Hành trình Thiện Nhân và giấc mơ không hoang đường

Thứ Tư, 28/06/2017, 19:35
11 năm, chỉ là quãng ngắn của một cuộc đời, nhưng với Thiện Nhân và chị Mai Anh, đó là một hành trình dài của số phận.

Hành trình đó được kết nối bằng yêu thương, bằng thiện lương và sự tử  tế. Trong lời tựa cho cuốn sách mà chị Mai Anh vừa xuất bản, “Hành trình yêu thương”, chị viết: “Xin đừng đưa trước cho chúng tôi một kết cục cổ tích, bởi chúng tôi đi, đang đi và tôi hiểu là tôi sẽ chẳng biết được điều gì đang đón đợi câu chuyện này phía trước”.

1. Bởi vì chắc không ai nghĩ rằng, cậu bé Thiện Nhân bị bỏ lại trên hai cái lá đu đủ, bị che kín bằng một cái mẹt rách, ở một nơi chẳng mấy ai qua lại, kiến, côn trùng bu kín vết thương bị cắn xe nham nhở giờ đã là một cậu học sinh cấp 2, khỏe khoắn, thông minh và hài hước. Những khiếm khuyết của bộ phận sinh dục đã được chữa lành.

11 năm, một hành trình dài của yêu thương và sẻ chia để giờ đây, chú lính chì dũng cảm của chúng ta đã tự tin bước vào cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, hành trình Thiện Nhân 11 năm ấy chưa bao giờ dễ dàng.

Chỉ có thể là tình mẫu tử khi chị Mai Anh đi qua bao gian khó, nhọc nhằn, có những lúc tưởng như tuyệt vọng. Chỉ có thể là tình mẫu tử, mới giúp Mai Anh vượt qua cả những định kiến, những ngăn cản của đời thường để đi trọn hành trình với Thiện Nhân. Và chị vẫn đang nỗ lực hướng cho Thiện Nhân khi trưởng thành không chỉ sống để trả ơn cho cuộc đời, mà còn biết chăm lo cho những người khác.

Hành trình ấy, những nhọc nhằn vất vả ấy đã được chị Mai Anh ghi lại thành những dòng nhật ký trên facebook và được xuất bản thành cuốn sách “Hành trình yêu thương”. “Mẹ sinh con từ trái tim- một câu nói giản dị nhưng chứa đựng tất cả bởi chỉ có trái tim yêu thương, đủ rộng lớn, đủ bao dung để vượt qua những rào cản, những khó khăn trong 11 năm ấy.

Một người mẹ như nhiều người mẹ khác, Mai Anh có thói quen ghi lại nhật ký cho con. Chỉ có điều, con trai chị có một số phận thật đặc biệt. Tôi đã chứng kiến hành trình dài của mẹ con chị, đã khóc khi xem “Lửa Thiện Nhân” của đạo diễn Đặng Hồng Giang, nhưng khi đọc cuốn nhật ký này, tôi mới cảm nhận hết tình yêu và hành trình khó khăn mà hai mẹ con chị phải vượt qua.

Những ca mổ kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ, những hồi hộp, âu lo sau mỗi ca phẩu thuật, rồi cả những đau đớn về tinh thần và thể xác trong hành trình đi tìm lại “con chim xinh xinh” cho Thiện Nhân. Mẹ “còi”, Mai Anh tự gọi mình như vậy, đã yêu Thiện Nhân bằng tình yêu của một người mẹ. Rất nhiều đoạn xúc động được chị kể lại, khi Thiện Nhân tỉnh dậy sau một ca phẫu thuật kéo dài và câu nói đầu tiên còn khó nhọc: “Sau này lớn lên con sẽ nuôi mẹ nhé” rồi lịm đi.

Mai Anh và con trai út, Thiện Nhân.

Liên tục những chuyến đi, những ca phẫu thuật, nhưng có lẽ, hơn cả trong hành trình 11 năm ấy là tình yêu của người mẹ đã giúp Mai Anh và Thiện Nhân vượt qua cả những tuyệt vọng. Nhưng cuốn nhật ký “Hành trình yêu thương” không chỉ có nước mắt. Mai Anh luôn nhìn cuộc sống một cách hài hước và lạc quan.

