Bị thương gần nửa thế kỷ chưa được hưởng chế độ thương binh

Thứ Ba, 14/06/2016, 11:20
44 năm, cựu chiến binh Hà Duy Nguyên sống chung với mảnh đạn trong đầu và cũng ngần ấy năm cơ thể ông cứ trở chứng mỗi khi thời tiết thay đổi. Bao năm qua, người cựu chiến binh này vẫn còn nhớ như in những ngày tháng khốc liệt ở chiến trường. Sức khỏe ngày càng giảm sút, ông luôn trăn trở với ước nguyện được chứng nhận là thương binh – một công nhận xứng đáng cho người cựu binh đã đổ xương máu vì độc lập dân tộc.


Nỗi đau hiện hữu

Ông Hà Duy Nguyên tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đơn sơ ở xóm 1, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Giơ tấm phim chụp Xquang lên, ông chỉ vào một vệt sáng trắng: “Bác sỹ bảo đây là mảnh đạn nằm trong đầu tôi”. Rồi ông kể, mấy hôm nay trở trời nên vết thương phía thái dương bên phải lại tái phát, đau nhức. Một bên tai phải của ông đã bị điếc nặng. 

Vợ ông tâm sự: “Ông ấy đã làm nhiều đơn, gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị được hưởng chế độ thương binh từ nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa được. Sức khỏe của ông ấy thì ngày càng kém, ốm đau liên miên. Giờ ông ấy đã sắp 70 tuổi, chẳng biết ông ấy có còn sức khỏe để chờ đến ngày được công nhận thương binh hay không?”.

Ông Hà Duy Nguyên với tấm phim chụp Xquang có hình ảnh mảnh đạn trong đầu.

Đưa mắt ra phía xa, trên tay cầm tập giấy tờ được cất giữ cẩn thận, ông Nguyên trầm ngâm hồi tưởng lại những ngày tháng tham gia chiến đấu và bị thương. Ông nhập ngũ ngày 25-8-1971, được huấn luyện ở Tiểu đội 12, Trung đội 4, Đại đội 4, Tiểu đoàn 915, Trung đoàn 51 thuộc Quân khu 3. Ngày 29-1-1972, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, đơn vị Đoàn 2049. Tháng 8-1972, ông được bổ sung vào Tiểu đội 10, Trung đội 4, Đại đội 4, Tiểu đoàn 410, T3 hoạt động ở chiến trường miền Tây Nam Bộ. 

Khi đơn vị đang làm nhiệm vụ ở khu vực rừng Tám Ngàn thuộc ấp Nam Thái Sơn, tỉnh Kiên Giang, địch càn vào căn cứ, và ông bị thương ở đầu vào ngày 31-10-1972 và được đưa vào điều trị ở trạm xá dã chiến rừng U Minh. Mảnh đạn nằm trong đầu ông từ đó đến nay. Do sức ép của bom, tai phải của ông cũng bị điếc nặng. Sau khi sức khỏe tạm thời ổn định, ông được về đơn vị H5, Đoàn 195-S, Quân khu 9, tiếp tục chiến đấu ở An Giang cho đến ngày giải phóng. Sau giải phóng miền Nam, đơn vị ông đóng ở Cần Thơ. Ngày 31-10-1975, ông phục viên.

Trở về quê hương mang theo mảnh đạn trên đầu, sức khỏe giảm sút và một giấy xác nhận bị thương, ông cũng không nghĩ phải khám lại thương tật trước khi rời quân ngũ. Thế nhưng, sức khỏe mỗi ngày một giảm sút, ông phải đi bệnh viện điều trị thường xuyên. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề. 

Ở quê hương, ông và gia đình phải vật lộn với cuộc sống, không bảo quản được giấy tờ phục viên, bị mục nát do mưa bão nên ông không đi khám thương. Sau đó, để có được giấy tờ làm chế độ chính sách cho người có công, ông lặn lội vào Nam ra Bắc, tìm đồng đội để chứng thực và xác nhận thời gian chiến đấu ở chiến trường năm xưa.

PV Báo CAND đang làm việc với chính quyền địa phương. 
Mòn mỏi chờ công nhận thương binh    

Trong tập tài liệu gửi Báo CAND, ông Nguyên cung cấp những giấy tờ xác nhận của đồng đội về ông. Ông Thái Minh Hồng, SN 1949, nguyên là Trợ lý quân lực Cục Hậu cần Quân khu 9 xác nhận ông bị thương vào đầu, cổ, sức ép bom, phải đưa ra tuyến điều trị. 

Ông Nguyễn Viết Khoa, SN 1943, ở TP Cần Thơ nguyên là Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 410, Trung đoàn 195 Quân khu 9 xác nhận: “Đồng chí Hà Duy Nguyên là chiến sỹ Đại đội 4, Tiểu đoàn 410, Trung đoàn 195. Trong trận địch càn vào căn cứ rừng Tám Ngàn (Nam Thái Sơn, Kiên Giang) vào ngày 31-10-1972 tôi tham gia, đồng chí Hà Duy Nguyên bị thương vào phần đầu, được băng bó đưa về tuyến sau”… 

Ngoài những xác nhận của đồng đội cũ, ông còn giữ được Giấy xác nhận thời gian phục vụ quân đội do Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cấp.

Một trong những giấy xác nhận của đồng đội ông Hà Duy Nguyên.

Ông Nguyên cho biết, ông đã làm đơn gửi đi các cấp từ năm 2007 sau khi hoàn thành các giấy tờ xác nhận nhưng chưa được công nhận là thương binh. Đến năm 2014 thì cán bộ xã có hướng dẫn ông hoàn thiện giấy tờ để làm thủ tục nhưng từ đó đến nay không thấy có tin tức gì.

Trao đổi với chúng tôi ngày 9-6, ông Đinh Văn Quang, Chỉ huy Trưởng quân sự xã Thái Dương cho biết: Năm 2014, theo thông báo của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thái Thụy, cùng với đề nghị của các đối tượng chính sách, Ban Quân sự xã hướng dẫn ông Hà Duy Nguyên hoàn tất hồ sơ đề nghị giám định thương tật. 

Sau khi ông Hà Duy Nguyên hoàn tất hồ sơ, Ban Quân sự xã đã thông qua Hội đồng chính sách, báo cáo chính quyền địa phương chuyển hồ sơ của ông Hà Duy Nguyên cùng 4 trường hợp khác trong xã là ông Đinh Văn Mạnh, ông Đào Hồng Chương, ông Đào Văn Thắng và ông Phạm Tiến Dũng cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thái Thụy theo quy định. 

Ông Đinh Văn Quang cũng cho biết, hồ sơ của ông Hà Duy Nguyên có đầy đủ giấy xác nhận thời gian công tác trong quân đội, giấy chứng nhận bị thương. Hiện cả 5 trường hợp đều chưa được chứng nhận thương binh.

Trường hợp của ông Hà Duy Nguyên có đầy đủ điều kiện để chứng nhận là thương binh theo quy định tại Thông tư 28/2013. Đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giải quyết để ông Nguyên được hưởng chế độ thương binh, không thể để người có công phải chịu thiệt thòi. Báo CAND sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.


V.Hà – N.Hương
.
.