1001 chuyện về hổ

Thứ Bảy, 30/01/2010, 22:20
Theo cách tính dân gian, năm 2010 là năm Canh Dần, năm con hổ (hay còn gọi là "Ông Ba Mươi"). Tuy là “chúa sơn lâm”, nhưng hổ đang trên đà bị diệt vong bởi sự truy sát tới cùng kiệt của con người vì sự hữu dụng của chúng. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại chùa Kanchanaburi, Thái Lan (chùa Pa Luang Ta Bua ở tỉnh Kanasampanno) lại giúp mọi người có một cách nhìn khác về vấn đề này.

Từ ngôi chùa nuôi hổ tại Thái Lan...

Chùa Kanchanaburi nằm cách thủ đô Bangkok khoảng 120 km về phía tây bắc. Tính đến nay, chùa Kanchanaburi là một trong ít nơi trên thế giới cho phép du khách đến thăm được sờ vào hổ. Đã có rất nhiều du khách chụp ảnh và đùa nghịch với hổ trong tâm trạng phấn khích. Chỉ mới nuôi hổ được khoảng 10 năm (1999-2009), nhưng đến nay chùa Kanchanaburi đã trở thành điểm thu hút khách thập phương bởi những điều kỳ lạ đang diễn ra tại đây.

Được biết, chùa Kanchanaburi bắt đầu nuôi hổ sau khi có người đưa tới 1 con hổ con bị thương vì mẹ nó bị thợ săn bắn hạ. Sau đó, nhiều người dân địa phương cũng mang hổ con bị mất mẹ tới chùa, nhờ các nhà sư nuôi. Từ đó, nhiều người đã gọi chùa bằng cái tên "Đền Hổ" hay "Chùa Cọp". Hiện chùa Kanchanaburi đang nuôi 34 con hổ và hàng ngày chúng được các nhà sư chăm sóc chu đáo.

Theo ước tính, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 du khách viếng thăm chùa Kanchanaburi với mục đích khác nhau, song tựu trung đều muốn tận mắt chứng kiến những gì từng nghe về những "Ông Ba Mươi" tại đây. Đa số du khách từng quay phim, chụp hình, thậm chí vuốt ve "Ông Ba Mươi" đều cho rằng, những con hổ ở chùa Kanchanaburi có phần khác với hổ đã được thuần hóa ở các khu vực khác.

Thậm chí có người từng đặt câu hỏi, phải chăng những con hổ đang được nuôi tại đây đã bị "bỏ bùa mê, thuốc lú". Nhưng các thắc mắc này lập tức được chính những người từng có tư tưởng tương tự bác bỏ như cô Steinhardt, anh Robyn Shelby, kể cả phóng viên ABC News… Những ai từng đến thăm chùa Kanchanaburi đều có chung cảm giác ngạc nhiên, thích thú khi được tận mắt nhìn thấy các vị sư cho “Chúa sơn lâm” ăn, vuốt ve chúng hay dắt đi chơi như một con vật nuôi trong nhà.

Được biết, những con hổ được sinh ra tại đây đều được nuôi dưỡng theo một nguyên tắc, đó là tách khỏi mẹ sau khi chào đời 3 tuần. Theo giới chuyên môn, cách làm kể trên đã giảm thiểu rất nhiều tính hoang dã của hổ. Phải chăng đây cũng là bí quyết khiến cho những con hổ được nuôi tại chùa Kanchanaburi đều trở nên ngoan ngoãn, biết vâng lời, không hung dữ và nguy hiểm như đồng loại của chúng. Tuyệt đại đa số hổ được nuôi tại chùa đều hiền lành - ai cũng có thể vuốt ve, thậm chí ngồi bên cạnh chúng để chụp ảnh.

Theo thống kê, cho đến nay những con hổ được nuôi tại chùa Kanchanaburi chưa gây tổn thương cho bất cứ du khách nào. Tuy nhiên, những vị sư sống ở đây vẫn rất cẩn trọng và luôn ý thức được mối nguy hiểm của chúng.