Niềm tin đó, thái độ sống tích cực đó lan tỏa sang các con của chị. Vì thế, ở “Hành trình yêu thương” nước mắt không khiến ta bi lụy mà nước mắt khiến chúng ta tin rằng, cuộc đời này còn sự tử tế, thiện lương. Dù những thiện lương ấy được nhen lên từ đau đớn, từ những bất hạnh của số phận.

Sự ra đời của Thiện Nhân có thể nói như một “đốm lửa” đau đớn, khốc liệt. Nếu như đốm lửa đó không được ấp ủ, nhen nhóm bằng tình thương yêu từ các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nơi giành giật lấy sự sống, rồi đặt tên Thiện Nhân cho em, cho đến khi thằng bé được Mai Anh đón về, rồi đến sự chung tay của Greig, Na Hương, bác sĩ Roberto, cùng hàng vạn tấm lòng hảo tâm đã quyên góp giúp cho thằng bé thì liệu “đốm lửa” đó hôm nay và ngày mai sẽ ra sao?

Câu chuyện đau đớn của Thiện Nhân sẽ khép lại là câu chuyện có hậu của một cá nhân nếu nó không có sự chia sẻ của cộng động. Nhưng có một đốm lửa mang tên Thiện Nhân đang lan tỏa hơi ấm của mình khi hàng trăm những đứa bé bị khuyết tật được cứu sống, được trả lại niềm vui và tiếng cười. Đốm lửa ấy đang được mọi người nâng niu, gìn giữ bằng tình yêu thương, sự tử tế và bằng những sẻ chia từng ngày từng giờ.

Để giờ đây, khi nhìn lại 11 năm đã qua, chị Mai Anh phải thốt lên rằng, "Bạn hỏi tôi kể về những câu chuyện trong hành trình mong mỏi được làm một người bình thường của cậu bé Thiện Nhân này? Đó là một câu hỏi khiến tôi lúng túng, lúng túng giống như một đứa trẻ với quá nhiều kẹo trên tay đến nỗi loay hoay chỉ sợ rơi mất. Hành trình chữa bệnh này, quả thật là một câu chuyện dài, nhiều nỗi đau và càng nhiều hơn nữa là biết bao tình yêu thương".

Ban điều hành chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn”.

2. Trong buổi gặp mặt những người bạn thân đã đồng hành cùng Hành trình Thiện Nhân hơn 11 năm qua, Mai  Anh, Greig, Na Hương họ không nói về những việc mình đã làm.

Hành trình của họ là hành trình của sự tiếp nối, đã và đang viết tiếp những câu chuyện tử tế. Từ Hành trình “Thiện Nhân và những người bạn”, hàng trăm đứa trẻ đã bớt đi những đau đớn để có thêm nụ cười. Và chúng ta thấy rõ một điều, không có ranh giới nào ngăn cản chúng ta làm người tử tế.

Nhìn lại chặng đường 11 năm ấy, chứng kiến những đứa trẻ đã được trả lại nụ cười từ những ca phẫu thuật, mới hiểu một điều mà đạo diễn Đặng Hồng Giang khi làm phim “Lửa Thiện Nhân” rất tâm đắc rằng, Thiện Nhân sinh ra như một “Thiên định”, để làm một sứ mệnh không chỉ cho riêng bản thân em nữa.

Từ ngọn lửa Thiện Nhân, ta mới biết rằng, ở khắp đất nước hình chữ S này, có hàng nghìn, hàng nghìn những đứa trẻ khiếm khuyết bộ phận sinh dục đang sống trong đau đớn, tủi hờn. Và những chồng hồ sơ đang ngày một dày lên.

Trần Văn An là bệnh nhân đều tiên của chương trình, lỗ tiểu của An rất thấp, được các bác sĩ phẫu thuật nhưng không thành công. 2012, An biết đến quỹ “Thiện Nhân và những người bạn”, được thăm khám và phẫu thuật, giờ An có gia đình và con nhỏ, tháng 6 này An sẽ được phẫu thuật lần nữa để hoàn thiện bộ phận sinh dục.

Toàn bộ lợi nhuận của cuốn sách sẽ được tặng cho Quỹ Thiện Nhân và Những người bạn.

