“7 ốc đảo” kỳ dị nhất hành tinh

Thứ Năm, 31/05/2018, 15:06
Thành phố Maharishi Vedic rộng đúng 1 dặm vuông nằm tọa lạc ở tiểu bang Iowa (Mỹ) được khai sáng vào năm 2001, là thành thị duy nhất trên đất Mỹ được xây dựng dựa trên nguyên tắc thiền định siêu việt.


Auroville (Ấn Độ)

Nếu quý vị bất chợt hỏi bất kỳ ai ở Auroville– người khởi dựng nên thị trấn này – khi đó các cư dân sẽ kể cho quý vị nghe về Mẹ (người phụ nữ từng mơ về việc xây dựng nên một thành phố độc đáo, nơi mọi người thoải mái sinh sống trong hòa bình và  hòa hợp, không có sự xung đột chính trị, tôn giáo hay quốc tịch). Và đúng là như thế.

Năm 1968, một phụ nữ tên là Mira Alfassa (Mẹ) đã tạo nên điều lệ của Auroville rằng “không thuộc cụ thể cho bất kỳ ai. Auroville dành cho nhân loại. Auroville là cây cầu giữa quá khứ và tương lai” và nó mở cửa cho các cư dân.

Auroville được thiết kế như một thiên hà, nó bao bọc một cây đa ở chính giữa và 1 khối cầu mạ vàng mà bên trong có các căn phòng thiền định cần tới 37 năm để xây dựng xong. Mọi tài sản trong thị trấn này thuộc quyền sở hữu của Qũy Auroville (chính phủ Ấn Độ là chủ sở hữu).

Khoảng 50 năm sau đó, Auroville được gây dựng bằng những đồng ngoại tệ USD thu từ du lịch của những vị khách tìm đến đây để được hưởng cảm giác thanh bình, cũng như hơn 2.000 cư dân từ hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Một số doanh nghiệp nhỏ đã mở ra ở Auroville chuyên bán các mặt hàng thủ công như giấy và hương, và lợi nhuận thu về sẽ trang trải cho hoạt động của cả thị trấn. Nơi đây còn có những tòa nhà cho các gia đình, một trường học, tòa thị chính, các trang trại, một số nhà hàng và tòa phức hợp thiền định.

Thay vì dùng tiền mặt, cư dân ở Auroville đã sử dụng  Aurocard tương tự như thẻ ghi nợ. Sống ở Auroville, mọi cư dân đều được chăm sóc sức khỏe, thoải mái dùng điện và đi học… tất cả đều miễn phí; ngoài ra cư dân tự duy tu thị trấn.

Thành phố Maharishi Vedic (Iowa, Mỹ)

Thành phố rộng đúng 1 dặm vuông nằm tọa lạc ở tiểu bang Iowa (Mỹ) được khai sáng vào năm 2001, là thành thị duy nhất trên đất Mỹ được xây dựng dựa trên nguyên tắc thiền định siêu việt.

Việc thực hành thiền định đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi nhóm nhạc The Beatles giới thiệu nó trong thế giới rộng lớn hơn kể từ thập niên 1960 bằng cách theo gót nhà sáng lập thiền định siêu việt: Maharishi Mahesh Yogi.

Nền tảng sáng lập nên Thành phố Maharishi Vedic là dựa trên Vệ Đà – một nguyên lý Ấn Độ giáo cổ xưa chuyên chú trọng về sự hòa hợp, cân bằng và luật tự nhiên. Một nhóm các đệ tử của thiền định siêu việt đã khai sáng nên thành phố này, còn giờ đây có một hội đồng 5 thành viên đóng vai trò là quản lý chính quyền của thành phố.

Mỗi ngôi nhà ở đây đều được thiết kế cùng phong cách và hướng về đường đi của mặt trời, tất cả xoay mặt về hướng Đông với tất cả mái nhà đều được trang trí màu vàng, có một hàng rào bao quanh mỗi ngôi nhà và một không gian chính giữa ngôi nhà là nơi để tĩnh tâm. Mỗi ngôi nhà được bố trí trong một trong 10 vòng tròn tạo nên một vòng kiến trúc lớn.

