Thay đổi lớn trong chính sách của Pháp với châu Phi

Thứ Ba, 26/09/2023, 08:24

Hàng nghìn người ở thủ đô Niamey của Niger đã đổ xuống đường ăn mừng sau thông báo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/9 về việc triệu hồi đại sứ và chấm dứt hiện diện quân sự tại Niger sau sự kiện đảo chính tại quốc gia châu Phi này.

Sáng 25/9, hàng nghìn người Niger ở thủ đô Niamey đã đổ xuống đường tuần hành ăn mừng, sau khi Tổng thống Pháp Emanuel Macron tuyên bố rút đại sứ và toàn bộ lực lượng Pháp ở Niger về nước. Những người biểu tình tập trung ở phía trước Đại sứ quán Pháp và lối đi chính dẫn vào căn cứ Pháp gần sân bay Niamey, mang theo cờ, biểu ngữ, nhảy múa và hô vang các khẩu hiệu mừng chiến thắng. Nhiều binh sĩ và cảnh sát cũng tham gia hoạt động ăn mừng.

Thay đổi lớn trong chính sách của Pháp với châu Phi -0
Pháp dự định rút hết quân khỏi Niger vào cuối năm nay. Ảnh minh họa Getty Images

Trong một thông báo trên truyền hình, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Pháp đã quyết định rút đại sứ. Trong vài giờ tới, đại sứ và một số nhà ngoại giao sẽ sớm rời khỏi Niger để quay về Pháp”. Dù vậy, ông Macron không nêu chi tiết về kế hoạch này.

Ngoài ra, Tổng thống Macron cũng cho biết hợp tác quân sự của Pháp với Niger đã “chấm dứt”. Pháp sẽ bắt đầu rút quân về nước trong những tháng tới và hoàn tất rút toàn bộ quân vào cuối năm nay. Lãnh đạo Pháp nói thêm sẽ tham khảo ý kiến của chính quyền quân sự Niger để quá trình rút quân diễn ra trong hòa bình. Dù vậy, ông Macron tái khẳng định quan điểm Tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum là người có thẩm quyền hợp pháp duy nhất, thêm rằng ông này vẫn “bị bắt làm con tin”.

Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh không muốn các quan chức ngoại giao của Pháp trở thành con tin của chính quyền quân sự, đồng thời khẳng định sẽ không có ý định can thiệp vào đời sống chính trị tại Niger. Theo ông Macron, Pháp đã chấm dứt chính sách “Francafrique” vốn mang đậm cách ứng xử thực dân đối với châu Phi và sự hiện diện của Pháp tại Niger và châu Phi hiện nay được thực hiện theo đề nghị của các nước trong khu vực để tiến hành cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, AP đưa tin. Động thái của Tổng thống Pháp được đưa ra trong bối cảnh chính quyền quân sự Niger và những người ủng hộ liên tục duy trì phong tỏa chặt chẽ trụ sở Đại sứ quán và căn cứ quân sự Pháp ở Niamey.

Tuần trước, một số nguồn tin Pháp dẫn thông tin từ binh sĩ nước này đồn trú tại Niamey cho biết lượng lương thực còn lại trong các căn cứ Pháp ở Niger sắp cạn kiệt hoàn toàn. Quan hệ giữa Niger và Pháp rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Niger Mohammed Bazoum do quân đội nước này tiến hành đêm 26/7/2023. Chính quyền quân sự Niger nhiều lần chỉ trích Pháp, cáo buộc nước này muốn can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum, đồng thời cho rằng Paris chi phối Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS). ECOWAS đã tuyên bố kích hoạt lực lượng thường trực để sẵn sàng can thiệp vào Niger.

Trước đó, chính quyền quân sự Niger đã ra lệnh trục xuất Đại sứ Pháp tại Niamey, đồng thời tuyên bố hủy bỏ toàn bộ các thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự đã kí với Pháp, đồng nghĩa với việc Pháp phải rút toàn bộ lực lượng, khoảng 1.500 binh sĩ, ra khỏi Niger. Ali Sekou Ramadan, trợ lý của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum tại Niger, cho biết ông Bazoum đã yêu cầu Tổng thống Macron triệu hồi Đại sứ Pháp Sylvain Itte về nước “để giảm bớt căng thẳng”.

Andrew Lebovich, một nhà nghiên cứu tại Viện Clingendael, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hà Lan, cho biết quyết định này đánh dấu sự chấp nhận “thực tế khắc nghiệt đối với Pháp trong khu vực và có thể đặt ra một số giới hạn đối với việc triển khai của Mỹ ở Niger, mặc dù Mỹ và Pháp không hoàn toàn chung quan điểm về Niger”. Trong khi đó, Rida Lyammouri, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách New South, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Morocco, cho biết Niger sẽ chịu thiệt khi mất đi sự hỗ trợ của Pháp trong cuộc chiến chống lại các nhóm cực đoan bạo lực. “Pháp là một đối tác đáng tin cậy cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động của Niger và nước này đơn giản là không có giải pháp thay thế nào để lấp đầy khoảng trống của Pháp, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn”, bà Rida Lyammouri nói.

Kể từ cuộc đảo chính tại Niger hồi tháng 7/2023, nhiều nhà quan sát chính trị đã kêu gọi Pháp giảm sự hiện diện quân sự ở châu Phi. Các cuộc đảo chính trước đây ở Mali vào năm 2020 và 2021, và sau đó là ở Burkina Faso vào năm 2022 đã khiến Pháp phải phần nào thay đổi chính sách đối với châu lục. Kết quả là Pháp đã quyết định chính thức kết thúc Chiến dịch Barkhane vào ngày 9/11/2022 cũng như rút quân khỏi Mali vào tháng 8/2022, Cộng hòa Trung Phi vào tháng 12/2022 và Burkina Faso vào tháng 2/2023. Từ đầu năm nay, Pháp đã bắt đầu thu hẹp quy mô các căn cứ thường trực của mình ở Gabon, Sénégal và Côte d'Ivoire.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc Pháp thu hẹp quy mô quá mức ở châu Phi có nguy cơ tạo ra một loại “nam châm địa chính trị” đối với các đối thủ Nga và Trung Quốc. Quân đội Pháp cũng nhấn mạnh những lợi thế của sự hiện diện thường trực, giúp họ hiểu biết hơn về khu vực, liên kết với quân đội châu Phi và khả năng triển khai nhanh chóng trong trường hợp khủng hoảng. Tuy nhiên, những diễn biến trong thời gian gần đây đã làm nổi bật những hạn chế của phương pháp này. Từ quan điểm địa chính trị, hàng nghìn binh sĩ Pháp có mặt ở châu Phi đã “kết tinh” sự bất bình của dư luận địa phương. Hơn nữa, tại những nước như Niger, Mali hay Burkina Faso, nhiều người nghi vấn về lợi ích thực sự của việc Pháp hiện diện quân sự, theo tờ Le Monde.

Duy Tiến
.
.