"Lá phổi xanh" của trái đất mất dần khả năng tự phục hồi

Thứ Hai, 14/03/2022, 11:45

Hệ sinh thái giàu có và đa dạng tại rừng rậm nhiệt đới Amazon có khả năng bị xóa sổ hoàn toàn. Cảnh báo này được đưa ra trên tạp chí khoa học Nature Climate Change, khẳng định hơn 3/4 diện tích của Amazon đang có dấu hiệu mất khả năng phục hồi. 

Hệ sinh thái đa dạng tại rừng rậm nhiệt đới Amazon có khả năng bị xóa sổ hoàn toàn. Ảnh: Getty.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Exeter (Anh) đã thực hiện nghiên cứu bằng việc phân tích các tài liệu thu thập từ vệ tinh trong hơn 20 năm qua tại rừng rậm nhiệt đới Amazon. 

Cụ thể, hơn 3/4 khu rừng có dấu hiệu mất khả năng tự phục hồi từ năm 2000. Mùa khô ở Amazon kéo dài hơn, hạn hán trầm trọng hơn, dẫn đến số lượng cây chết khô ngày càng nhiều hơn. Tình trạng nêu trên diễn ra nặng nề nhất ở những nơi gần các khu định cư của con người, trải rộng trên 8 nước ở phía Bắc khu vực Nam Mỹ.

40% diện tích rừng rậm nhiệt đới Amazon đang chuyển dần sang hệ sinh thái đồng cỏ. Ảnh: Getty.

Thực tế này cũng khiến 40% diện tích rừng Amazon chuẩn bị rơi vào thời điểm bước ngoặt của quá trình chuyển thành thảo nguyên savanna, kiểu thảm thực vật nhiệt đới gồm nhiều tầng cỏ xen lẫn một số cây bụi  thường được tìm thấy ở châu Phi.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu đà suy giảm hiện tại tiếp tục, Amazon có thể đạt đến "điểm giới hạn", khi quá trình chết khô không thể đảo ngược. Việc rừng Amazon mất đi khả năng phục hồi tác động sâu sắc đến đa dạng sinh học, lưu trữ carbon và biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu.

Tiến sĩ Timothy M. Lenton, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng rừng rậm nhiệt đới thường rất nhạy cảm với những thay đổi về lượng mưa, độ ẩm, nhiệt độ. Vì vậy, một khi bước qua điểm giới hạn, sẽ không có cách cứu vãn và gần như sẽ mất rừng. 

Trước đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hồi 2019 cũng  đưa ra cảnh báo tương tự. Ông cho rằng nếu tiếp tục bị tàn phá do cháy rừng và nạn khai thác gỗ quá mức, rừng Amazon sẽ tiến gần đến thời điểm trở thành đồng cỏ. 

Linh Đan
.
.