Ngăn chặn nạn xâm chiếm rừng tự nhiên trồng cây keo tràm

Thứ Tư, 23/06/2021, 08:29
Theo người dân xã Hương Phú, huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên- Huế, tình trạng lấn chiếm đất rừng tại khu vực tiếp giáp vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã để trồng cây keo đã xảy ra nhiều năm qua. Trước đây, những điểm rừng này bạt ngàn màu xanh của rừng tự nhiên. Tuy nhiên, hiện tại những diện tích rừng tự nhiên dần đã được thay thế bằng các rừng keo trồng khoảng 2 năm tuổi…


Từ phản ảnh của người dân, chúng tôi tiếp cận hiện trường thì thấy trong những rừng keo vẫn còn dấu vết của một số gốc cây rừng bị đốn hạ. Một người đàn ông (xin giấu tên) phản ánh, thủ đoạn của các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng rất tinh vi. 

Các đối tượng thường đẽo vỏ, hoặc đốt các gốc cây rừng để những cây chết dần, chết mòn. Trong quá trình đó, kết hợp với việc phát quang các bụi rậm xung quanh, những cây keo được trồng sẽ lớn dần thay thế các cây gỗ rừng tự nhiên đã chết. Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng việc đốt thực bì để khiến nhiều diện tích cây rừng giáp với vườn keo bị héo úa. Sau đó, âm thầm cho trồng keo thay thế… 

Qua trao đổi, ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, cho biết, khu vực xâm chiếm đất rừng tự nhiên để trồng cây keo đang xảy ra tại tiểu khu 370, thuộc xã Hương Phú. Sau khi tiếp nhận phản ánh, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với UBND xã Hương Phú lập tổ công tác kiểm tra hiện trường và xác định 3 tọa độ đều nằm trong một điểm vi phạm với diện tích 0,2ha. 

Trong diện tích này, người dân đã phát dọn dây leo, cây bụi và mới trồng keo trên đất rừng tự nhiên, nhưng chưa chặt hạ cây rừng. Bên cạnh đó có 2 điểm vi phạm khác, điểm thứ nhất với diện tích 0,1ha và điểm thứ thứ hai 0,15ha. Cả 2 điểm này đều bị luỗng phát dây leo, cây bụi và mới trồng keo, nhưng cũng chưa chặt hạ cây rừng. Tổng diện tích luỗng phát của các vị trí là 0,45ha. Tại hiên trường, có một số ít cây bị chặt hạ, đẽo võ và một số cây bị gãy đổ do bão. Tuy nhiên nguy cơ những cây rừng trên diện tích này bị chặt hạ để lấy đất là rất cao.

Thượng tá Nguyễn Huy Đông, Phó trưởng Công an huyện Nam Đông, cho biết thêm, Công an huyện cũng vừa phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và các ngành liên quan, xác định diện tích rừng phòng hộ tại xã Thượng Lộ bị chặt phá tại 2 khu vực với diện tích 4.350m2 và 4.100m2. Qua điều tra, Công an huyện xác định được 2 đối tượng (đều trú huyện Nam Đông) là thủ phạm gây ra 2 vụ phá rừng nói trên; các đối tượng đều khai nhận, nguyên nhân chặt phá rừng phòng hộ là để lấn chiếm đất trồng keo tràm. Công an huyện Nam Đông đã khởi tố vụ án hủy hoại rừng tại xã Thượng Lộ. 

Theo lực lượng chức năng, một phần nguyên nhân để xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ để trồng cây keo tràm là khu vực rừng phòng hộ nằm sát với rừng trồng của dân nên rất khó phát hiện. Trước đó, từ năm 2015 đến 2020, Công an huyện Nam Đông cũng đã khởi tố rất nhiều vụ án liên quan đến hành vi hủy hoại rừng. 

UBND huyện Nam Đông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, qua theo dõi ảnh viễn thám; lực lượng bảo vệ rừng cũng đã sớm phát hiện các điểm biến động rừng, thông báo về các vị trí có nguy cơ chặt phá rừng gửi các đơn vị chủ rừng, UBND xã và các cộng đồng. Lực lượng Kiểm lâm đã tổ chức hàng chục đợt kiểm tra ngăn chặn chặt phá rừng, xâm lấn rừng; đánh dấu, ghi cảnh báo tại các vị trí rừng có nguy cơ bị chặt phá... 

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho biết, sẽ phối hợp với chính quyền xã tập trung điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm; các diện tích rừng mới bị luỗng phát dây leo, cây bụi phải tổ chức tuần tra bảo vệ không để các đối tượng chặt hạ cây rừng, cắm các biển báo cảnh báo ngăn chặn chặt hạ cây rừng. Đồng thời, tổ chức lực lượng, yêu cầu cộng đồng thường xuyên tuần tra, truy quét để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng; hướng dẫn các chủ rừng là cộng đồng, hộ gia đình xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng, tổ chức thực hiện có hiệu quả diện tích rừng được giao...

Hải Lan
.
.