NATO tăng cường hiện diện ở Baltic và Biển Đen

Thứ Tư, 30/11/2022, 08:54

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết liên minh này sẽ mở rộng hiện diện trên khắp Đông Âu, từ biển Đen đến khu vực Baltic, nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Nga trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã kéo dài hơn 9 tháng.

Phát biểu tại Romania hôm 28/11 (giờ địa phương), ông Jens Stoltenberg nói rằng châu Âu đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong một thế hệ”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy các khu vực có “tầm quan trọng chiến lược” nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

NATO tăng cường hiện diện ở Baltic và Biển Đen -0
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters.

Ông tuyên bố: “Đáp lại hành động của Nga, NATO sẽ tăng cường sự hiện diện từ Bactic đến Biển Đen. Chúng tôi đã thiết lập các nhóm chiến đấu mới, trong đó có một nhóm do Pháp dẫn đầu tại Romania. Các chiến đấu cơ từ Canada sẽ giúp giữ an toàn cho bầu trời Romania trong khi tên lửa Patriot của Mỹ sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ của các bạn. Điều này sẽ gửi thông điệp rõ ràng rằng NATO đang ở đây. Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ và phòng thủ cho tất cả các đồng minh”.

Đề cập đến thời điểm NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, người đừng đầu NATO  cho biết ông tin rằng 30 thành viên của khối cuối cùng sẽ phê duyệt đơn xin gia nhập liên minh của Stockholm và Helsinki, nhưng không thể nói khi nào điều đó xảy ra do Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa phê duyệt. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, 2 quốc gia Bắc Âu sẽ giúp “củng cố sườn phía Đông, đặc biệt là khu vực Baltic” do cả 2 đều có “lực lượng quân đội được huấn luyện bài bản và trang bị tốt”.

Những tuyên bố trên được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng NATO, diễn ra trong 2 ngày 29 - 30/11 tại Bucharest, Romania. Tại hội nghị này, các quốc gia thành viên sẽ bàn cách tăng cường hỗ trợ Ukraine, cung cấp hệ thống phòng không mới cho Kiev, cũng như cung cấp phụ tùng thay thế và đạn dược cho các loại vũ khí đã chuyển tới Ukraine. Ông Jens Stoltenberg ca ngợi “sự hỗ trợ quân sự đáng kể” của Romania cho Kiev, tuyên bố việc hỗ trợ các lực lượng Ukraine là “vì lợi ích an ninh của NATO”.

Kể từ tháng 2, Kiev nhận danh sách dài vũ khí hạng nặng từ đồng minh phương Tây, trong đó chỉ riêng Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự trực tiếp trị giá hơn 19 tỷ USD, bao gồm hàng chục Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động tầm xa (HIMARS), hơn 46.000 tên lửa chống tăng, gần 200 khẩu pháo. Washington và đối tác tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Gần đây dấy lên nhiều thông tin về việc thành viên NATO cạn kiệt nghiêm trọng kho vũ khí và đạn dược sau khi liên tục bơm vũ khí cho Kiev.

Trước đó, hôm 27/11, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết sự hỗ trợ tài chính và quân sự của các nước phương Tây dành cho Ukraine đã khiến xã hội các nước thành viên phải trả giá đắt, nhưng sự hỗ trợ này là cần thiết. “Các khoản thanh toán về lương thực và năng lượng tăng cao đồng nghĩa với thời điểm khó khăn đối với nhiều gia đình ở châu Âu”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Jens Stoltenberg cũng khẳng định các nước châu Âu nên tiếp tục cung cấp quân nhu cho Kiev bất chấp cái giá phải trả, bởi cách tốt nhất để duy trì hòa bình là hỗ trợ Ukraine. Tổng thư ký NATO đặc biệt đề cập đến viện trợ của Đức, quốc gia cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không và pháo.

Nhận định về việc này, ngày 29/11, tờ Global Times của Trung Quốc đăng tải bài xã luận nhận định: “Có thể xảy ra kịch bản viện trợ của NATO cho Ukraine sẽ giảm mạnh, trong đó nguồn cung chỉ ở mức tượng trưng”. Châu Âu đang chịu ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine do tiền điện và lạm phát tăng cao, trong khi sự ủng hộ của người dân với Kiev đang có dấu hiệu suy giảm.

Bài báo dẫn lời ông Lã Tường, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định: “Có khả năng các quan chức NATO, đặc biệt là Tổng Thư ký Jens Stoltenberg, sẽ sớm phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Hiện ông đang nỗ lực kêu gọi châu Âu tiếp tục đảm bảo nguồn cung cho Ukraine. Tuy nhiên, về khía cạnh kinh tế, các khoản viện trợ lớn và liên tục (cho Ukraine) sẽ dần trở thành gánh nặng và tất nhiên, không thể bền vững trong tương lai”. Tờ Global Times cũng lưu ý về mâu thuẫn ngày càng rõ nét giữa Mỹ và châu Âu: “Châu Âu thất vọng khi Mỹ bán năng lượng cho họ với giá ngày một tăng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Thêm vào đó, đạo luật giảm phát của Washington đã gây tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích của các nước này”. Theo bài báo, một số chính trị gia châu Âu cho rằng Mỹ đang “lợi dụng” xung đột tại Ukraine để làm suy yếu Nga và khiến châu Âu phụ thuộc hơn vào mình.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, các nước phương Tây đã viện trợ nhân đạo, quân sự và tài chính cho Kiev. Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không được tham gia vào cuộc xung đột. Moscow lên án hành động của các đồng minh phương Tây là “đổ thêm dầu vào lửa”.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và NATO khẳng định rằng họ không phải là một bên tham gia chiến sự mặc dù các bên này chấp thuận huấn luyện binh lính Ukraine, cử các chuyên gia hướng dẫn và thiết bị quân sự, đồng thời cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine. Thư ký báo chí của Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý việc cung cấp cho Ukraine vũ khí từ phương Tây không những không góp phần vào sự thành công của các cuộc đàm phán Nga-Ukraine mà còn có tác động tiêu cực. Trước đó, Nga đã gửi công hàm tới tất cả các nước về vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh bất kỳ lô hàng nào chứa vũ khí chuyển cho Ukraine đều sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga.

K.Hà (tổng hợp)
.
.