Cần mạnh tay với các hành vi làm bẩn phố phường

Thứ Ba, 06/11/2018, 08:35
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực trong việc dẹp nạn làm bẩn thành phố, để xây dựng một thành phố văn minh – sạch đẹp, thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khắp nơi.

“Quảng cáo dán khắp nơi, mất mỹ quan đô thị, do đó cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra xử lý, không để tình trạng vẽ bậy và quảng cáo khắp nơi”, anh Trần Văn Huy (nhà số 220A đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) bức xúc.

Còn anh Nguyễn Thanh Tuấn (nhà số 78 QL1, quận 12) nói: “Cột điện kế nhà tôi suốt ngày bị treo quảng cáo nhà đất. Tôi tháo xuống hôm trước là hôm sau lại thấy xuất hiện cái khác. Mấy quảng cáo tờ rơi này giờ không ai tin đâu, chúng nó lừa không à”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện có một số thanh niên đi treo và dán tờ quảng cáo vào khoảng thời gian từ 0h đến 3h sáng. Vào đêm một ngày cuối tháng 10, khi đến đường Cộng Hoà (Tân Bình), chúng tôi phát hiện có 2 thanh niên chở nhau bằng xe máy dừng lại bên một tủ điện gần ngã tư đường Cộng Hoà – Hoàng Hoa Thám.

Người cầm lái nổ máy chờ sẵn, còn người kia xách theo một thùng nhựa loại nhỏ nhanh chóng xuống xe dùng con lăn sơn nước nhúng keo trong thùng nhựa và lăn lên tủ điện. Sau đó anh ta lấy nhiều tờ giấy trong túi đang đeo ra dán lên tủ điện. Hành động lén lút này diễn ra rất nhanh, hết tủ điện này đến tủ điện khác ở dọc đường Cộng Hoà và một số tuyến đường khác như Trường Chinh, Cách Mạng Tháng 8,…

Đêm 1-11, chúng tôi phát hiện nhóm thanh niên đi xe máy đang treo tờ quảng cáo bán đất trên các cây xanh và cột điện ven đường Tây Thạnh, Chế Lan Viên, Lê Trọng Tấn… (đều thuộc địa bàn Tân Phú). Không chỉ treo, dán quảng cáo khắp nơi, tình trạng phát tờ rơi, xả rác bừa bãi, tiểu tiện không đúng nơi quy định vẫn còn phổ biến trên địa bàn thành phố. Tại rất nhiều giao lộ như ngã ba đường Nguyễn Duy Trinh – Nguyễn Thị Định (quận 2); đường Cách Mạng Tháng 8 – Đồng Đen, Cách Mạng Tháng 8 – Trường Sơn (quận Tân Bình)… trong lúc chờ đến đèn xanh, chúng tôi thấy nhiều người không nhận tờ rơi loại này được một số đối tượng ra tận đầu xe phát.

Thế nhưng cũng có không ít người sau khi nhận xong, đọc vội hoặc không đọc rồi ném xuống đường. Anh Phạm Văn Tuấn ở phường Bình Trưng Tây (quận 2) nói: “Vứt đầy tờ rơi ra đường là do ý thức người dân cả thôi. Bản thân tôi khi nhận được tờ rơi thì cầm về nhà hoặc đi ngang qua xe rác, thùng rác thì vứt vào đấy”.

Ông Trịnh Kim Quang, Phó trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin quận 1 cho biết: “Trước đây tình trạng in, dán quảng cáo rút hầm cầu ở khắp nơi, sau khi chúng tôi xử phạt thì những quảng cáo này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, gần đây nổi lên quảng cáo cho vay tiền, bán bất động sản. Chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo UBND quận chỉ đạo các phường tăng cường tuần tra phát hiện để xử lý các trường hợp quảng cáo không đúng nơi quy định và vẽ bậy”.

Vào tháng 5-2018, Công an phường Bến Nghé (quận 1) đã phát hiện và phạt hành chính 3 người nước ngoài có hành vi vẽ bậy lên tường của Bệnh viện Nhi Đồng 2 trên đường Lý Tự Trọng, số tiền phạt mỗi người 1,5 triệu đồng. Lãnh đạo Công an quận 1 cho biết Công an quận đã chỉ đạo Công an các phường tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vẽ bậy, nhằm xây dựng thành phố văn minh - sạch đẹp.

Căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) bị vẽ bẩn.

Theo Sở Văn hoá - Thông tin, TP Hồ Chí Minh, Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo có hiệu lực với mức phạt tiền khá cao, nhưng vấn đề phát hiện để xử lý thì rất khó khăn vì đối tượng thực hiện các hành vi dán tờ rơi trái phép phần lớn là sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, khi thực hiện việc treo hoặc phát tờ rơi thường không mang theo tài sản, giấy tờ tùy thân.

Do đó, khi phát hiện thì việc xử lý hành chính rất khó khăn. Những người này không có tài sản giá trị để bị tạm giữ và khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì không có khả năng thực hiện. Còn việc xác định chủ thể vi phạm là người có sản phẩm được quảng cáo cũng khó, vì người thực hiện dán quảng cáo phần lớn là người được thuê, không biết rõ chủ sản phẩm được quảng cáo là ai. Khi cơ quan chức năng liên lạc với người có sản phẩm thì không thừa nhận mình là người thực hiện quảng cáo, nên khó xử phạt đúng chủ thể vi phạm.

Theo đại diện Thanh tra Sở Văn hoá – Thông tin thành phố, tình trạng phát tờ rơi treo, dán quảng cáo rao vặt thường được thực hiện lén lút vào ban đêm nên rất khó phát hiện, bắt quả tang để xử phạt.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin TP Hồ Chí Minh cho biết, chế tài tốt nhất là cắt, chặn số điện thoại, dừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại trên các tờ quảng cáo. Nhưng hiện chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện điều này nên tình trạng làm bẩn phố phường vẫn tồn tại. Sở Văn hóa – Thông tin thành phố đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn cơ sở pháp lý để thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa có.

Trước tình hình này, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện việc xử lý hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Trong đó, giao Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm cung cấp thông tin chủ thuê bao có số điện thoại quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định cho UBND quận, huyện hoặc Sở Văn hóa – Thông tin khi có yêu cầu để có các đơn vị có cơ sở xử phạt theo quy định.

UBND thành phố cũng chỉ đạo các ban, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cùng hưởng ứng không thực hiện hành vi quảng cáo rao vặt trái phép làm mất mỹ quan đô thị.

Nhiều người dân cho rằng, việc xử lý tình trạng làm bẩn phố phường không chỉ trông chờ vào việc tuyên truyền, mà cần phải có những biện pháp hữu hiệu hơn, cần “mạnh tay” xử lý vi phạm.

Nhân Sơn
.
.