Có một đài quan sát lộ thiên được xây dựng trên các đồng hồ mặt trời và sao chép cấu trúc của vũ trụ thu nhỏ; 1 khách sạn, 1 spa và các trường công lập chuyên dạy học sinh cách luyện thực hành thiền định siêu việt với 2 buổi học mỗi ngày ngoài giờ học thường xuyên. Kể từ khi sáng lập nên Thành phố Maharishi Vedic, chính quyền quản hạt đã cấm sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các loại thực phẩm phi hữu cơ. Trong thành phố này, còn có một trang trại hữu cơ khổng lồ chuyên phân phối sản phẩm ra các chuỗi toàn quốc. Cư dân sử dụng điện tái tạo, cư dân chuyên thực hành 2 buổi thiền định trong ngày.

Arcosanti (Arizona, Mỹ)

Khi khánh thành vào năm 1970, nhà sáng lập ra Arcosanti, kiến trúc sư người Ý, Paolo Soleri, đã tưởng tượng nên một khu phức hợp dân cư quy mô nhỏ với hàng ngàn người sinh sống ngay trong lòng hoang mạc Arizona, tất cả cư dân sống hòa hợp cùng nhau trong một bối cảnh gọi là “kiến trúc nhân tạo” (Arcology) hay hiểu nôm na là một cộng đồng nơi mà thiên nhiên và kiến trúc cùng phối hợp vào nhau để hình thành nên một “sự tồn tại hài hòa”. 

Mục tiêu mang con người sống ở đây là nhằm giới hạn sự phá hoại trái đất cũng như cho phép mọi người sống hạnh phúc và có trách nhiệm hơn. 

Royal Saltworks of Arc-et-Senans (Pháp)

Mặc dù là một khu công nghiệp, Royal Saltworks of Arc-et-Senans đã được thiết kế như là một “xã hội không tưởng”, một nơi để làm việc, để sống và để phụng thờ dành cho các nhân viên khu công nghiệp và gia đình của họ.

Thiết kế buổi đầu của khu phức hợp này đã được tưởng tượng ra bởi kiến trúc sư Claude-Nicolas Ledoux, nó bao gồm một vòng tròn lớn các tòa nhà và các cơ sở sản xuất muối nằm chính giữa. Ledoux nổi tiếng là người sáng tạo ra các thiết kế “xã hội không tưởng” chuyên hỗ trợ cho các hoạt động và tương tác của con người, mặc dù nhiều thiết kế chưa được xây xong. Hoạt động sản xuất muối tại đây đã bắt đầu từ năm 1779 trong suốt 1200 năm lịch sử; và ngừng sản xuất vào năm 1962.

Trong lúc còn sản xuất muối thì “xã hội không tưởng” này đã vượt xa khỏi bản thiết kế của Ledoux, các công nhân vật lộn dưới những điều kiện khắc nghiệt và nhà ở cộng đồng đã làm trầm trọng thêm các xung đột cá nhân. Hôm nay, tàn tích của khu phức hợp Royal Saltworks đã được khôi phục và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ở đây có một bảo tàng chuyên trưng bày về kiến trúc sư Ledoux và các bản thiết kế của ông, các cuộc triển lãm về sản xuất muối và lịch sử của diêm dân, các trung tâm hội nghị, một lễ hội vườn tược thường niên, một khách sạn, một nhà hàng và quán rượu.

Phố tự do Christiania (Đan Mạch)

Christiania, một khu dân cư tự trị nằm ngay giữa thủ đô Copenhagen cổ kính đã được thành lập vào năm 1971, về nguyên bản nó được sáng lập bởi một nhà báo vốn là người nặng lòng yêu vẻ đẹp tự do. Nhà báo Jacob Ludvigsen đã mường tượng ra một xã hội tự duy trì được xây dựng từ con số 0 (dù nó cũng sử dụng các tòa nhà đã có khi mà địa điểm này vốn là những doanh trại quân đội bị bỏ hoang) nhằm mục tiêu duy trì sức khỏe tâm sinh lý của cả nhóm cộng đồng.

