Chưa có sổ cho dân vì địa phương… lúng túng (?)

Thứ Hai, 08/05/2023, 08:25

Thời gian qua, nhiều người mang theo băng rôn, liên tục đến khu vực dự án hoặc trụ sở Công ty CP ĐTXD & PTHH Nam Việt Á (Đà Nẵng) đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) một số lô đất thuộc khu số 4 mở rộng - Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) do đơn vị này làm chủ đầu tư.

Theo phản ánh của người dân, dự án có cả ngàn lô đất được cấp sổ, nhà cửa đã xây kín 70-80%. Tuy nhiên, còn 78 lô đất ven trục đường 15m Trần Hoành thuộc block B2.11, B2.12 nhiều năm qua vẫn chưa có sổ, mặc dù công ty đã hứa hẹn nhiều lần.

Bà Nguyễn Thị Hồng (trú tổ 23 phường Khuê Mỹ) cho biết, gia đình thuộc diện giải tỏa đền bù, nhường hơn 300m2 đất để thực hiện dự án khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn. Cả gia đình 8 nhân khẩu phải đi ở nhà thuê. Với nguyện vọng được sinh sống trên mảnh đất cũ, năm 2018, vợ chồng bà Hồng đã bán lô đất được bố trí tái định cư ở ven biển để mua lại 1 lô đất diện tích 100m2 trục đường Trần Hoành dưới hình thức góp vốn.

Theo hợp đồng, trong vòng 18 tháng, Công ty Nam Việt Á có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục, ưu tiên thực hiện chuyển nhượng lô đất cho vợ chồng bà Hồng. Cuối năm 2019, trục đường Trần Hoành đã được xây dựng khang trang, hệ thống điện, nước, vỉa hè, cống thoát đầy đủ. Bà Hồng phấn khởi liên hệ để ra công chứng thì được Công ty đề nghị chờ thêm một thời gian, sau đó kéo dài đến nay đã 4 năm.

ct2.jpg -0
Khách hàng mang theo băng rôn yêu cầu Công ty Nam Việt Á giao sổ hồng.

Không chỉ những người có nhu cầu mua đất trục đường Trần Hoành để xây nhà đang “dài cổ” chờ sổ, nhiều người mua đất để dành hoặc đầu tư cũng điêu đứng vì đất chưa được cấp sổ. Vợ chồng chị Trần Thị Thu Hương (trú tỉnh Phú Thọ) cho biết năm 2019, khi bất động sản lên cơn sốt giá, gia đình đã thế chấp căn nhà để vay vốn, mua một lô đất trục đường Trần Hoành.

Gần 4 năm lô đất vẫn chưa có sổ nên muốn “cắt lỗ” để trả nợ ngân hàng cũng không được vì giờ không ai dám mua. “Chúng tôi ở xa, mỗi lần vào Đà Nẵng để đòi sổ tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí đi lại. Đề nghị chính quyền vào cuộc, cùng công ty giải quyết dứt điểm, không để vướng mắc kéo dài làm khổ dân” - chị Hương và nhiều khách hàng đề nghị.

Trao đổi với Báo CAND, ông Võ Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty ĐTXD&PTHT Nam Việt Á khẳng định doanh nghiệp không tránh né trách nhiệm của chủ đầu tư đối với khách hàng. Ông Bằng cho biết, tháng 9/2010, sau khi được UBND TP Đà Nẵng giao 34,5ha đất để thực hiện dự án, Công ty đã nộp đủ số tiền sử dụng đất đối với toàn bộ dự án là hơn 134 tỷ đồng.

Tháng 3/2011, Hội đồng giải phóng mặt bằng TP Đà Nẵng đã bàn giao đất thực tế cho công ty để triển khai xây dựng là 33,24ha (chiếm 96,3%). Từ năm 2011-2012, công ty đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện chuyển nhượng hết các lô đất ở. Phần diện tích 1,26ha còn lại của dự án (chiếm 3,7%), do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên đến năm 2019 mới bàn giao đất thực tế cho Công ty.