Nhưng những người ủng hộ quan điểm bảo tồn đặc điểm tự nhiên lại lo ngại rằng, môi trường nuôi dưỡng hổ tại chùa Kanchanaburi có thể khiến giống hổ tại đây bị lai tạp. Tuy nhiên, chúng lại được an toàn trước bao cạm bẫy ngoài đời. Một tổ chức có tên gọi "Care for the Wild International" từng cáo buộc, những con hổ trong chùa Kanchanaburi không thực sự được cứu và nuôi dưỡng như người ta đã tuyên truyền bởi chúng đã bị bán vì mục đích kinh tế. Nhưng ngay lập tức cáo buộc này đã bị nhiều người phủ nhận.

…đến những chuyện hữu quan

Tuyên bố hôm 25/11/2009 của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF) đang khiến những người yêu động vật, nhất là ở Nga cảm thấy lo lắng bởi con hổ quý Amur vùng Siberia từng được Thủ tướng Nga Vladimir Putin gắn thiết bị định vị năm 2008 đã biến mất. Theo Vladimir Krever, quan chức của WWF cho biết, thiết bị định vị gắn trên người con hổ đã ngừng hoạt động từ giữa tháng 9/2009, có thể vì hết pin, bị vỡ hoặc rơi vào tay những kẻ săn trộm. Nhưng theo phát ngôn viên của Thủ tướng, ông Dmitry Peskov thì các nhà khoa học mới thay pin cho nó khoảng một tuần trước đó và con vật vẫn sống, khỏe mạnh, hơn nữa nó vừa sinh con.

Theo giới truyền thông, ông Putin đã gắn thiết bị định vị lên cổ con hổ quý Amur 5 tuổi, nặng 450 kg sau khi bị "hạ gục" bằng súng gây mê bởi nó xổng chuồng hồi cuối tháng 8/2008. Với thiết bị kể trên, bất cứ ai cũng có thể bám theo từng bước chân của con hổ quý Amur trên trang web riêng của ông Putin. Trước và sau sự kiện trên, các nhà bảo tồn động vật trên thế giới đã nhiều lần cảnh báo, theo đó số lượng cá thể của loài hổ đang suy giảm với tốc độ nhanh tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có khu vực hoang dã vùng Viễn Đông thuộc Nga do tình trạng săn bắn trộm và thu hẹp môi trường sống.

Theo thống kê, có từ 30 đến 50 cá thể hổ Amur bị giết hại mỗi năm, cho dù hổ Amur đã được liệt vào Sách Đỏ, là một trong những loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cao trên thế giới. Hơn một thế kỷ trước, hổ Amur có khoảng 100.000 con, nhưng hiện chỉ còn khoảng 4.000 con, trong đó có khoảng 450 con đang sống tại vùng lãnh thổ Primorye và khu vực Siberia của Nga. Các nhà môi trường Nga sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao về hổ vào tháng 9/2010 để thảo luận về các biện pháp nhằm bảo vệ loài hổ.

Cách đây 20 năm, tại Ấn Độ có khoảng 15.000 cá thể hổ sống hoang dã, nhưng hiện chỉ còn hơn 1.400 con, giảm hơn 10 lần. Hổ Bengal có thể bị tuyệt chủng bởi tình trạng săn bắn trái phép. Theo ước tính của giới chuyên môn, Trung Quốc chỉ còn khá ít cá thể hổ sống tự nhiên, nhưng có tới 5.000 con hổ đang bị nuôi nhốt tại các trang trại với nhiều mục đích khác nhau. Được biết, Hội nghị thượng đỉnh về hổ sẽ được tổ chức vào cuối năm 2010 (tại Thái Lan) để bàn về cách bảo vệ sự sinh tồn cho loài hổ trước nguy cơ bị tuyệt chủng

Tuấn Cường - Quỳnh Trang (sưu tầm và tổng hợp)
.
.