Trong thực tế, mọi thứ nhanh chóng tan vỡ. Ma túy bị giữ lại, còn cư dân không muốn hợp tác với cảnh sát. Christiania trở thành “thiên đường” cho các loại ma túy và cả một “khu lầu xanh” nơi chuyên buôn bán cần sa. Ma túy và tội phạm vẫn đang là vấn đề gai góc ở Christiania, nhưng cộng đồng dân cư vẫn tiếp tục phát triển mạnh.

Cộng đồng dân cư Christiania ngày hôm nay “hái” ra tiền từ các hoạt động kinh doanh du lịch như các cửa hàng, nhà hàng và nhiều sự kiện địa phương thú vị. Những ngôi nhà ở đây được tô vẽ đẹp đẽ, và du khách thường đi xuyên qua một công viên điêu khắc được làm từ các vật liệu tái chế trước khi lọt chân vào cộng đồng dân cư. 

Palmanova (Ý)

Chính xác thì nó là một pháo đài, nhưng Palmanova được tạo ra như một “xã hội không tưởng” bởi các giám thị của Cộng hòa Venice (một cộng đồng tự trị, nơi mọi người đều bình đẳng và có chung một mục đích). Thị trấn Palmanova được sáng lập vào năm 1593 nhằm bảo vệ cho Đế quốc Venetian thoát khỏi họa xâm lăng của người Áo và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Pháo đài là một ngôi sao có 9 cánh với 3 vòng trải rộng tính từ trung tâm hình lục giác. Nó là một thành phố có hình học hoàn hảo, nhưng không ai muốn sống ở đó. Đế quốc Venetian không thu hút được cư dân vào sống ở Palmanova do bởi sự tù túng, thiếu tự do cũng như lúc nào cũng phập phồng lo sợ nguy cơ chiến tranh và tàn phá.

Vì thế, quân đội đã đồn trú ở Palmanova và đến năm 1622 mới có một số lượng lớn tù nhân được ân xá dọn tới dù không biết họ có thật sự thích mô hình “xã hội không tưởng” do chính phủ sáng lập hay không. Ngày hôm nay, quân sĩ và tù nhân đã rời khỏi Palmanova, và cư dân Ý tiếp tục thu hút người bên ngoài vào bên trong sinh sống. Khoảng 5.400 người sống bên trong các bức tường của pháo đài. Ngày hôm nay, Palmanova được trao tặng biểu tượng Đài tưởng niệm quốc gia của chính phủ Italia.

Penedo (Brazil)

Năm 1929, một nhóm những người định cư Phần Lan đã rời quê hương của họ để chuyển tới sống ở Brazil, họ đã thành lập ra xứ thuộc địa Penedo dưới sự giám hộ của mục sư Toivo Uuskallio – ông này rao giảng rằng Chúa muốn ông thành lập nên một “xã hội không tưởng” Phần Lan ở vùng nhiệt đới.

Theo luật lệ của cộng đồng thì mọi người sống ở Penedo buộc phải ăn chay, không ai được hút thuốc hay uống rượu, và chung nhau lao động trên đồng ruộng mà không cần đến tiền bạc. Penedo hoạt động theo cách đó cho mãi tới năm 1942, khi dân tình cuối cùng ngộ ra rằng không thể nào hoạt động lâu dài một thị trấn mà lại không cần đến tiền.

Sau khi Penedo bắt đầu tan rã thì hoạt động du lịch đã manh nha hình thành, và giờ đây nơi này được biết đến như là “vương quốc Phần Lan ở Brazil”. Có một nhóm múa biểu diễn thường xuyên ở Penedo, ngoài ra còn có nhiều lữ quán, cửa hiệu, phòng xông hơi khô (Penedo là nơi hình thành phòng xông hơi khô đầu tiên ở Brazil), một số nhà hàng và một khu vực được gọi là “Tiểu Phần Lan” vốn sao chép y hệt cuộc sống của những người định cư buổi sơ khai. Ngay cả ông già Noel cũng có hẳn 1 ngôi nhà ở Penedo, nơi ông đến chào khách khứa mỗi năm.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.