Nguyễn Văn Thiên Sơn sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thanh Hóa. Em bị dị tật nghiêm trọng, tiểu tiện, đại tiện một đường, thoát ra từ lỗ nhỏ trên thành bụng. Sơn phẫu thuật 2 lần vẫn chưa đi lại bình thường. Đến khi biết đến Quỹ Thiện Nhân, Sơn đã được mổ và đang trong quá trình phục hồi.

Và câu chuyện dị tật đó không chỉ ở bé trai. Rất nhiều bé gái đã phải chịu những thiệt thòi, đau đớn khi mang trong mình những khiếm khuyết. 

Đặng Bảo Ngọc sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo, Ngọc không có hậu môn, 5 cuộc phẫu thuật liên tiếp, Ngọc vẫn chưa có cuộc sống bình thường cho đến khi gia đình đưa em đến với Quỹ Thiện Nhân... Nụ cười đã nở trên gương mặt xinh đẹp của cô bé.

Rất nhiều những số phận kém may mắn đang được giúp đỡ trong hành trình “Thiện Nhân và Những người bạn”. Khi tôi viết những dòng này thì những ca phẫu thuật tái tạo cơ quan sinh dục cho trẻ em ở Hà Nội đang được các bác sĩ thiện nguyện từ Italia, Mỹ về tiến hành ở Bệnh viện Việt Đức.

Từ tháng 8-2011 tới nay, trong vòng 6 năm đã có 10 đợt bác sĩ Roberto và các bác sĩ từ Italia, Mỹ sang Việt Nam phẫu thuật 230 ca, khám tư vấn miễn phí cho hơn 800 trẻ em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Đến thời điểm này, chương trình có hơn 1.000 hồ sơ đang chờ khám.

Bên cạnh các hoạt động về khám chữa bệnh, "Thiện Nhân và Những người bạn" đã phối hợp với các bệnh viện tổ chức ba hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết niệu và tái tạo bộ phận sinh dục với hàng trăm bác sĩ chuyên ngành.

Chương trình cũng gây quỹ để trang bị dụng cụ phòng mổ cho các bệnh viện. Năm 2017, chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" sẽ tổ chức 2 đợt phẫu thuật tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, với tổng số bệnh nhi được phẫu thuật và thăm khám là 500 cháu.

Hành trình Thiện Nhân- hành trình của một số phận đã góp phần làm thay đổi rất nhiều cuộc đời. Nhưng Mai Anh không đủ sức nếu chị có một mình. Na Hương và Greig, bác sĩ Roberto và rất nhiều, rất nhiều những người bạn đã đồng hành cùng mẹ con Thiện Nhân. Một hành trình không đơn độc, được nhen lên từ tình yêu thương, sự sẻ chia của cộng đồng dành cho Quỹ “Thiện Nhân và Những người bạn”.

Bây giờ Nhân đã có một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng hành trình của Thiện Nhân chưa dừng lại. Hành nghìn hồ sơ đang xếp hàng chờ lịch khám. Chúng ta không thể tin được rằng, những đứa trẻ đó đang phải chịu những đau đớn kinh khủng, không có bộ phận hậu môn, không có bộ phận sinh dục...

Thay vì phải chờ các bác sĩ từ Italia, từ Mỹ bay sang Việt Nam mỗi năm hai lần, những người trong nhóm “Thiện Nhân và những người bạn” mong muốn, họ sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho các bác sĩ Việt Nam. Tháng 10 này, nhóm bác sĩ đầu tiên sẽ bay sang Mỹ để học.

Và tôi hiểu, vì sao Mai Anh viết như vậy: “Xin đừng đưa trước cho chúng tôi một kết cục cổ tích, bởi chúng tôi đi, đang đi và tôi hiểu là tôi sẽ chẳng biết được điều gì đang đón đợi câu chuyện này phía trước.” Chỉ biết rằng, những câu chuyện vẫn đang được viết tiếp, hàng trăm đứa trẻ sẽ có cơ hội thay đổi cuộc sống. Và để chúng ta tin rằng, sự tử tế, thiện lương vẫn còn tồn tại trong cuộc sống quá nhiều bất an này.

Lan Tường
.
.