Nhiều bộ ngành để lãng phí đất công

Thứ Năm, 12/10/2023, 08:43

Ngày 9/10, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán chủ yếu về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị (từ năm 2020-2022) gửi tới Quốc hội.

Với 84 báo cáo kiểm toán đã phát hành, cùng kiến nghị tăng thu ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước hơn 2.800 tỷ đồng… KTNN cũng đã kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công sau khi phát hiện hàng loạt bất cập và tồn tại.

Nhiều tỉnh sử dụng đất công mà không chờ quyết định

Tại các Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương niên độ 2021, KTNN nêu rõ có khá nhiều đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất, tiền sử dụng đất. Cụ thể là TP Hồ Chí Minh có 270 trường hợp; Hải Phòng có 323 trường hợp; tỉnh Thanh Hóa 1 trường hợp, Quảng Ninh có 34 trường hợp, Đắk Nông có 5 trường hợp, Khánh Hòa có 1 trường hợp, Sơn La 21 trường hợp, Gia Lai là 1 trường hợp, An Giang có 11 trường hợp, Vĩnh Phúc có 1 trường hợp, Bắc Giang có 16 trường hợp, Thái Nguyên có 2 trường hợp.

Nhiều bộ ngành để lãng phí đất công -0
Khu đất tại 113 Trần Duy Hưng (thuộc Bộ KH&CN) từng bị đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội phát hiện dấu hiệu vi phạm trông giữ xe.

Có tỉnh chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất khi hết thời gian ổn định đơn giá thuê như Hải Phòng là 11 trường hợp; tỉnh Đồng Nai là 298 trường hợp, Thanh Hóa 12 trường hợp, Quảng Ninh 133 trường hợp, Bắc Ninh có 2 trường hợp, Đắk Nông có 21 trường hợp, Cà Mau có 19 trường hợp, Lâm Đồng 20 trường hợp, Đồng Tháp 24 trường hợp, Đắk Lắk 13 trường hợp, Bình Dương 31 trường hợp, Hải Dương 6 trường hợp. Các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tính tiền thuê đất đối với diện tích sử dụng kinh doanh và cho thuê như TP Cần Thơ; tỉnh Bến Tre. Có tỉnh xác định tiền thuê đất chưa đúng quy định như Điện Biên.

Ngoài ra, còn có tình trạng chưa quản lý thu tiền thuê đất có mặt nước như tỉnh Trà Vinh 53 trường hợp. Hay như tỉnh Bình Định có tới 18 trường hợp chưa xác định và thông báo tiền chậm nộp đối với người trúng đấu giá sử dụng đất. Với công tác quản lý đất đai, KTNN cũng chỉ ra một số tỉnh hết thời hạn thuê đất nhưng chưa làm thủ tục gia hạn như Sóc Trăng có 10 trường hợp; Thái Bình có 5 trường hợp, Sơn La 2 trường hợp. Còn tỉnh Quảng Nam có tới 9 trường hợp  chưa thu hồi đất theo quy định.

Tại các Báo cáo kiểm toán ngân sách bộ, ngành niên độ 2021, kết quả từ KTNN cũng nêu rõ việc quản lý, sử dụng tài sản là nhà đất ở một số bộ còn “lỏng lẻo”. Cụ thể, tình trạng chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định xảy ra tại Bộ Xây dựng; Viện Hàn lâm khoa học công nghệ (HLKHCN); Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)… Một số cơ sở nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà vẫn sử dụng như Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia…

