Cơ cực phận "ôsin" cho người chết

Chủ Nhật, 10/09/2017, 16:57
Không gian u tịch nơi nghĩa địa luôn làm cho cảnh vật và con người thêm lạnh lẽo, hiu quạnh. Thế nhưng, chẳng ai ngờ rằng, chính nơi âm khí nhuốm đặc ấy lại là nơi khởi nguồn của những nghề tưởng chừng sẽ không bao giờ có. Nghề dọn dẹp, lau chùi bia mộ, nghề tìm mộ, và cả nghề đốt vàng mã thuê.

Hàng chục năm nay những người phụ nữ ấy vẫn lặng lẽ làm đầy thành kính như thể đó là phần mộ của người thân. Mỗi người một số phận nhưng đều chung một nỗi cơ cực, nỗi cơ cực của những phận làm "ôsin" cho người đã chết.

Làm ôsin cho người đã khuất

Chúng tôi đến Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên đúng những ngày lễ Vu Lan, giữa lưng chừng đồi bao la, những ngôi mộ nằm tĩnh lặng dưới những làn khói hương nghi ngút. Thấp thoáng là những người phụ nữ nhỏ bé bên những lùm cây, trong những khuôn viên "biệt thự mộ".

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên, họ không phải là thân nhân của người đã khuất nhưng rất cần mẫn, lau chùi, nhặt cỏ cho những phần mộ. Họ là những công nhân chuyên "dọn nhà" cho người đã khuất. Những người quanh đây vẫn gọi họ với cái tên "ôsin cho người chết".

Dù có hàng nghìn ngôi mộ nhưng những "ôsin" này có thể nhớ tường tận tên tuổi, ngày mất của từng ngôi.

Ông Nguyễn Phúc Hào, Trưởng ban Quản lý Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình) cười nói: "Đó là nghề của họ, bao nhiêu năm nay, họ chăm sóc những ngôi mộ ở đây như chính của người thân mình. Có vài chục chị em làm nghề này, rất chịu khó, cần cù và trách nhiệm. Mọi người vẫn gọi họ với cái tên "ôsin cho người chết".

Tại những nghĩa trang lớn chủ yếu là các gia đình có điều kiện, chính vì thế mỗi khuôn viên hay phần mộ của người thân đều được quy hoạch rất đẹp, được trồng cây cảnh, hoa, cỏ Nhật.

Chính vì thế nếu không thường xuyên được bàn tay con người chăm sóc, chỉ một thời gian rất ngắn cỏ sẽ mọc um tùm, hoặc cây cối chết héo vì khô cằn. Với lượng mộ rất nhiều, đồng nghĩa với việc các "ôsin" ở đây cũng phải làm việc hết sức vất vả. Chị Minh Hiền (40 tuổi, Kỳ Sơn - Hòa Bình) lau chùi từng ngóc ngách phần mộ, rồi thay nước bình hoa, thắp hương cẩn thận cho người đã khuất.

Chị kể: "Đây là phần mộ của một người tại Hà Nội, lễ Vu Lan năm nay con cái đều bận, họ không trực tiếp lên thăm mộ của mẹ được. Mới sáng qua, họ điện thoại nhờ tôi lau dọn thật sạch sẽ phần mộ, thắp hương rồi làm mâm cơm nhẹ nhẹ cúng".

Mối lương duyên của chị Hiền đến với nghề này cũng chỉ là "bất đắc dĩ". Cũng vì hoàn cảnh gia đình, một mình nuôi con hơn 10 tuổi, bản thân lại không có học hành, nghề nghiệp ổn định. Để có tiền trang trải, nuôi con, chị quyết định theo nghề này.

"Thực sự ban đầu cũng sợ lắm, chẳng ai muốn ngày nào cũng loanh quanh ở nghĩa địa thế này. Nếu không làm nghề này tôi cũng chẳng biết làm gì để kiếm sống cả. Vợ chồng thì đã chia tay nhau rồi, con thì ngày một lớn, cần tiền ăn tiền học. Làm dần có khi lại quen, đôi khi vào đây làm lại thấy tâm tĩnh, lòng thanh thản hơn rất nhiều" - chị Hiền bộc bạch.

