Bài cuối: Dai dẳng tái diễn vì xử lý thiếu kiên quyết

Thứ Ba, 31/05/2016, 08:58
Nếu các cơ quan chức năng “làm ngơ” trước vi phạm, các công trình xây dựng sai phép, không phép vẫn tiếp tục mọc lên, thậm chí còn mọc một cách kiên cố. Khi bị dư luận phản ánh, việc xử lý, khắc phục tồn tại không những chậm chạp mà còn gặp nhiều hệ lụy phát sinh. Hậu quả là tiêu tốn tiền bạc, con người để giải quyết.

Đại đa số các công trình xây dựng sai phép hiện nay, chủ đầu tư luôn tìm đủ lý do để trì hoãn việc cưỡng chế cũng như mong muốn được khắc phục hậu quả. 

Cách đây không lâu, Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở để bán tại số 108 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, cũng đã bị Đội Thanh tra xây dựng (TTXD) quận Thanh Xuân lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm đối với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (chủ đầu tư) do đã thi công sai so với giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được duyệt 10 căn hộ liền kề thuộc dự án. 

UBND phường Thượng Đình cũng đã có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trên. UBND quận Thanh Xuân cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và quyết định cưỡng chế thi hành đối với dự án trên (chủ đầu tư đã nộp phạt theo quy định). 

Hiện nay, dự án đang dừng thi công. Chủ đầu tư đã có Văn bản số 121/QLPTN-QLDA đề nghị UBND TP Hà Nội về việc xin điều chỉnh quy hoạch tại khu nhà ở thấp tầng. 

Công trình xây dựng sai phép ở số 3 ngõ 8 Lý Nam Đế (X) đang phải cưa ngọn do xây vượt tầng.

Theo cơ quan chức năng quận Thanh Xuân, hiện tại họ chưa nhận được văn bản chấp thuận của thành phố về việc xin điều chỉnh quy hoạch nói trên. Hiện, quận Thanh Xuân đang giao cho UBND phường Thượng Đình và Đội TTXD quận giám sát chặt chẽ chủ đầu tư trong việc dừng thi công công trình. Trong trường hợp chủ đầu tư không được thành phố chấp thuận điều chỉnh quy hoạch dự án, UBND quận sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức xử lý phần công trình sai phạm theo quy định.

Đối với những công trình vi phạm giấy phép xây dựng bị xử lý, có ý kiến cho rằng: tại sao ngay từ đầu cơ quan chức năng không làm nghiêm để tránh những hệ lụy không đáng có xảy ra cho cả chủ đầu tư cũng như các cá nhân, tổ chức có liên quan? Ví như: chi phí cho việc tháo dỡ tốn kém, môi trường và chất lượng công trình theo đó bị ảnh hưởng. 

Có công trình khi bị yêu cầu “cưa ngọn”, vì chi phí phải bỏ ra cho phần khắc phục quá lớn khiến chủ đầu tư lâm vào nguy cơ phá sản, đơn vị được thuê phá dỡ không được rót tiền cũng làm cho tiến độ khắc phục trở nên chậm chạp. Nhiều công trình vi phạm bị phát hiện là nhờ dư luận và các phương tiện truyền thông. Nhiều công trình vi phạm khi phát hiện đều đã xây dựng kiên cố, thậm chí người đã vào ở. 

Ông Phạm Văn Lợi, Đội trưởng Đội TXD quận Cầu Giấy thừa nhận: không riêng các công trình lớn, với những công trình nhà ở dân sinh xây dựng sai phép khá tràn lan. Đây là hệ quả do thời kỳ trước để lại theo kiểu “nhà trước đua ra, nhà sau theo thế mà làm”. 

Đối với các trường hợp này, việc xử lý gặp không ít khó khăn. Có những trường hợp vi phạm sau khi bị lập biên bản xử lý, chỉ một thời gian sau, khi vắng bóng lực lượng chức năng, vi phạm lại tái diễn.

Trước thông tin cho rằng chủ đầu tư các công trình đang muốn “vin” vào nội dung “phạt để tồn tại” của Nghị định 121/2013-NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng..., ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định rằng, mọi trường hợp vi phạm để “phạt cho tồn tại” đều phải đáp ứng những tiêu chí nhất định. 

Theo đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, căn cứ theo Thông tư số 02/2014/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn 11 vấn đề quy định trong Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì việc “xử phạt cho tồn tại” chỉ áp dụng với các trường hợp vi phạm mà công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng trước thời điểm ngày 30-11-2013. 

Do vậy, trong 2 năm trở lại đây, những trường hợp phạt cho tồn tại trên địa bàn Hà Nội xảy ra rất ít, thậm chí như ông Lê Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La thì không có trường hợp nào.

Báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội trong quý I- 2016 thì các đội TTXD quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 4.561 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 946 trường hợp (trong đó: không phép 288 công trình; sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế: 224 công trình; vi phạm khác: 434 công trình). 

UBND cấp xã, cấp huyện đã xử lý vi phạm 510 trường hợp (cưỡng chế, phá dỡ: 102 trường hợp; tự khắc phục: 388 trường hợp; xử lý bằng hình thức khác: 20 trường hợp); đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền: 436 trường hợp. Nhìn vào số liệu trên cho thấy, tình trạng vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng đang diễn ra khá phức tạp, nhất là trên địa bàn các quận như: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng v.v...

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, khi công trình vi phạm bị phát hiện, đơn vị  có nhiều văn bản đôn đốc chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chưa được chính quyền cơ sở quan tâm, chỉ đạo quyết liệt dẫn đến vẫn còn nhiều công trình vi phạm chưa được xử lý triệt để dứt điểm, điển hình ở quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Thanh Trì… 

Nhiều trường hợp rất phức tạp và khó khăn khi xử lý, bởi một số chủ đầu tư xây dựng ý thức chấp hành pháp luật kém, lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ cố tình vi phạm trật tự xây dựng với hình thức tinh vi, tái phạm; một số cán bộ thanh tra còn hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng thiết lập biên bản, chậm phát hiện và thiết lập hồ sơ vi phạm dẫn đến công trình vi phạm quy mô lớn gây khó khăn cho công tác xử lý sau này.

Đề cập tới những vấn đề khó khăn trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội cũng cho rằng, theo Luật Xây xựng năm 2014, không quy định về ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng nữa. 

Hiện nay, Nghị định thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 và Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 đang trong thời gian soạn thảo, chưa được ban hành, do đó việc đình chỉ một số công trình vi phạm không có hiệu lực, hiệu quả.

Trong quý I-2016, các đội thanh tra xây dựng của Sở Xây dựng TP Hà Nội đã tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành 530 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt là hơn 4,2 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt hành chính đối với vi phạm trật tự xây dựng áp dụng theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP là hơn 1,7 tỷ đồng…
Trần Huy - Trần Hằng
.
.