Doanh nghiệp méo mặt vì người dân lấp cổng, ngăn không cho hoạt động

Thứ Bảy, 17/09/2016, 10:26
Nửa tháng sau ngày hoạt động, Công ty TNHH Khai thác chế biến XNK Khoáng sản Việt Nam (Công ty Khoáng sản Việt Nam) chi nhánh tại lô 19, cụm công nghiệp Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương bị một số người dân dùng ôtô chở gạch đá, căng dây thép, lấp cổng, ngăn cản không cho công nhân ra vào nhà máy làm việc.


Sự việc bị đẩy lên cao khi người dân dựng 3 lều bạt bên ngoài nhà máy, cắt cử người trông coi 24/24h để ngăn chặn không cho vận chuyển nhu yếu phẩm và thiết bị sản xuất vào nhà máy khiến nhà máy phải tạm ngừng hoạt động từ ngày 13-9, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người lao động.

Công nhân phải trèo tường vào làm việc

Theo đơn phản ánh của ông Hà Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Khoáng sản Việt Nam gửi tới Báo CAND thì Công ty Khoáng sản Việt Nam được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 30-12-2010 và Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp mã số vào ngày 12-12-2014. 

Nhà máy đạt đủ tiêu chuẩn và đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép đi vào hoạt động chính thức ngày 13-8-2016 đến nay rất ổn định về công nghệ, các chỉ số về môi trường đều đạt ngưỡng an toàn cho phép.

Người dân lấy gạch đá, dựng lều lán lấp kín cổng ra vào của công ty.

Tuy nhiên, trưa 3-9, một số người dân ở khu 5 và khu 7, thị trấn Phú Thứ đã dùng xe ôtô không BKS đổ gạch đá, căng dây thép, lấp cổng ra vào của công ty, cho người ngăn chặn tất cả các ngả đường, lối vào để ngăn cản không cho công nhân vào làm việc; không cho mang đồ ăn, nước uống, nguyên liệu sản xuất vào công ty. Đặc biệt, một số người còn có hành vi chửi bới, xúc phạm, đe dọa, xô đẩy giằng co một số người làm trong nhà máy.

“Chúng tôi đã phải tạm ngừng sản xuất vì không có nguyên liệu. Công nhân không dám ra vào, thậm chí họ phải trèo tường để vào nhà máy làm việc. Đây là hành vi coi thường kỷ cương pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của công ty cũng như công nhân lao động trong nhà máy, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc giải quyết dứt điểm để đảm bảo an toàn cho con người, tài sản của công ty và để nhà máy hoạt động trở lại”- ông Hoàng bức xúc cho biết.

Có mặt tại thị trấn Phú Thứ để tìm hiểu sự việc, chúng tôi thấy trên đường vào Công ty Khoáng sản Việt Nam có 3 chiếc lều dựng ở phía ngoài. Ngay cổng ra vào công ty là một dãy gạch đá lấp kín, bên cạnh là chiếc lều bạt. Phía đối diện cổng quây một chiếc lều, bên trong có khoảng 6 phụ nữ. Khi chúng tôi hỏi chuyện, họ đều cho biết mình là người dân sinh sống ở khu 5 và khu 7 thị trấn Phú Thứ.

Giải thích lý do quây lều, lấp cổng công ty, họ đều nói “do nhà máy hoạt động xả ra mùi khét khó chịu gây ô nhiễm môi trường nên để bảo vệ sức khỏe của mình, cho con cháu đời sau nên chúng tôi làm thế này để công ty phải đóng cửa”. Theo người dân ở đây thì nhiều năm nay họ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhiều nhà máy, xí nghiệp thải ra. Ngay khi Công ty Khoáng sản Việt Nam đi vào sản xuất được 2 ngày, người dân đã có đơn khiếu nại và đến ngày 3-9 thì tự ý mang đất đá lấp cổng công ty.

Cần sớm xử lý

Sự việc đã hơn 10 ngày trôi qua, doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm đã gây xáo trộn toàn bộ hoạt động của công ty.

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì một bộ phận công nhân do lo sợ bị đe dọa đã không dám đi làm, một số thì phải trèo tường để vào làm việc. Trao đổi với phóng viên Báo CAND về việc này, Trung tá Phạm Chí Hiếu, Trưởng Công an huyện Kinh Môn cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin, Công an huyện đã phân công lực lượng có mặt tại hiện trường để ổn định tình hình ANTT. Từ ngày 3-9 đến nay, Công an huyện luôn có một tổ công tác 24/24h tại hiện trường để đảm bảo ANTT”.

