7 triệu USD cho Học viện Bóng đá đầu tiên ở Việt Nam
Mục tiêu đào tạo của Học viện Bóng đá là cho ra lò một lứa cầu thủ “hoàn hảo” có trình độ văn hóa, thông thạo tiếng Anh và đủ khả năng khoác áo Đội tuyển Quốc gia Việt Nam hay hoàn toàn đủ khả năng có một sự nghiệp tại châu Âu, nơi có những tuyển thủ giỏi nhất thế giới.
Việt Nam có hơn 80 triệu dân, tất cả đều sẵn một tình yêu cuồng nhiệt với bóng đá. Thế nhưng, nhiều năm qua, mọi nỗ lực vẫn chỉ là sự loay hoay, bóng đá Việt Nam vẫn hầu như không tiến thêm được bước nào.
Dẫm chân tại chỗ tức là thụt lùi. Thách thức lớn đối với “môn thể thao vua” tại Việt Nam đã phần nào tìm được lời giải đáp khi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa ký hợp đồng “hợp tác chiến lược” với CLB bóng đá lừng danh Arsenal, đồng thời khởi công xây dựng Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal JMG ngày 4/3 vừa qua tại Pleiku.
Không gây kinh ngạc nhiều như thương vụ mua danh thủ Kiatisuk với giá cao ngất trời cách đấy 6 năm, nhưng thực sự việc đầu tư xây dựng Học viện Bóng đá đầu tiên ở Việt Nam của HAGL đã tạo ra một bước đột phá lớn cho cả CLB và tập đoàn kinh tế này lẫn bóng đá Việt Nam.
Để thực hiện dự định này, cuối năm 2006, ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL đã dẫn một phái đoàn sang thăm và làm việc với nhiều CLB bóng đá tên tuổi ở thủ đô London, Anh.
Trong khi trao đổi với HLV nổi tiếng Arsene Wenger, bầu Đức đã được “thầy phù thủy” gợi ý cho nhiều điều về vấn đề đào tạo cầu thủ trẻ gắn với việc xây dựng thương hiệu kinh tế. Kế hoạch hợp tác đầu tư xây dựng Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG nhanh chóng tìm được sự đồng thuận của cả đôi bên và được Hoàng Anh Gia Lai xúc tiến ngay.
Lễ khởi công xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. |
Trên địa điểm cũ của CLB HAGL ở Pleiku, một học viện bóng đá với tổng diện tích 5 hécta đã được khởi công xây dựng. Học viện gồm 2 sân tập đúng tiêu chuẩn quốc tế, 2 dãy nhà gồm 30 phòng ở cho các vận động viên trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng làm việc cho chuyên gia nước ngoài, nhà ăn, phòng bác sĩ v.v...
Dự kiến, Học viện sẽ tuyển sinh trên cả nước khóa đầu tiên vào tháng 4/2007, khai giảng vào đầu tháng 9 với 20 học viên ở lứa tuổi 12. Cứ 2 năm, Học viện sẽ tuyển sinh một đợt 20 em. Được đài thọ toàn bộ chi phí ăn ở, học tập và không phải đóng bất kỳ một khoản học phí, lệ phí nào, các học viên sẽ được huấn luyện liên tục trong 7 năm, bao gồm học văn hóa, tiếng Anh và bóng đá.
Mục tiêu đào tạo là cho ra lò một lứa cầu thủ “hoàn hảo” có trình độ văn hóa, thông thạo tiếng Anh và đủ khả năng khoác áo Đội tuyển Quốc gia Việt Nam hay “hoàn toàn đủ khả năng có một sự nghiệp tại châu Âu, nơi có những tuyển thủ giỏi nhất thế giới” - như HLV Arsene Wenger trịnh trọng cam kết.
Thậm chí, trong lời phát biểu tại lễ ký kết hợp đồng diễn ra tại KS New Word, TP Hồ Chí Minh một ngày sau lễ động thổ, Giám đốc điều hành CLB Arsenal, ông Keith Edelman còn khẳng định rằng: “Mục đích cuối cùng (của Học viện) là đào tạo một lớp cầu thủ hàng đầu cho Đội tuyển Quốc gia Việt Nam có thể chơi ở trình độ cao nhất và một đội tuyển quốc gia tiến đến có mặt trong vòng chung kết World Cup FIFA".
Cơ sở nào để những lãnh đạo chóp bu của dự án khẳng định chất lượng đào tạo “cao ngất” như vậy? Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông K.Edelman đã viện dẫn: 90% tuyển thủ Bờ Biển Ngà tham dự vòng chung kết World Cup 2006 đều được Học viện Arsenal JMG tuyển chọn và đào tạo. Nổi tiếng nhất trong số đó là hai cầu thủ Kolo Toure và Emmanuel Eboue hiện đang là 2 ngôi sao đắt giá trên các đấu trường lớn của châu Âu.
Lãng mạn, hoành tráng nhưng liệu có khả thi? Bầu Đức tuyên bố: “Chúng tôi không làm bóng đá theo phong trào. Đây là một phi vụ kinh doanh thực thụ, không chắc chắn có lãi, chúng tôi không làm”. Theo ông Đức thì “đầu tư vào con người là siêu lợi nhuận, nhưng thời gian thu hồi vốn và sinh lãi sẽ rất dài. Theo tính toán, sau 7-10 năm, chúng tôi sẽ thu lãi trên 300% so với vốn đã bỏ ra”.
Cả HLV Arsene Wenger, GĐ điều hành K. Edelman, GĐ Công ty Tiếp thị thể thao Strata A.B Kashmiri lẫn ông bầu Đoàn Nguyên Đức đều khẳng định rằng, những cầu thủ được Học viện đào tạo sau này sẽ làm nên những hợp đồng chuyển nhượng lớn đối với các CLB tên tuổi cả ở Đông Nam Á lẫn châu Âu, trong đó có cả CLB Arsenal.
Trong trường hợp Arsenal hay HAGL muốn lấy cầu thủ từ Học viện về CLB, họ cũng sẽ phải trả tiền, bằng 50% giá trị của cầu thủ.
Với sự đầu tư quy mô và bài bản vào bóng đá, bầu Đức không hề giấu giếm tham vọng đoạt cup vô địch V-League mùa bóng 2007, làm bàn đạp cho tham vọng tiến xa hơn nữa ra khu vực và quốc tế. Điều đó được chứng minh bằng trận thắng 2-0 trước Bình Định trong lượt trận đầu tiên của mùa bóng 2007 - khác với tiền lệ được báo chí đánh giá là "thường có mùi", mỗi khi 2 đội "anh em" này gặp nhau.
Theo ông Đoàn Nguyên Đức: "Bóng đá giờ là kinh doanh, là thương hiệu, rồi còn giá cổ phiếu và thị trường chứng khoán nữa chứ... cho nên không thể nhân nhượng được".
Rõ ràng, xã hội hóa bóng đá ở tầm đỉnh cao và quy mô cũng đã đem lại những dấu hiệu tích cực nhất định, đầu tiên là góp phần xua bớt bóng đen tiêu cực trên sân cỏ Việt Nam suốt nhiều năm qua