20 năm khốn khổ vì mua đất nền của doanh nghiệp có vốn Nhà nước

Thứ Sáu, 22/07/2022, 09:33

Ngoài 113 dự án nhà ở đã được đại diện chủ đầu tư kiến nghị và đang chờ chính quyền TP Hồ Chí Minh gỡ vướng, trong tháng 7 này Hiệp hội Bất động sản (BĐS) thành phố cùng người mua nhà đất và chủ đầu tư dự án tiếp tục gửi kiến nghị gỡ vướng pháp lý đến UBND thành phố và các cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, đây những dự án BĐS mà chủ đầu tư là doanh nghiệp có vốn Nhà nước đã bị đình trệ kéo dài hàng chục năm gây khó khăn cho người mua nhà.

Đại diện hàng chục hộ dân cùng Hiệp hội BĐS gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh, cho biết, dù pháp lý của dự án rất rõ ràng, song gần 20 năm qua người dân mua đất nền tại Dự án khu dân cư Intresco tại Khu 6A, Khu chức năng số 6 thuộc Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, vẫn chưa được nhận nền.

dn-1658453679531.jpg
Người dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư một dự án do xung đột về quyền lợi.

Trong khi đó, ngay từ năm 2002, Ban quản lý khu Nam đã phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500 khu dân cư này. Tháng 6/2004, UBND thành phố đã có quyết định thu hồi, tạm giao 471.768m2 đất tại đây cho Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu nhà ở và công trình công cộng phục vụ khu vực.

Do chủ đầu tư không thể bồi thường, giải phóng mặt bằng nên đến năm 2007, UBND thành phố đã quyết định điều chỉnh giảm quy mô diện tích dự án xuống còn 69.092m2. Những đại diện trên cho biết, do tin tưởng vào dự án của Nhà nước, dự án của một doanh nghiệp được hình thành từ việc cổ phần hóa đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn nên họ đã mua nền. Ngay thời điểm đó, người mua nền đất tại dự án này đã nộp 70% tiền cho chủ đầu tư khi biết dự án đã giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ 65% diện tích.

Nhưng từ đó đến nay, chủ đầu tư vẫn chỉ hứa hẹn và đưa ra nhiều lý do viện cớ cho việc dự án vẫn dở dang. Hệ lụy là cuộc sống của những người mua đất nền ở đây vô cùng khốn khổ, không ổn định được cuộc sống, phải đi ở nhà thuê, nhà trọ, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, con cái học hành… trước khó khăn của người dân mua nền tại đây.

Vướng vào chuyện phải kêu cứu, khiếu kiện kéo dài còn có Dự án khu dân cư 2,9ha, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức do Công ty TNHH ĐT-XD Trường Thịnh làm chủ đầu tư. Đại diện cho 158 hộ dân mua nhà tại đây gửi kiến nghị tới UBND thành phố, việc mua đất nền trong dự án của Công ty TNHH ĐT- XD Trường Thịnh từ năm 2001. Tại thời điểm đó, công ty này thuộc Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh với pháp lý dự án rất rõ ràng.

Năm 2001, UBND quận 2 (cũ) đã trình UBND thành phố giao Công ty XD và KD nhà Phú Nhuận (khi đó trực thuộc Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng dự án 154ha và giao cho 14 nhà đầu tư thành phần tham gia, trong đó có Công ty Trường Thịnh. Do Công ty XD và KD nhà Phú Nhuận chậm triển khai dự án nên tháng 12/2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định thu hồi dự án. Mặc dù trong quyết định thu hồi này đã nói rõ việc thu hồi không ảnh hưởng đến các dự án thành phần, tức không ảnh hưởng đến dự án 2,9ha của Công ty Trường Thịnh. Nhưng đến nay, các nền đất của người dân vẫn chưa được cấp sổ nên không thể chuyển nhượng hay xây cất nhà ở.

20 năm sau khi người dân nộp đầy đủ tiền mua nền đất, họ vẫn chưa được xây nhà, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tình trạng này khiến cuộc sống của những hộ dân mua nền tại dự án vô cùng khốn khổ, gặp phải rất nhiều khó khăn, không ổn định được cuộc sống, phải đi ở nhà thuê, nhà trọ, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Người dân cho biết, họ càng bức xúc khi trong báo cáo của cơ quan chức năng cho rằng một trong các vướng mắc tại dự án này là do Công ty TNHH Trường Thịnh chưa nộp tiền sử dụng đất. Bởi thực tế Công ty Trường Thịnh dù có muốn nộp tiền thuế sử dụng đất của dự án cũng không được vì dự án tổng đã bị thu hồi…

Kiến nghị với UBND thành phố về các dự án dở dang này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng, trên địa bàn hiện có nhiều dự án nhà ở thương mại đền bù dở dang nên chủ đầu tư không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng. Họ cũng không thể triển khai thực hiện dự án hoặc chỉ thực hiện đầu tư xây dựng một phần dự án. Không xây dựng được hoàn chỉnh hạ tầng của dự án nên không kết nối được phần hạ tầng dự án đã đầu tư với hạ tầng chung của khu vực, trước hết là đường giao thông.

Các dự án dở dang này đang làm xấu bộ mặt đô thị, gây thiệt hại cho khách hàng, cho người có đất bị thu hồi trong khu vực dự án và cho cả chủ đầu tư cũng như làm thất thu ngân sách. Do đó, thành phố cần sớm giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, phân loại các dự án dở dang để có cơ chế giải quyết phù hợp với từng dự án theo hướng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi, khách hàng, chủ đầu tư dự án và lợi ích công cộng.

Đ.Thắng
.
.