ninh lương thực... Những nỗ lực đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường hệ thống y tế, hợp tác kinh tế, cũng như quản lý chung toàn cầu đã bị đại dịch COVID-19 phá hủy. Kể từ sau xung đột Nga - Ukraine, phần lớn thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng: Từ khủng hoảng nhân đạo, đến lạm phát, giá năng lượng gia tăng, mất an ninh lương thực và nền kinh tế toàn cầu bị gián đoạn.

Ông Pascal Lamy, Chủ tịch Diễn đàn Hòa bình Paris, kêu gọi: “Chúng ta phải cùng nhau tìm cách đưa thế giới thoát ra khỏi thời điểm rất khó khăn này”. Trên tinh thần đó, Diễn đàn Hòa bình Paris 2022 tập trung vào 5 chủ đề chính, như hạn chế những hậu quả trực tiếp của các cuộc xung đột đối với người tị nạn, đối với an ninh lương thực và năng lượng, cũng như sự gia tăng nợ nần, tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại bên lề diễn đàn, giảm thiểu tình trạng rạn nứt các mối quan hệ trên thế giới bắt nguồn từ chủ nghĩa bảo hộ vaccine hoặc tranh chấp về trách nhiệm khí hậu, cải cách các thể chế đa phương...

Trong hai ngày diễn ra sự kiện, khoảng 60 giải pháp và sáng kiến đã được trình bày tại diễn đàn. Các diễn giả và chuyên gia mong muốn cùng tập trung trao đổi về các giải pháp nhằm giảm thiểu những cú sốc khủng hoảng bằng cách thúc đẩy một trật tự toàn cầu hướng tới hợp tác và chủ nghĩa đa phương mới. Với những đề xuất, giải pháp và sáng kiến, cùng các cuộc tranh luận xuyên quốc gia, Diễn đàn là minh chứng điển hình về quyết tâm, khả năng phục hồi và tinh thần đoàn kết của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới.

Nhân dịp này, Tổng thống Emmanuel Macron cùng một số nguyên thủ các nước đã cho ra mắt “Phòng thí nghiệm Bảo vệ trẻ em trực tuyến”. Được mô phỏng theo mô hình và phương pháp của Kháng nghị Christchurch, Phòng thí nghiệm bảo vệ trẻ em trực tuyến quy tụ các tổ chức quốc tế hàng đầu để cải thiện sự an toàn của trẻ vị thành niên trong môi trường kỹ thuật số. Cụ thể, vai trò của tổ chức này sẽ là đánh giá, thúc đẩy và phát triển các giải pháp kỹ thuật về các vấn đề chính như xác định độ tuổi của người dùng Internet, chống lại việc chia sẻ trái phép hình ảnh thân mật hoặc bắt nạt trẻ em trên mạng. 

Diễn đàn Hòa bình Paris được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, theo ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm phát huy vai trò của hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu và đảm bảo hòa bình lâu dài. Với 5 lần tổ chức, diễn đàn đã quy tụ hơn 40.000 người tham gia từ 175 quốc gia, hơn 130 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, 48 lãnh đạo của các tổ chức quốc tế và đại diện của 1.400 tổ chức phi chính phủ.

Hơn 1.100 diễn giả đã đến thảo luận về các giải pháp cho những thách thức lớn nhất hiện nay. Hơn 400 dự án từ khắp nơi trên thế giới đã được đề xuất, lựa chọn và triển khai với các giải pháp và hành động cụ thể để vượt qua những thách thức toàn cầu. Diễn đàn hòa bình Paris cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với hợp tác đa phương và cùng nhau nỗ lực giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách toàn cầu.

K.H (tổng hợp)
.
.