Đến bây giờ, chị Hiền có thể ngồi một chỗ đọc tên người đã khuất, quê quán, năm sinh ngày mất của từng mộ phần. Không chỉ lau mộ, đối với những người thân nhân ở xa không có dịp lên thăm mộ thường xuyên, chị còn được họ tin tưởng nhờ mua hoa quả, thắp hương những ngày giỗ chạp, mồng một hay ngày rằm hằng tháng…

"Ở đây có những phần mộ người thân ở tận nước ngoài. Ngày giỗ họ thường xuyên gọi điện về cho tôi nhờ trang hoàng lại mộ. Rồi làm mâm cơm cúng tại mộ, tôi còn nhớ cả từng ngôi mộ, người đã mất thích ăn gì, sẽ phải cúng gì vào ngày giỗ. Nói chung là mình làm tử tế, có tâm người nhà ở xa họ cũng yên tâm. Họ cũng không để cho mình thiệt, sẽ gửi tiền mua lễ, trả công đầy đủ".

Dù không phải mộ của người thân nhưng những phụ nữ ở đây đều làm việc hết sức thành kính, cẩn trọng.

Quả thực, công việc "ôsin" cho người đã chết không dành cho người yếu bóng vía. Chị Bùi Thị Hòa (thị trấn Cao Phong, Hòa Bình), người đã có thâm niên 4 năm làm nghề nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác ớn lạnh.

Chị Hòa nói: "Ngày đầu tiên làm cũng sợ lắm, một mình đứng giữa hàng nghìn ngôi mộ trên lưng chừng đồi gió lộng. Đặc biệt là vào những buổi trưa vắng vẻ, hoặc chiều tối, lúc đó chỉ muốn chạy thật nhanh xuống để gặp ai đó trò chuyện. Đặc biệt là chuẩn bị đến ngày lễ, tết chị em phải tăng ca, có hôm phải tới khuya công việc mới kết thúc. Cảm giác đang làm có người nhìn, hoặc đi có người đi theo. Thậm chí đêm về còn nằm mơ, có tiếng thì thầm bên tai: "Lau chùi nhà của cô sạch sẽ vào nhé"; hay "Chúng nó cả năm chẳng về thăm chú gì cả, may mà có cháu quanh quẩn cho đỡ buồn…".

Thế rồi thời gian gắn bó càng dài, những chị "ôsin" càng thấy yêu nghề hơn, không còn cảm giác sợ hãi, cho dù đó là những ngôi mộ mới chuyển đến. "Ở đây chúng tôi luôn coi đó là những ngôi nhà của người đã khuất.

Chị em bảo nhau, tưới cây, dọn vệ sinh hay cắm hoa đều phải có cách đi đứng thế nào cho phải phép, đúng quy cách. Nhất là khi lau chùi bát hương, không được làm cho bát hương xê dịch, nhỡ may ảnh hưởng đến người thân của họ" - chị Hòa nói.

Tâm sự với họ, chúng tôi hiểu họ đã coi đây là công việc mà mình sẽ gắn bó lâu dài. Với những người phụ nữ này động lực lớn nhất chính là được thân nhân của người đã khuất gọi điện cảm ơn. Đặc biệt khi lên thăm mộ người thân, thấy khang trang sạch sẽ, họ lại nhận được những cái bắt tay, cái ôm đầy biết ơn.

Không phải ai cũng hiểu và thông cảm

Làm nghề "sống chung với người chết" là nghề đặc biệt, không phải ai cũng chịu hiểu và thông cảm, đôi khi còn bị kỳ thị và xa lánh. Hơn ai hết, khi tiếp xúc với xã hội, các chị luôn cảm nhận được một khoảng cách vô hình.

