Đi tìm nguyên nhân tiền hỗ trợ không đúng đối tượng

Thứ Tư, 27/10/2021, 10:04

Trong đợt dịch COVID-19 thứ 4, TP Hồ Chí Minh có 3 lần hỗ trợ tiền cho người dân khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên đến nay vẫn người nhận người không, gây bức xúc trong nhân dân. Thậm chí có cả tình trạng hỗ trợ không đúng đối tượng.

Qua rà soát, đối chiếu trên hệ thống dữ liệu, cơ quan chức năng phát hiện 713 trường hợp tại huyện Hóc Môn kê khai không chính xác để nhận tiền hỗ trợ đợt 3. Trong đó có những trường hợp kê khai không trung thực khi khai báo hai nơi ở để nhận hỗ trợ hai lần, dùng chứng minh nhân dân khai báo ở nơi này nhưng dùng căn cước công dân khai báo ở nơi khác để phần mềm app an sinh không phát hiện. Có trường hợp nhận tiền hỗ trợ khi vẫn đang hưởng lương.

Quận 11 cũng phát hiện nhiều trường hợp nhận hỗ trợ đợt 3 bị trùng thông tin; một số người có việc làm, tham gia Bảo hiểm xã hội, đang nhận lương nhưng không khai báo; nhiều người khá giả, không thực sự khó khăn nhưng cũng được hỗ trợ.

Quận Gò Vấp cũng phát hiện nhiều người đang tham gia bảo hiểm xã hội, đang nhận lương từ doanh nghiệp vẫn đăng ký nhận hỗ trợ...

Nhiều người dân cho rằng, mẫu kê khai thông tin là do tổ trưởng gửi cho các hộ dân tự điền thông tin. Mẫu đã thiết kế sẵn, người dân điền vào và nộp lại cho chính quyền phường, xã, quận, huyện rà soát đối chiếu để duyệt chi. Các quy định cụ thể về gói hỗ trợ không phải ai cũng nắm rõ, phát phiếu kêu người dân điền thông tin thì họ điền. “Nếu người dân kê khai đúng thông tin (không gian lận địa chỉ số CCCD,...) thì lỗi không phải của họ, còn việc chi sai là do trách nhiệm của cán bộ và hệ thống duyệt, việc này không thể đổ lỗi do người dân nhận nhầm”, ông Chí Công ở TP Hồ Chí Minh nói.

Điều này cũng cho thấy nếu tổ trưởng phát phiếu thì phải biết người dân trong tổ thuộc diện được phát, nếu trường hợp không thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ thì sao lại phát phiếu, không thể phát phiếu bừa cho tất cả mọi người. Có thể tổ trưởng không nắm hết người dân trong tổ thuộc diện được hay không được nhận hỗ trợ nhưng UBND xã, phường cũng không nắm thì sao có thể quản lý dân cư?

Bên cạnh vẫn còn nhiều người thuộc diện khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ. Vợ chồng ông Lê Văn Ba (sinh năm 1950, quê ở tỉnh Long An) và bà Phạm Thị Hồng Hường (sinh năm 1960, quê ở tỉnh Bạc Liêu) hiện ở trọ tại số 33/1D Nguyễn Thị Huê, ấp Đông Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn chưa được nhận hỗ trợ tiền lần nào, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh thuộc diện được nhận hỗ trợ.

Trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương triển khai hỗ trợ các đợt còn chậm; có tình trạng cho người dân ký vào danh sách nhận tiền, nhưng lại nhận túi quà an sinh… Đặc biệt, khi triển khai hỗ trợ tiền đợt 3 thì nhiều người dân đã tìm đường về quê vì nhiều lý do.

Khắc phục tình trạng này để việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, không bỏ sót người nào, theo luật sư Phạm Văn Thạnh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, thành phố cần yêu cầu cơ quan Bảo hiểm xã hội chủ động thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi triển khai thực hiện, bảo đảm chi trả, giải quyết cho người dân, người lao động thuận lợi, kịp thời, đúng quy định, giải quyết bằng cách chuyển khoản.

Đối tượng người lao động tự do, người nghèo, người tạm trú tại các nhà trọ... thì chính quyền địa phương chỉ đạo các tổ, khu phố, ấp để các tổ trưởng nhanh chóng triển khai lập danh sách bà con trên địa bàn do mình quản lý chính xác, đúng đối tượng và chịu trách nhiệm vấn đề này, rồi chuyển cho phường, xã duyệt danh sách.

Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, hiện nay các địa phương đang rà soát lại tất cả các đối tượng nêu nhận tiền, đồng thời kêu gọi những người không đúng đối tượng nhưng đã nhận tiền tự giác nộp lại tiền cho ngân sách. Thành phố cũng đang sử dụng công nghệ thông tin để rà soát đối chiếu các trường hợp khai gian dối, kê khai không trung thực để có hướng xử lý nghiêm.

Ông Nguyễn Văn Lâm cũng cho biết, ngày 16/10, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức 3 đoàn kiểm tra tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Sáng 26/10, UBND thành phố tổ chức họp để quán triệt cách tổ chức thực hiện kiểm tra. Từ ngày 1/11 - 15/11, các đoàn triển khai thực hiện kiểm tra ở các quận,  huyện và TP Thủ Đức. Từ ngày 16/11 - 20/11, các đoàn tổng hợp báo cáo UBND thành phố. Đến ngày 23/11, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu báo cáo tờ trình cho UBND thành phố để trình HĐND thành phố.

Qua 5 tháng dịch bệnh căng thẳng, việc hỗ trợ người dân chưa kịp thời, còn xảy ra nhiều bất cập cho thấy ngành chức năng của thành phố còn lúng túng, không lường trước được tình hình, không có dữ liệu về an sinh xã hội, đụng đâu làm đấy. Do vậy, ngay cả khi sử dụng công nghệ thông tin để người dân khai thông tin đều bị quá tải, ngay cả app an sinh của thành phố bị lỗi một thời gian mới phát hiện để chỉnh sửa.

Nguyễn Cảnh
.
.