Một cuộc gặp lịch sử

Thứ Tư, 16/08/2023, 06:30

Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ lần đầu tiên diễn ra tại Trại David, gần Thủ đô Washington D.C. vào ngày 18/8 tới. Đây sẽ là thời điểm lịch sử chứng kiến sự hợp nhất giữa hai liên minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn trở thành một khuôn khổ hợp tác vững chắc và không thể đảo ngược.

Trong lịch sử, ba nước đã 12 lần tổ chức các cuộc gặp ba bên, bắt đầu từ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào năm 1994. Chỉ tính riêng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, con số đã lên đến 3. Tuy nhiên, các cuộc gặp đó đều diễn ra bên lề các sự kiện ngoại giao đa phương. Đây sẽ là lần đầu tiên cuộc họp ba bên trở thành một sự kiện độc lập.

Một cuộc gặp lịch sử -0
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/5. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, Trại David - nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ Joe Biden - thường đóng vai trò là địa điểm cho các sự kiện ngoại giao quan trọng trong những thời khắc quan trọng của lịch sử. Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh được tổ chức tại địa điểm này được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt như một nền tảng ngoại giao, bởi vì nơi đây tạo ra một môi trường thoải mái để các nguyên thủ quốc gia tham gia vào các cuộc trò chuyện thẳng thắn và sâu sắc về một vấn đề cụ thể.

Một quan chức cấp cao tại Văn phòng Tổng thống Mỹ bày tỏ: “Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Trại David hoàn toàn khác với tổ chức ở Washington, D.C. Cảm giác nó sẽ gần gũi hơn và các nhà lãnh đạo sẽ có thể thảo luận trong khi đi dạo, ăn tối và tham gia các hoạt động khác trong bầu không khí thoải mái. Nhiều vấn đề khác nhau sẽ được thảo luận trong khi các nhà lãnh đạo cảm thấy ít áp lực chính trị hơn”.

Nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia kỳ vọng sự kiện này là cơ hội để thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ bền chặt hơn giữa ba quốc gia, cũng như có thể dẫn đến một bước đột phá trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn ở Đông Á, trong khi các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc kỳ vọng đạt được kết quả đột phá tại cuộc gặp lịch sử này.

Đánh giá cao sự kiện này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định: “Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn được tổ chức tại Trại David sẽ đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác ba bên góp phần vào hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tầm quan trọng của hợp tác an ninh ba bên đang ngày càng gia tăng. Để ngăn chặn cơ bản các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, 3 bên Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cần phải hợp tác chặt chẽ về các thiết bị do thám cũng như tăng cường chia sẻ dữ liệu về tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên theo thời gian thực”.

Trước đó, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới sẽ là chuyến thăm đầu tiên của các nhà lãnh đạo nước ngoài tới Trại David dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Điều này cho thấy “tầm quan trọng mà Tổng thống Joe Biden đang đặt lên sự hợp tác của ba nước”.

Ông nhấn mạnh, thông qua sự kiện này, “Trại David sẽ được ghi vào lịch sử ngoại giao thế kỷ XXI với tư cách là địa điểm mở ra một chương mới trong hợp tác ba bên”. Các bên sẽ tạo ra một cơ chế khung quan trọng trong tương lai về hợp tác an ninh ba bên, tiến tới thể chế hóa khung hợp tác này. Về phía Mỹ, việc người đứng đầu Nhà Trắng lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh độc lập với Seoul và Tokyo tại Trại David đã cho thấy rõ quyết tâm của Washington thời gian qua tích cực tìm cách tạo dựng “động lực ngoại giao”, hướng mục tiêu tận dụng sự kiện này tới để “thể chế hóa, đào sâu và củng cố thói quen hợp tác” giữa ba nước khi cả bà đang đứng trước bối cảnh tình hình khu vực Thái Bình Dương ngày càng phức tạp.

Hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm quan trọng khi chứng kiến mối quan hệ láng giềng phức tạp trong lịch sử giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đang có dấu hiệu “tan băng”. Hai quốc gia châu Á này gần đây có hàng loạt động thái hàn gắn quan hệ giữa lúc tăng cường hợp tác an ninh ba bên với Mỹ để đối phó với các thách thức chung trong khu vực, liên quan tới chương trình tên lửa của Triều Tiên hay một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến tập trung thảo luận về một tầm nhìn chung và các nguyên tắc cơ bản trong hợp tác ba bên, cũng như xây dựng các cơ chế hợp tác toàn diện và đa tầng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và ở mọi cấp độ. Bên cạnh đó, lãnh đạo ba nước cũng sẽ tiến hành trao đổi về các biện pháp để hợp tác thúc đẩy thịnh vượng và phát triển tương lai của khu vực, trong đó có các cách thức hợp tác về các công nghiệp hiện đại, củng cố các mối quan hệ đối tác để ứng phó với các vấn đề an ninh kinh tế như những rủi ro liên quan chuỗi cung ứng và năng lượng.

Hội nghị sẽ đóng vai trò tiếp tục củng cố hợp tác an ninh ba bên vì hòa bình và ổn định trong khu vực khi đối phó với những mối đe dọa chung, trong đó các nhà lãnh đạo sẽ đặc biệt tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu về các biện pháp hợp tác thực tiễn nhằm ứng phó với chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Các sự kiện ngoại giao từng được tổ chức tại Trại David

Trại David được xây dựng như một nơi nghỉ dưỡng của tổng thống vào năm 1942, dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt với tên gọi “Shangri-La”. Sau này, khu nghỉ dưỡng được cựu Tổng thống Dwight Eisenhower đổi tên thành Trại David để vinh danh cháu trai của ông, ông David Eisenhower.

Năm 1943, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã đến thăm khu nghỉ dưỡng này với tư cách là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên và thảo luận về cách kết thúc Thế chiến II. Sự kiện mang tính bước ngoặt này đã tạo tiền lệ cho vai trò của khu nghỉ ngơi trong việc tổ chức các cuộc họp ngoại giao quan trọng. Năm 1959, Tổng thống Dwight Eisenhower đã gặp nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là ông Nikita Khrushchev tại Trại David để tổ chức hai ngày đàm phán về Chiến tranh Lạnh.

Một sự kiện nổi bật khác trong lịch sử được tổ chức tại địa điểm này là Hiệp định Trại David năm 1978, do Tổng thống Jimmy Carter làm trung gian và có sự tham gia của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin. Sau 13 ngày đàm phán, các nhà lãnh đạo Ai Cập và Israel đã nhất trí về các vấn đề bao gồm việc trao trả bán đảo Sinai cho Ai Cập và thiết lập quyền tự trị của người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza. Năm 2000, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tiếp đón Thủ tướng Israel khi đó là ông Ehud Barak và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat nhằm tìm kiếm một hiệp định chấm dứt xung đột, nhưng không đạt được thỏa thuận.

Trong số các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, cựu Tổng thống Lee Myung-bak từng đến Trại David dự Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush vào năm 2008 để thảo luận về các cách tăng cường liên minh song phương và hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.