Chị Hiền bùi ngùi nói: "Những ngày đầu năm chị không dám đi chơi ở đâu, ba ngày Tết chỉ loanh quanh ở nhà. Bởi nhiều người quan niệm làm việc ở nghĩa trang mang lại điều không tốt cho gia đình, ảnh hưởng đến công việc, làm ăn của họ trong cả năm. Nhiều lúc cũng tủi thân lắm, mỗi lần về quê chẳng dám nói mình làm nghề này đâu. Nhất là con gái đi học, bạn bè hỏi mẹ làm gì, cháu kể là mẹ làm việc ở nghĩa trang, thế là bạn bè xa lánh".

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Lan, người làm nghề "ôsin" tại nghĩa trang Bất Bạt (Ba Vì, Hà Nội) cũng khiến không ít người phải chạnh lòng. Chị Lan làm nghề lau dọn, vệ sinh các khu mộ tại đây ngót nghét 20 năm.

Trước đây chị cũng là cô gái quê hiền lành, chị cũng ước mơ có được tấm chồng như bao người. Và khi mới mười chín đôi mươi, chị yêu và quyết định lấy một người đàn ông trong xã.

Khi hai gia đình đến nói chuyện, định ngày hôn lễ thì gia đình người đàn ông đột ngột từ chối mà không nói lý do. Mãi sau này chị Lan mới biết lý do là vì chị làm trong nghĩa trang.

"Thực sự tôi cũng không tiếc, đơn giản vì nếu người ta yêu thương mình thực sự thì mình có làm bất cứ nghề gì miễn không phạm pháp họ đều chấp nhận. Từ ngày đó tôi cũng chẳng còn tha thiết gì đến chuyện lập gia đình. Hằng ngày qua nghĩa trang làm việc, coi đó là niềm vui của mình" - chị Lan rưng rưng.

Chị Lan ngồi tựa lưng vào ngôi mộ mới lau chùi sạch sẽ kể lại câu chuyện của một đồng nghiệp vừa mới bỏ nghề.

Cách đây hai năm, gia đình chị Hoa (đồng nghiệp của chị Lan) cũng chịu cảnh tương tự, khiến chị phải bỏ nghề vì tương lai của con. Vào dịp cuối năm, con gái chị Hoa dẫn bạn trai về nhà giới thiệu, một anh chàng đẹp trai, nghề nghiệp đàng hoàng. Sau khi chào hỏi, chàng trai xin phép được dẫn con gái chị đi chơi.

Khi ấy, chị đang rất bận với công việc lau dọn ở ngoài nghĩa trang. Bởi dịp giáp Tết, là lúc người thân tập trung đến viếng người đã khuất, nên phải làm việc cật lực, ngày không xong, tối phải thắp đèn lên để lau, đảm bảo sáng hôm sau các phần mộ được sạch sẽ.

Ðây là nghề không dành cho những người yếu bóng vía.

Khoảng 11h đêm chị mới trở về nhà, lúc đó con gái và bạn trai cũng về. Cô con gái vui vẻ giới thiệu mẹ, công việc của mẹ với bạn trai. Anh chàng tỏ ra không bằng lòng vì công việc của mẹ vợ tương lai mình đang làm. Thế là từ đó, chị không còn thấy bạn trai của con gái mình ghé qua nhà chơi nữa.

Gặng hỏi thì chị được biết, hai đứa đã chia tay nhau vì lý do chàng trai đưa ra là: Con gái chị nói dối, trước khi quen, nói là mẹ làm nội trợ, sau này lại nói là làm nghề lau mộ nghĩa trang. Chị Lan lặng người nói: "Thế đấy, có phải ai cũng hiểu và thông cảm cho công việc của chúng tôi đâu. Bản thân tôi cũng là nạn nhân của chuyện này. Bà Hoa mới đây cũng bỏ nghề này vì lo cho tương lai của con gái".

Trời đã về chiều, lác đác những người thăm mộ người thân đã lên xe trở về nhà, nhưng bóng người những phụ nữ vẫn len lỏi quanh nghĩa trang, vẫn cần mẫn quét dọn, lau chùi bên những ngôi mộ người dưng với cả tấm lòng thành kính.

Phong Anh
.
.