Tìm tiếng nói chung cho các hành động liên quan tới biến đổi khí hậu

Thứ Bảy, 09/12/2023, 07:08

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) đã đi được nửa chặng đường. Tuy nhiên, đến nay các quốc gia tham dự hội nghị vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề có tính mấu chốt như tương lai của nhiên liệu hóa thạch và việc tài trợ cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước bối cảnh thời gian cho hội nghị không còn nhiều nhưng bất đồng vẫn còn quá lớn, Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber ngày 8/12 lên tiếng kêu gọi đại diện của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ rời khỏi “vùng an toàn” và tìm điểm chung, bao gồm cả vấn đề nhiên liệu hóa thạch, để đạt được thỏa thuận cuối cùng rất tham vọng trước khi hội nghị kết thúc vào cuối tuần này. Ông thừa nhận, đây là giai đoạn đàm phán khó khăn nhất.

Chủ tịch COP28 cho biết, ông sẽ tham gia tích cực vào giai đoạn cuối của cuộc đàm phán và dự kiến trình bày kế hoạch tham vọng của UAE nhằm đảm bảo thành công của COP28. Ông cũng nhấn mạnh các đại biểu cần đẩy nhanh và tất cả các bộ trưởng cũng như trưởng phái đoàn đều tham gia đàm phán. Theo ông, các hội nghị COP trước đây thường kết thúc muộn, song ông đang tính đến khả năng hội nghị COP28 kết thúc đúng kế hoạch vào ngày 12/12, muộn nhất là vào 11h00 (giờ địa phương).

Tìm tiếng nói chung cho các hành động liên quan tới biến đổi khí hậu -0
Các quốc gia tham dự COP28 vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề có tính mấu chốt.

Trước đó, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell kêu gọi các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia COP28 thực hiện các hành động tham vọng và quyết liệt hơn nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng khí hậu. Nêu bật sự cần thiết phải thực hiện cam kết tài trợ cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, ông nhấn mạnh: “Chỉ khi đạt được tiến bộ thực sự về vấn đề tài chính mới có thể mang lại kết quả đáng kể và động lực cho các hành động về khí hậu. Các cuộc đàm phán tại COP28 phải đặt vấn đề này lên hàng đầu”.

Theo quan chức cấp cao của LHQ về khí hậu, trước khi COP28 kết thúc vào cuối tuần tới, các quốc gia tham dự hội nghị cần đạt được một thỏa thuận nhằm đẩy nhanh các hành động khí hậu. Ông nêu rõ: “Thắng lợi về mất mát và thiệt hại ở Dubai đã giúp các hội nghị COP có một bước khởi đầu. Giờ đã đến lúc tất cả các chính phủ phải đưa ra mệnh lệnh rõ ràng cho các nhà đàm phán của mình. Chúng ta cần tham vọng cao nhất, chứ không phải điểm số hay mẫu số chung thấp nhất. Những ý định tốt sẽ không thể giảm một nửa lượng khí thải trong thập kỷ này hoặc cứu được mạng sống ngay bây giờ. Chỉ có tiến bộ nghiêm túc về tài chính mới có thể mang lại kết quả tiên quyết”.

Ngoài vấn đề tài chính cho khí hậu, đề xuất “giảm dần hoặc thậm chí là loại bỏ” việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung đang được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề mà các đại biểu của khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nỗ lực tìm tiếng nói chung tại COP28. Về mặt lý thuyết, một thỏa thuận sẽ được hoàn tất vào ngày 12/12 - ngày họp cuối cùng của hội nghị. Tuy nhiên, do còn nhiều bất đồng, đây thực sự là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi mà các đại biểu của khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đang nỗ lực tìm tiếng nói chung tại COP28.

Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Wopke Hoekstra cho biết vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước khi các nhà đàm phán tìm cách đạt được thỏa thuận nhằm duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Theo ông, tất cả 27 quốc gia thành viên EU đều muốn đây là một phần của kết quả đàm phán, đồng thời lưu ý các nhà khoa học đã cảnh báo thế giới phải đẩy nhanh việc giảm phát thải trong thập niên này. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn hội nghị COP lần này đánh dấu sự khởi đầu cho sự kết thúc của nhiên liệu hóa thạch. Đây là một phần quan trọng đối với EU nói riêng và các bên tham gia đàm phán nói chung. Về phía chúng tôi, tất cả 27 quốc gia thành viên châu Âu đều muốn đây là một phần của kết quả đàm phán”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.