Sau khi nhận bàn giao mặt bằng 1,26ha đất này, Công ty đã khẩn trương thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thông tuyến đường Trần Hoành dịp 30/4/2019. Tuy nhiên, việc cấp sổ cho 78 lô đất bị đình trệ. Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, tại Điều 20 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định thời điểm xác định giá đất theo thời gian bàn giao đất thực tế, trong khi chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất trước đó gần 9 năm. Vì vậy Sở phải tham mưu UBND TP Đà Nẵng xin ý kiến hướng dẫn của Bộ TN&MT. Ngày 27/1/2021, Tổng cục Quản lý đất đai (được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ) đã có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng xác định diện tích 1,26ha nói trên “chậm bàn giao mặt bằng là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước nên không xác định lại giá”.

Để chắc chắn hơn nữa, ngày 11/2/2022, UBND thành phố tiếp tục có Báo cáo số 41/BC-UBND gửi Thanh tra Chính phủ, đề xuất xem xét, thống nhất cho phép không xác định lại giá đất đối với diện tích 1,26ha bàn giao cho Công ty Nam Việt Á vào năm 2019. Đồng thời UBND TP Đà Nẵng cũng xin ý kiến Thanh tra Chính phủ là trước khi thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với phần diện tích nói trên, yêu cầu Công Nam Việt Á phải thực hiện nộp gần 45 tỷ đồng do giá đất được phê duyệt năm 2010 thấp hơn giá của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố. Đến nay, Thanh tra Chính phủ chưa có văn bản phản hồi về những kiến nghị này...

Tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại Đà Nẵng ngày 2/12/2022, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân có ý kiến: “Đối với các dự án không thuộc trường hợp xác định lại giá đất theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, đã xin ý kiến Bộ TN&MT, được Bộ TN&MT giao cho Tổng cục Quản lý đất đai trả lời thì thực hiện theo nội dung hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không phải hỏi lại ý kiến Thanh tra Chính phủ”. “Đối với các dự án đã có hướng dẫn bằng văn bản của các bộ, ngành hoặc được hướng dẫn trực tiếp tại buổi làm việc của Tổ công tác, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan có liên quan nhanh chóng, quyết liệt triển khai thực hiện”.

Đại diện khẳng định Công ty Nam Việt Á đã thực hiện đúng các chủ trương, quyết định của UBND thành phố trong việc thực hiện dự án khu số 4 mở rộng - Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn. Mặc dù dự án này không nằm trong 46 dự án mà Thanh tra Chính phủ kiểm tra, nêu ra trong Kết luận 2852 ngày 2/11/2012.

Tuy nhiên, Công ty chấp nhận và đã nộp vào ngân sách số tiền 10% đã được giảm do sớm nộp đủ tiền sử dụng đất trước thời hạn quy định, (theo chính sách của TP Đà Nẵng vào thời điểm đó) với số tiền gần 14,5 tỷ đồng. Về chênh lệch số tiền sử dụng đất gần 45 tỷ đồng do UBND TP Đà Nẵng phê duyệt trước đây thấp hơn giá đất của Hội đồng thẩm định giá, Công ty Nam Việt Á cũng đồng ý nộp vào ngân sách và đề nghị nhiều lần nhưng thành phố lại không thu.

“Mục tiêu đích cuối cùng của Công ty là 78 lô đất được cấp sổ hồng để giao cho người dân, nhất là đối với 30 trường hợp có nhu cầu bức thiết về chỗ ở. Nếu Cục Thuế thành phố có thông báo nộp tiền, công ty sẵn sàng nộp tiền ngay. Chúng tôi mong mỏi lãnh đạo TP Đà Nẵng và sở, ngành liên quan sớm giải quyết các vướng mắc để cấp sổ cho người dân, tránh tình trạng người dân tập trung đông người đòi sổ, gây mất ANTT, ảnh hưởng đến uy tín công ty, đến môi trường đầu tư của thành phố cũng như ảnh hưởng đến Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc đang thuê trụ sở tại Công ty”- ông Võ Công Bằng chia sẻ.

Nhiều năm qua, TP Đà Nẵng đã nỗ lực rất lớn để tháo gỡ, xử lý, khắc phục hậu quả các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách hoặc sai phạm trong quản lý đất đai đã được nêu ra trong Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, do cách hiểu, cách vận dụng các quy định pháp luật chưa thống nhất cùng với tâm lý lo ngại, sợ sai, muốn an toàn.

Vì vậy, kết quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn, nguồn vốn đầu tư bị ách tắc, nguồn lực đất đai chưa được khơi thông, đồng thời phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khác. Rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân cần sự quyết liệt, nhất quán hơn nữa của các ngành các cấp và chính quyền địa phương để giải quyết những bất cập này.

An Bằng
.
.