 “Đất vàng” dùng làm nhà để xe

Tại báo cáo chuyên về ngân sách bộ, ngành niên độ 2020, KTNN cũng đã làm rõ vấn đề liên quan đến tình trạng lấn chiếm nhà đất. Cụ thể, KTNN nêu rõ: Một số bộ, cơ quan Trung ương chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất kéo dài qua các năm như: Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh còn 426/782 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho trường; tổng diện tích hiện đang bị lấn chiếm, xây dựng trái phép là 312.601m2; Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có diện tích đất còn tình trạng bị chiếm dụng, tranh chấp thuộc quản lý của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Ứng dụng công nghệ;  Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chưa có phương án xử lý dứt điểm như chưa xác định rõ ranh giới, còn các hộ lấn chiếm, cho mượn, tranh chấp chưa được giải quyết ở khu đất số 114 Xuân Thủy, Cầu Giấy. Tại số 182 Lương Thế Vinh đến nay còn 3 hộ đang sử dụng 135m2 đất làm nhà ở; nguyên nhân theo báo cáo khu đất này cho 06 hộ mượn để làm nhà ở từ lâu, đến nay đã thu hồi được 3 hộ. Tại Cơ sở nhà đất số 19 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội còn 9m2 đất do đang có tranh chấp chưa được giải quyết.

Kiểm toán cũng nêu: Bộ KH&CN có nhiều cơ sở nhà đất đến nay vẫn chưa hoàn thành phương án xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Bộ KH&CN còn là một trong 3 đơn vị chưa thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản, phản ánh trên sổ kế toán theo quy định.

Đáng chú ý, việc thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định cũng được làm rõ ở ĐHQG TP Hồ Chí Minh  vì đơn vị này có cửa hàng photocopy Thanh Thanh Lịch sử dụng diện tích 93m2 hoạt động nhiều năm không trả phí, đã nhiều lần yêu cầu trả mặt bằng nhưng chưa xử lý được; Văn phòng ĐHQG Hồ Chí Minh giao căng tin nhà điều hành cho Công đoàn quản lý, vận hành, khai thác chưa đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; Trung tâm Xúc tiến thương mại hợp tác sử dụng sân thể thao, dịch vụ ăn uống từ ngày 15/12/2014 đến thời điểm kiểm toán nhưng chưa lập đề án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Đặc biệt, kết quả kiểm toán lần này cũng thẳng thắn nêu, nhiều đơn vị không sử dụng hoặc sử dụng tài sản là đất chưa hiệu quả, chưa đúng quy định. Cụ thể, Bộ KH&ĐT có 6 cơ sở nhà đất do Tổng cục Thống kê quản lý, gồm trụ sở Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, Trung tâm bồi dưỡng cán bộ ngành thống kê tỉnh Thanh Hóa, Trụ sở Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, Nhà khách Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, Trụ Sở Cục Thống kê tỉnh Long An và Chi cục Thống kê thị xã Thái Hòa, dôi dư đang bỏ trống không sử dụng do đã được đầu tư cơ sở mới; Hai cơ sở nhà đất, gồm Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, một phần diện tích tại 86 Thụy Khuê sử dụng vào mục đích khác không đúng quy định. Tại Bộ Tài chính cũng có tình trạng  giao đất cho một số tổ chức ngoài Bộ sử dụng không đúng quy định, cụ thể: Cơ sở tại số 192 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt - Hà Nội giao cho Hội Kế toán Việt Nam sử dụng 357,9m2, đến nay chưa xử lý dứt điểm.

Tại Bộ KH&CN, KTNN cũng chỉ rõ một số cơ sở nhà đất không được sử dụng (Khu đất tại 210 Đội Cấn để trống không sử dụng nhiều năm; một phần khu đất tại số 113 Trần Duy Hưng, TP. Hà Nội đang chờ triển khai dự án theo các Quyết định số 2647/QĐ-BKHCN ngày 16/9/2016 và Quyết định số 2223/QĐ-BKHCN ngày 6/8/2021 nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa thực hiện, theo báo cáo của đơn vị hiện đang làm nơi để xe của cán bộ nhân viên).

Ngoài các bất cập nói trên, thông qua việc kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020, KTNN cũng nhận thấy việc lập, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh đến năm 2020 của một số tỉnh, thành phố chưa đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không bố trí đủ vốn để triển khai thực hiện các dự án; tham mưu ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa đảm bảo quy định, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án trong đô thị còn nhiều tồn tại, bất cập; chậm chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát và truy thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

Đặng Nhật
.
.