Thị trường bất động sản nhà ở vẫn chưa hết khó

Thứ Hai, 26/02/2024, 09:43

Theo nhiều chuyên gia, sau thời gian dài trầm lắng, năm 2024 thị trường BĐS đang bước vào chu kỳ phát triển mới, thị trường đang có những chuyển biến theo hướng tích cực. Dù vậy, thách thức vẫn hiện hữu, nhất là đối với các dự án phát triển nhà ở khi số lượng dự án mới, nguồn cung nhà ở mới vẫn chưa nhiều, giá nhà ở vẫn “neo” ở mức cao, ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Mặt khác, pháp lý dự án không thể hoàn thành khi người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ trả tiền của mình khiến người mua nhà e dè.

TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia về BĐS cho rằng, quỹ đất làm dự án nhà ở tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh đã dần cạn. Nhưng chủ trương thúc đẩy đầu tư công vào các dự án đô thị và cơ sở hạ tầng tại các đô thị vệ tinh xung quanh TP Hồ Chí Minh đã tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư BĐS tham gia vào những dự án quy mô lớn hơn trước kia.

Nhà đầu tư sở hữu quỹ đất lớn ở các thành phố vệ tinh đã sẵn sàng triển khai, đặc biệt là trong năm nay khi được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ, lãi suất dễ tiếp cận. Ngoài ra vấn đề cấp bách là các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý để tăng nguồn cung dự án nhà ở, nhất là nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội phù hợp với thu nhập của người dân. Nguồn cung nhà ở bình dân tăng lên sẽ tăng tính cạnh tranh trong kéo giảm giá nhà.

Thị trường bất động sản nhà ở  vẫn chưa hết khó -0
Người mua nhà quan tâm đến một dự án nhà ở thời điểm thị trường bất động sản đang nóng.

Về vấn đề vốn tín dụng, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, dù co đặc thù là dư nợ cho vay cá nhân chiếm đến 70%, nhưng Agribank vẫn có đến 200 nghìn tỷ đồng cho vay BĐS. Trong đó dư nợ cho vay kinh doanh BĐS đạt hơn 20.000 tỷ, dư nợ liên quan đến BĐS là 185.000 tỷ đồng. Sang năm nay mức dư nợ trên vẫn được duy trì. Tuy nhiên, các khoản nợ cơ cấu đến hạn khiến ngân hàng rất áp lực về xử lý nợ xấu. Đồng thời với hai loại dự án là dự án BĐS mới và dự án đang đầu tư, việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý đất đai của chính quyền địa phương còn rất chậm, nhiều dự án đã phải chờ đợi 1-2 năm. Để có thể gỡ vướng cho các dự án nhà ở đã đến hạn trả nợ hoặc cho vay mới, Agribank đưa ra giải pháp là sẽ làm việc trực tiếp với các hiệp hội, các doanh nghiệp để trực tiếp tìm ra khó khăn vướng mắc. Song các bộ ngành, địa phương cũng cần quyết liệt trong tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang nằm chờ và dự án mới.

Ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV cho hay, dư nơ cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS tại BIDV chiếm khoảng 22% trong tổng số dư nợ trong lĩnh vực BĐS. Trong đó chủ yếu tập trung cho vay các dự án phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đô thị. Với mức lãi suất cho vay đã giảm sâu trong năm ngoái, các tổ chức, cá nhân vay vốn từ BIDV trong lĩnh vực này đã giảm được gánh nặng.

Nhận xét về cho vay BĐS, ông Long cho rằng giá trị tài sản đảm bảo sụt giảm thì xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn do thanh khoản của thị trường BĐS giảm sút. Vì vậy, việc tiếp cận vốn tín dụng của các dự án nhà ở vẫn sẽ không dễ dàng nếu không đảm bảo tính pháp lý. Trong khi đó, việc giải quyết về thủ tục để bảo đảm pháp lý cho dự án phụ thuộc vào chính quyền các địa phương.

Thời gian qua việc gỡ vướng cho các dự án phát triển nhà ở khá chậm nên các chủ đầu tư dự án BĐS nhà ở vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn về vướng pháp lý dẫn đến khó tiếp cận vốn vay.

Bảo Sơn
.
.