Hàng nghìn người tuần hành tại Mỹ kêu gọi ngăn chặn bạo lực súng đạn

Thứ Hai, 13/06/2022, 08:32

"Bảo vệ người dân chứ không phải súng", "Không có chỗ cho nỗi sợ hãi tại trường học" hay "Liệu tôi có phải là người tiếp theo"… là nội dung những biểu ngữ mà người tuần hành mang theo.

Ngày 11/6, hàng nghìn người Mỹ đã xuống đường kêu gọi hành động nhằm giải quyết vấn đề bạo lực súng đạn đang nhức nhối tại quốc gia này. Tại Thủ đô Washington, những người tuần hành thuộc mọi độ tuổi đã đổ về Quảng trường National Mall, nơi các nhà hoạt động đã đặt hơn 45.000 bình hoa trắng tưởng niệm cho mỗi nạn nhân thiệt mạng do súng đạn tại Mỹ trong năm 2020.

Những người tham gia đã mang theo biểu ngữ với dòng chữ "Bảo vệ người dân chứ không phải súng", "Không có chỗ cho nỗi sợ hãi tại trường học". Không chỉ riêng Thủ đô Washington, hàng trăm cuộc tuần hành khác cũng đã diễn ra trên khắp nước Mỹ trong ngày 11/6, trong đó có thành phố Parkland của bang Florida, nơi các nhà hoạt động giương cao biểu ngữ "Liệu tôi có phải là người tiếp theo". Hàng nghìn người cũng đã xuống đường tại thành phố New York. Tại quận Brooklyn, các hàng rào trắng đã được dựng lên để tưởng nhớ các em bé bị sát hại tại thành phố Uvalde (bang Texas) và ảnh những người thiệt mạng trong vụ xả súng tại thành phố Buffalo (bang New York).

Hàng nghìn người tuần hành tại Mỹ kêu gọi ngăn chặn bạo lực súng đạn -0
Tuần hành kêu gọi ngăn chặn bạo lực súng đạn tại Quảng trường National Mall.

Hai vụ xả súng nghiêm trọng tại trường tiểu học Robb tại thành phố Uvalde và một siêu thị tại thành phố Buffalo vào tháng trước là nguyên nhân dẫn đến các cuộc tuần hành do tổ chức March For Our Lives (Tuần hành vì sự sống của chúng ta) tổ chức. Đây là một tổ chức do sinh viên điều hành với các thành viên sáng lập là những nạn nhân may mắn sống sót sau vụ xả súng tại trường trung học ở thành phố Parkland, Florida, hồi tháng 2/2018.

Một tháng sau đó, cuộc tuần hành tại Thủ đô Washington do March For Our Lives phát động đã thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Thống kê của nhóm nghiên cứu chuyên theo dõi các vụ bạo lực súng đạn ở Mỹ có tên Gun Violence Archive cho thấy, kể từ năm 2013, gần như tất cả các chỉ số về bạo lực súng đạn trong năm 2021 đều lập "kỷ lục". Hơn 2/3 thành phố đông dân nhất tại Mỹ đã phải chứng kiến nhiều vụ giết người hơn trong năm ngoái so với năm 2020. Còn trong 5 tháng đầu năm nay, nước Mỹ đã chứng kiến 251 vụ xả súng hàng loạt, cướp đi sinh mạng của hơn 19.300 người, với hơn một nửa là do tự tử.

Trong khi đó, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện và bùng phát, kéo theo nhiều tác động tới toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, trung bình mỗi ngày tại nước này có 124 người tử vong vì súng đạn. Về phần mình, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết số vụ xả súng có chủ đích tại nước này trong năm 2021 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó.

Đáng chú ý, nước Mỹ đã chứng kiến số vụ xả súng hàng loạt tăng cao kỷ lục với 691 vụ trong năm 2021, trung bình một vụ có ít nhất 4 nạn nhân. Tổng số nạn nhân do bạo lực súng đạn ở Mỹ năm ngoái lên tới 44.750 người. Việc dễ dàng tiếp cận vũ khí và các vấn đề về sức khỏe tâm thần góp phần dẫn đến các vụ tấn công bằng súng, điển hình như vụ xả súng tại trường tiểu học Robb khiến 19 học sinh và 2 giáo viên thiệt mạng vào ngày 24/5 vừa qua. Thủ phạm đã mua 2 khẩu súng trường ngay sau khi đủ 18 tuổi.

Những người ủng hộ kiểm soát súng đạn đã kêu gọi chính quyền ban hành các quy định hạn chế chặt chẽ hơn hay thậm chí là cấm sử dụng súng. Tuy nhiên, nhóm phản đối lại cho rằng các vụ xả súng quy

mô lớn chủ yếu là do vấn đề tâm thần, chứ không liên quan đến vũ khí. Hồi tuần trước, Hạ viện Mỹ hiện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua gói dự luật mang tên "Đạo luật bảo vệ con em của chúng ta" bao gồm điều khoản nâng độ tuổi được phép mua vũ khí bán tự động từ 18 lên 21 tuổi, đồng thời cấm bán cho dân thường bump stock - thiết bị độ súng giúp chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng bắn nhanh như súng tự động.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ không có đủ 60 phiếu cần thiết để đưa vấn đề ra Thượng viện. Trong khi đó, một nhóm các nghị sĩ của hai đảng cũng đang phác thảo đề xuất kiểm soát chặt súng đạn, nhiều khả năng đây sẽ trở thành nỗ lực nghiêm túc đầu tiên về các cải cách quy định kiểm soát súng trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, đề xuất này không bao gồm việc cấm sử dụng vũ khí tấn công hay kiểm tra lý lịch cá nhân khi cấp phép sử dụng như kỳ vọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Có thể nói bạo lực súng đạn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết nhất ở Mỹ. Nước Mỹ vẫn đang chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn. Đây từ lâu luôn là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của cử tri trước mỗi kỳ bầu cử quan trọng, song chưa bao giờ đi đến đích của một thỏa hiệp lưỡng đảng, khi không có những điều luật đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn này. Cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đang đến gần.

Bên cạnh những "bài toán" quan trọng quyết định đến kết quả cuộc bầu cử như sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, xử lý chuỗi cung ứng..., thì "căn bệnh trầm kha" mang tên bạo lực súng đạn cũng trở thành thách thức, chi phối chính trường Mỹ.

Khổng Hà
.
.