Vì sao văn phòng công chứng trái phép ngang nhiên hoạt động làm giả hàng trăm hồ sơ

Thứ Hai, 01/10/2018, 08:22
Ngày 30-9, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết đã có văn bản khẩn gửi Bộ Tư pháp, UBND TP Hồ Chí Minh, Công an quận 9, Công an TP Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân, UBND các quận, huyện báo động, ngăn chặn tình trạng làm giả giấy tờ. 


Động thái này bắt nguồn từ vụ việc trước đó Thanh tra Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận 9), Phòng Kinh tế quận 9, UBND phường Hiệp Phú, Văn phòng Công chứng (VPCC) quận 12 kiểm tra đột xuất VPCC Sao Bắc Đẩu (số 229 đường Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9, TP Hồ Chí Minh).

Thời điểm kiểm tra, tại VPCC này có 3 nhân viên gồm bà N.T.K.N (người quản lý các con dấu, trực tiếp thực hiện các việc công chứng, chứng thực) và 2 nhân viên khác.

Trụ sở Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu.

Theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, bà N giao nộp các con dấu “Công chứng viên”, dấu “Chứng thực sao y đúng với bản chính”, dấu “Sao y bản chính”, dấu “Bản sao”; dấu tên “Nguyễn Thế Thành” nhưng không giao nộp dấu tròn “VPCC quận 12” và các tài liệu đã công chứng, chứng thực. Bà N thừa nhận bà có lưu giữ các con dấu trên tại văn phòng do công chứng viên Nguyễn Thế Thành cung cấp, riêng con dấu VPCC quận 12 do ông Thành mang đến đóng dấu vào hợp đồng, giao dịch.

Cũng theo bà N thời điểm đó bà đang hoàn tất thủ tục cấp giấy đăng ký hoạt động VPCC Sao Bắc Đẩu. Do hồ sơ chưa hoàn tất nên bà ký hợp đồng làm chi nhánh, đại diện cho VPCC quận 12 thông qua công chứng viên Nguyễn Thế Thành. Theo đó, khi có khách đến công chứng, người ở văn phòng sẽ soạn thảo hợp đồng, giao dịch, sau đó gọi Thành mang con dấu chứng thực của VPCC quận 12 đến đóng. Toàn bộ phần mềm soạn thảo hợp đồng cũng được Thành giới thiệu để bà N mua với giá 6 triệu đồng…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng VPCC quận 12 khẳng định văn phòng không có ai và không hợp tác với ai tên Nguyễn Thế Thành hay bà N như lời bà N trình bày. Con dấu của VPCC quận 12 do ông Vũ quản lý và ông cam kết chỉ có một con dấu, thực hiện đăng ký mẫu dấu và được Công an TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu ngày 16-3-2016. Con dấu của VPCC quận 12 được lưu trữ, quản lý tại văn phòng và không được phép mang ra ngoài.

Đồng thời, theo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, VPCC Sao Bắc Đẩu hoạt động trái phép, bởi tất cả tổ chức hành nghề công chứng tại TP Hồ Chí Minh đều được niêm yết trên website của Sở Tư pháp. Qua công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công chứng, Sở xác định VPCC Sao Bắc Đẩu chưa được đăng ký hoạt động tại Sở, chưa được cấp giấy phép hành nghề công chứng. Ngoài ra, bước đầu xác định văn phòng này có dấu hiệu làm giả và sử dụng con dấu của VPCC quận 12. Và qua rà soát hồ sơ quản lý tại Sở và Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng tại TP Hồ Chí Minh không có tên công chứng viên Nguyễn Thế Thành đăng ký hoạt động hành nghề.

Điều đáng nói, qua kiểm tra cho thấy, các cá nhân, tổ chức vi phạm này đã công chứng, chứng thực khoảng 600 hồ sơ vụ việc (căn cứ theo số chứng thực trên bản sao thu được). Hầu hết các văn bản công chứng, chứng thực bản sao sử dụng con dấu được cho là của VPCC quận 12 do công chứng viên Nguyễn Thế Thành ký tên.

Theo lãnh đạo Thanh tra Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, thực tế con số các hồ sơ được VPCC giả này chứng thực có thể nhiều hơn, do Sở Tư pháp hiện vẫn chưa thu được hết số hồ sơ văn phòng này đã chứng thực.

Về hậu quả pháp lý của 600 hồ sơ vụ việc được VPCC Sao Bắc Đẩu công chứng, chứng thực, theo ông Phan Việt Trung, Phó Chánh thanh tra Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, hiện Sở đang làm báo cáo gửi UBND TP Hồ Chí Minh có phương hướng xử lý đối với các hồ sơ đã công chứng, chứng thực.

Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu sử dụng con dấu giả của Văn phòng công chứng  quận 12.

Với tất cả các dấu hiệu, hành vi vi phạm nêu trên, ngay sau đó, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chuyển hồ sơ đến Công an quận 9 đề nghị điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Chiều 28-9, Công an quận 9 cũng khẳng định sẽ sớm khởi tố điều tra khi xác định các con dấu, giấy tờ của cơ sở này có dấu hiệu bị làm giả.

Từ những thông tin ban đầu cho thấy vụ việc đã không được phát hiện sớm. Đây là một bài học để các cơ quan có thẩm quyền phải sâu sát hơn trong quản lý hoạt động công chứng, một ngành nghề kinh doanh đặc biệt mà nếu có vi phạm sẽ gây ảnh hướng lớn đến rất nhiều người trong xã hội.

Theo Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, vụ việc VPCC giả mạo này để lại những hậu quả không lường hết được, khi các giao dịch tại VPCC này tiếp tục được giao dịch bởi nguy cơ sẽ vô hiệu, không được pháp luật thừa nhận. Đồng thời, các giao dịch, hồ sơ về các tài sản liên quan đến VPCC này đã được đưa ra giao dịch trong xã hội cũng sẽ phát sinh nhiều tranh chấp, gây thiệt hại cho các bên; trong khi những người lừa đảo đã hoàn tất được thủ đoạn lừa đảo của mình, chỉ thiệt hại cho những người ngay thẳng, giao dịch cuối… Đó là chưa kể còn những hệ lụy khác như những bằng cấp, giấy tờ, hồ sơ, chữ ký sao y bị làm giả...

“Tại sao một VPCC giả tồn tại một thời gian, chứng thực hàng trăm hồ sơ mà không bị phát hiện? Đó là dấu hỏi mà cơ quan chức năng cần trả lời cho dư luận. Về trách nhiệm, sau khi có kết quả điều tra cụ thể, đó sẽ là căn cứ xác định được trách nhiệm của cơ quan, cá nhân nào. Theo tôi, những hành vi trên có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo, hoặc tội làm giả tài liệu, con dấu, cơ quan tổ chức. Cơ quan chức năng cần sớm khởi tố vụ án để điều tra có căn cứ khởi tố bị can theo quy định”.

Hiện, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã thông tin đến các cơ quan, tổ chức biết về vụ việc để không tiếp nhận sử dụng các văn bản công chứng, chứng thực có liên quan đến VPCC này. Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các cơ quan khi phát hiện cá nhân, tổ chức có sử dụng các giấy tờ trên thì phối hợp thông tin đến Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng thành phố (số 25/5 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, điện thoại: (028) 38115818).

Phú Lữ
.
.