Đưa APEC thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

Chủ Nhật, 22/05/2022, 11:22

Trong hai ngày 21 và 22/5, tại Bangkok (Thái Lan) diễn ra Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại (MRT) của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà Jurin Laksanawisit.

Một trong những nội dung quan trọng dự kiến được đưa ra thảo luận tại hội nghị là kế hoạch đưa APEC trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Thúc đẩy FTAAP tiến triển hiệu quả

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Jurin Laksanawisit bày tỏ Thái Lan rất lấy làm vinh dự khi được là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị APEC trực tiếp một lần nữa sau hai năm vừa qua khi APEC phải tổ chức các sự kiện bằng hình thức trực tuyến.

Ông nhấn mạnh, mục đích chính của Hội nghị là để các Bộ trưởng APEC gặp gỡ, trao đổi với nhau nhằm thúc đẩy APEC phát triển có hiệu quả, đặc biệt là thúc đẩy Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) cùng với việc khuyến khích hệ thống thương mại đa phương nhằm phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo ông, trong năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của APEC tăng trưởng 5,9%, dự báo 4,2% trong năm 2022 và 3,8% trong năm 2023.

mrt14_1653109224425-1653189915458.jpg
 Toàn cảnh Hội nghị.

Trong năm vừa qua, APEC đã thông qua Tầm nhìn Putrajaya 2040 và Kế hoạch hành động Aotearoa nhằm giúp tăng cường sự phát triển của nền kinh tế APEC và đối phó với những biến đổi của thế giới trong thời gian tới thông qua việc khuyến khích thương mại đa phương, thương mại kỹ thuật số, khuyến khích và phục hồi nền kinh tế, tạo kết nối giữa tất cả các lĩnh vực từ con người, hàng hóa đến dịch vụ cộng với cả việc giao thông đi lại giữa người dân các nước. Việc khuyến khích cho các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới cũng như phản ứng kịp thời đối với những khủng hoảng trong tương lai là để đáp ứng được tiêu chí phát triển đồng đều, rộng khắp và bền vững của APEC.

Với sự tham dự của các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên, chương trình nghị sự của Hội nghị MRT kéo dài trong hai ngày 21 và 22/5 tập trung vào kế hoạch chuyển đổi APEC thành FTAAP vào năm 2040, trong bối cảnh các thành viên APEC muốn sử dụng thỏa thuận này để giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Trên cương vị là Chủ tịch APEC 2022, nước chủ nhà Thái Lan khẳng định sẽ thúc đẩy FTAAP để kế hoạch đầy tham vọng này tiến triển hiệu quả. FTAAP lần đầu tiên xuất hiện trong tuyên bố chung của các Bộ trưởng Thương mại APEC vào năm 2008. Ý tưởng này lại là một chủ đề vào tháng 11/2021 trong kế hoạch triển khai Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040.

Nếu thành công, FTAAP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Ông Jurin Laksanawisit nói: “FTAAP sẽ bao trùm các khu vực là nơi sinh sống của 2,9 tỷ người, chiếm 38% dân số toàn cầu, với tổng GDP trị giá 52.000 tỉ USD, tương đương 62% GDP của thế giới”. Ông nói thêm rằng, nếu kế hoạch trở thành hiện thực, tổng kim ngạch thương mại của các nền kinh tế thành viên APEC sẽ có bước nhảy vọt. Giá trị thương mại từ 21 nền kinh tế thành viên của APEC là 18.000 tỷ USD, chiếm 70% thương mại toàn cầu.

Khi kế hoạch FTAAP được hiện thực hóa, khối lượng thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC được cho là sẽ tăng trong khoảng 200-400%. Bên cạnh đó, Hội nghị MRT lần này cũng sẽ gắn với mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG) để giúp thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, vốn được coi là nền tảng của sự phát triển kinh tế của Thái Lan cũng như của 21 thành viên APEC.

Không nên chậm trễ

Hồi tuần trước, Nhóm Hỗ trợ chính sách của APEC công bố báo cáo mang tiêu đề “Bài học từ đại dịch COVID-19: Chương trình nghị sự đổi mới cho khu vực thương mại tự do của châu Á-Thái Bình Dương” trong đó nhấn mạnh, các nền kinh tế thành viên không nên chậm trễ trong việc phục hồi tiến trình hội nhập châu Á-Thái Bình Dương, vốn được xem là khu vực năng động nhất trên thế giới. Giám đốc của Nhóm, tiến sĩ Denis Hew, cho biết, đại dịch COVID-19 và hậu quả của nó để lại chỉ làm nổi bật hơn tầm quan trọng của hội nhập kinh tế khu vực.

Trong khi đó, nhà phân tích cấp cao Carlos Kuriyama và cũng là tác giả của báo cáo cho rằng, việc các chính phủ có hành động quyết đoán ở cấp độ trong nước là chưa đủ khi thế giới đối mặt với đại dịch. Ông khẳng định: “Hợp tác quốc tế phải là một phần của giải pháp. Quan trọng nhất, bất kỳ kế hoạch hội nhập khu vực nào, bao gồm các hiệp định thương mại tự do hoặc khu vực, đều có thể giúp vượt qua những thách thức liên quan đến đại dịch”.

Báo cáo đã xác định 6 thách thức chính ảnh hưởng đến thương mại được coi là nghiêm trọng nhất, gồm: Gián đoạn trong việc tiếp cận các mặt hàng thiết yếu, gián đoạn trong thương mại dịch vụ, khó khăn về hậu cần chuỗi cung ứng, chuyển đổi kỹ thuật số và những vướng mắc về quy định ảnh hưởng đến thương mại các mặt hàng thiết yếu. Nhà phân tích Carlos Kuriyama cho biết, mặc dù một số sự gián đoạn này nghiêm trọng hơn nhiều trong giai đoạn đầu của đại dịch nhưng những thách thức vẫn tồn tại.

Ví dụ, một số hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu vẫn được áp dụng, thương mại dịch vụ vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch và các hạn chế về dữ liệu xuyên biên giới đã gia tăng trên toàn cầu.

Báo cáo nhấn mạnh, APEC - với tư cách là một vườn ươm các ý tưởng - có thể tính đến những thách thức này và đưa ra các chủ đề mới liên quan đến thương mại hàng hóa, dịch vụ, tạo thuận lợi thương mại và các vấn đề kỹ thuật số, cùng những chủ đề khác, vào chương trình làm việc của FTAAP. Tác giả của báo cáo giải thích rằng, các nền kinh tế thành viên có thể cùng nhau cam kết không thực hiện các hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu và đảm bảo chúng có sẵn để mua.

Một ví dụ khác là đảm bảo các sân bay, bến cảng, hải quan… vẫn hoạt động trong thời gian xảy ra đại dịch. Các nền kinh tế APEC cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của những người lao động thiết yếu, bao gồm cả đội bay và thuyền viên hàng hải qua biên giới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.