Theo điều tra của Công an huyện Kinh Môn thì khoảng 11h ngày 3-9 tại cổng Công ty Khoáng sản Việt Nam có một xe ôtô tải hiện chưa xác định được BKS và người điều khiển đổ khoảng 7m3 đất, đá chặn cổng ra vào của công ty. Sau đó khoảng 8 đến 10 người dân thuộc khu 7, thị trấn Phú Thứ có mặt, tiếp tục vận chuyển đất, đá để chắn cổng ra vào của công ty. Số người này đã có hành động ngăn cản, không cho công nhân của công ty đến làm việc giao ca lúc 14h.

Tại thời điểm đông nhất, số người tập trung khoảng 50 người. Sau khi dựng lều bạt, họ cắt cử khoảng 10 người có mặt để trông coi. Mục đích của những người này là yêu cầu công ty dừng hoạt động và kiến nghị với các cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết yêu cầu, kiến nghị của nhân dân.

Ngày 6-9, người dân vẫn tiếp tục tập trung đông người và dựng thêm lều bạt trước cổng công ty yêu cầu công ty dừng hoạt động. Tối cùng ngày, ông Hà Quang Hoàng là Giám đốc công ty cùng với lái xe và một số công nhân ra xô lều bạt tại đống đất trước cổng công ty và đôi co với khoảng 50 người.

Sau đó có bà Nguyễn Thị Sanh, 79 tuổi là người trông coi lều bạt kêu bị thương nhẹ, được đưa đi bệnh viện điều trị. Các đối tượng tiếp tục dựng lều bạt bị xô đổ và xếp đá xung quanh chặn xe ôtô của ông Hoàng. Công an huyện đã giải tán đám đông, ổn định tình hình, không để xảy ra sự việc phức tạp về ANTT.

Theo Công an huyện Kinh Môn thì đến nay người dân đã dựng 3 lều bạt trước cổng công ty, vào buổi tối có khoảng 10 người ngủ lại trông lều bạt, ngăn cản công nhân ra làm việc giao ca, có những lời nói, hành động thô tục, xúc phạm công nhân và lãnh đạo công ty; tổ chức người đánh kẻng khi lực lượng chức năng đến làm việc và có tình hình mới. “Công an huyện tiến hành điều tra ngay từ ban đầu, làm việc với nhà máy, người bị thương, thu tập tài liệu, chứng cứ. Quan điểm của Công an huyện là giải quyết dứt điểm, không để tình hình phức tạp, xử lý nghiêm  theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo phát triển kinh tế và yếu tố môi trường” – Trung tá Phạm Chí Hiếu khẳng định.

Trả lời câu hỏi vì sao sự việc kéo dài hơn mười ngày qua mà đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết, năm 2013, khi công ty vận hành thử, người dân đã có đơn khiếu nại và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra đã ra quyết định xử phạt 270 triệu và yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động.

Ngày 13-8-2016, công ty có thông báo với huyện, thị trấn tiếp tục vận hành sản xuất thì ngày 15-8 người dân có đơn kiện. Huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng làm việc với công ty, đối thoại với dân nhưng người dân kiên quyết yêu cầu công ty tháo dỡ ra khỏi địa bàn.

“Để giải quyết vấn đề này, mấu chốt vẫn là xem công ty có gây ô nhiễm môi trường hay không, ô nhiễm ở mức độ nào? Cái này thì phải chờ kết quả quan trắc của cơ quan chức năng. Huyện đã có báo cáo lên UBND tỉnh, Sở TN&MT, Bộ TN&MT cần sớm có kết luận về tác động môi trường của công ty để chúng tôi xử lý công bằng, sớm ổn định sản xuất của doanh nghiệp và đời sống nhân dân” – bà Liễu cho biết.

Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã giao cho Sở TN&MT tổ chức buổi làm việc để rà soát các điều kiện hoạt động của Công ty Khoáng sản Việt Nam. Theo kết quả buổi làm việc ngày 10-9 thì công ty hoạt động có đầy đủ hồ sơ pháp lý, báo cáo đánh giác tác động môi trường và khảo sát thực tế không có vi phạm nào liên quan đến khí thải, nước thải, không khí.

Trong khi chờ kết quả quan trắc của cơ quan chuyên môn, thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cần sớm có giải pháp xử lý vụ việc dứt điểm, giải tỏa các hành vi tự ý lập lều lán, lấp cổng để công ty hoạt động trở lại, đảm bảo ANTT, ổn định đời sống của nhân dân cũng như công nhân lao động.

Bà Nguyễn Thị Liễu (Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn): “Chúng tôi không thoái thác trách nhiệm. Sự việc này lỗi của ai thì người đó chịu trách nhiệm. Huyện đã tập trung tuyên truyền, giải thích với dân về những hành vi đó là vi phạm pháp luật, vận động bà con kiên nhẫn chờ cơ quan chức năng xử lý, giải quyết. Phía công ty cũng phải bình tĩnh, chờ cơ quan chức năng vào cuộc”.

Trần Hằng – Xuân Mai
.
.