Cần di dời khẩn cấp hơn 3.000 cột điện “mọc” giữa đường

Thứ Hai, 14/08/2023, 07:00

Chủ yếu những cột điện này được “sinh ra” trong quá trình mở rộng đường, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cột điện nằm giữa đường không những làm mất mỹ quan và còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn về điện, không đảm bảo an toàn giao thông.

Khoảng 8h30 sáng 2/8, anh N.V.C (SN 1993), ở phường Quảng Phú, TP Thanh Hóa. điều khiển xe máy BKS 36B7-112.51 lưu thông theo hướng xã Hoằng Sơn đi xã Hoằng Kim (huyện Hoằng Hóa) thì bất ngờ tông vào cột điện giữa đường dẫn tới tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn giao thông nói trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông qua các cung đường lạ, cung đường đang có cột điện giữa đường chưa di chuyển; vụ tai nạn giao thông cũng cảnh báo về trách nhiệm của chính quyền các địa phương, các đơn vị quản lý, vận hành dự án, thi công công trình chưa giải phóng xong mặt bằng.

Người dân địa phương cho hay, trước đây, tuyến đường xã Hoằng Kim nối xã Hoằng Sơn nhỏ hẹp, hàng cột điện nằm một bên lề đường. Từ khi có dự án nâng cấp mở rộng, tuyến đường này mặt đường rộng gấp đôi và hàng cột điện (3 cột) nằm ngay giữa đường, mất an toàn giao thông.

Cần di dời khẩn cấp hơn 3.000 cột điện “mọc” giữa đường -0
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn hơn 3.000 cột điện giữa đường cần di dời gấp.

Được biết, dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường Hoằng Kim nối xã Hoằng Sơn có tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư. Hiện tại, tuyến đường vừa thảm xong lớp mặt.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đến ngày 26/7/2023, tổng số cột điện nằm trong lòng đường sau khi mở rộng đường giao thông là 11.575 cột điện. Trong đó, có 242 cột điện trung thế, 11.333 cột điện hạ thế. Đến nay, tổng số cột điện đã thực hiện di chuyển là 8.455 cột điện (gồm: 8.300 cột điện hạ thế; 145 cột điện trung thế do UBND các huyện, thị xã, thành phố di chuyển; Công ty Điện lực Thanh Hoá đã thực hiện di chuyển 10 cột điện trung thế). Tổng số cột điện chưa thực hiện di chuyển là 3.120 cột điện (bao gồm: 3.033 cột điện hạ thế; 87 cột điện trung thế). Trong đó: UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện di chuyển là 3.033 cột điện hạ thế, 82 cột điện trung thế và Công ty Điện lực Thanh Hoá chưa thực hiện 5 cột điện trung thế. Những địa phương có nhiều cột điện chưa di chuyển, như: huyện Yên Định còn 1.173 cột, Hậu Lộc 293 cột, thị xã Nghi Sơn 61 cột, Cẩm Thủy 80 cột, Như Thanh 53 cột, Thiệu Hóa 243 cột, Quảng Xương 400 cột…

Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, nguyên nhân khiến việc thực hiện di dời các cột điện nằm trong lòng đường còn chậm là do số lượng di chuyển cột điện nhiều mà kinh phí để thực hiện việc di chuyển lại quá lớn. Nguồn vốn ngân sách của UBND các huyện, đặc biệt là UBND các xã nguồn vốn ngân sách lại rất hạn hẹp. Mặt khác, nguồn thu từ tiền sử dụng đất năm 2023 giảm, nên một số huyện chưa bố trí đủ nguồn vốn. Bên cạnh đó, số lượng cột điện chưa thực hiện di dời chủ yếu nằm ở các xã đã đăng ký chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…), trong giai đoạn 2023 - 2025 và các dự án xây dựng nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường giao thông nông thôn đã được các địa phương xây dựng phương án, lập dự toán để thực hiện di chuyển các cột điện hạ thế. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn để triển khai thực hiện di chuyển.

Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, Ban quản lý dự án đầu tư huyện, các Tổ chức quản lý kinh doanh điện trên địa bàn xây dựng phương án, bố trí nguồn kinh phí, lồng ghép vào các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông nông thôn để di dời các cột điện nằm trong lòng đường giao thông.

Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng cột điện nằm trên lòng đường trong quá trình mở rộng đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn cho nhân dân, Sở Công Thương Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty Điện lực Thanh Hóa khẩn trương thực hiện việc di dời các cột điện nằm trong lòng đường giao thông và giải quyết dứt điểm tình trạng trên trước ngày 31/12/2023, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương trước ngày 5/1/2024 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Sau thời điểm trên, UBND các huyện, thị xã, thành phố không thực hiện xong việc di dời các cột điện nằm trong lòng đường giao thông sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Trả lời báo chí, ông Hoàng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa, cho biết: Ngành điện ủng hộ việc di chuyển các hàng cột điện ra khỏi lòng đường để đảm bảo an toàn. Ngay khi chính quyền địa phương, chủ đầu tư có văn bản đề nghị, công ty sẽ cho khảo sát, đồng ý về mặt chủ trương. Sau đó chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn thiết kế để điện lực thẩm định, phối kết hợp, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, cắt, đóng điện đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn.

Trần Thắng
.
.