Sức vươn lên của những phụ nữ chuyển giới

Thứ Tư, 24/02/2016, 14:20
Ananya Banik, 42 tuổi, là con trai khi mới sinh ra ở khu Mymensingh miền Bắc Bangladesh. Nhưng khi lớn lên, giới tính của Banik bắt đầu rơi vào cảnh trớ trêu. Sau cuộc giằng xé nội tâm, Ananya quyết định sống công khai như một hijra lúc 16 tuổi, bất chấp sự tuyệt vọng của gia đình, và “gia đình tôi muốn tống khứ tôi bởi vì họ luôn phải đối mặt với nhiều câu hỏi khó chịu từ láng giềng và người thân”.

Cuối cùng, mẹ của Ananya là người duy nhất ủng hộ quyết định chuyển giới của “con gái” sau khi người cha qua đời, trong khi anh em trong gia đình vẫn phản đối kịch liệt. Banik may mắn hơn những người hijra khác khi tìm được vài công việc tốt – học múa cổ điển Ấn Độ và thậm chí xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia để thể hiện cuộc sống của cộng đồng hijra. Nhưng đối với Ananya, tất cả đều phải trải qua hành trình vô cùng khó khăn.

Ananya Banik (trái) đang trang điểm chuẩn bị biểu diễn.

Những người hijra thường bị gia đình chối bỏ bất chấp cộng đồng này được đề cập trong cuốn sách kinh điển “Kama Sutra của truyền thống cổ Nam Á”.  Theo số liệu chính thức từ chính quyền Bangladesh, cộng đồng hijra ở nước này gồm 15.000 người, song các nhóm nhân quyền cho rằng con số thật sự gần nửa triệu người! Nói về hoàn cảnh của mình, Ananya cho rằng mình là người hạnh phúc được sống chung với gia đình cho đến 16 tuổi, trong khi nhiều người khác bị tống ra khỏi nhà từ lúc còn nhỏ sau khi bị phát hiện có vấn đề về giới tính.

Trên thực tế hiện nay, người hijra vẫn còn là một trong những cộng đồng bị cách ly khỏi xã hội Bangladesh mặc dù họ được luật pháp chính thức công nhận là giới tính thứ 3 từ năm 2003.

Năm 2015, lần đầu người hijra kiêu hãnh tuần hành trên đường phố để đấu tranh cho quyền lợi của họ - nhiều người hijra vẫn còn phải sống trong những khu ổ chuột và chỉ được làm những công việc linh tinh. Do bị từ chối tuyển dụng cho nên rất nhiều người hijra phải ra đường xin tiền và Ananya nói đó là cách duy nhất để họ sống còn.

Không giống như những người hijra khác, Ananya được học múa cổ điển Ấn Độ và hát nhạc dân ca Bengal. Ananya cũng làm việc cho nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài khác nhau, nhưng bà đã phải vật vã đấu tranh để được chấp nhận tham gia vào môi trường được gọi là “hiện đại và có giáo dục” này! Ananya kể sự thật: “Họ tỏ vẻ không thoải mái lắm khi ở cạnh tôi. Họ không ngồi cùng với tôi vào bữa ăn trưa. Họ không sử dụng thang máy khi có tôi”.

Những người hijra có được công việc làm đúng theo sở nguyện như Ananya chỉ là con số nhỏ. Vì cuộc sống, nhiều người hijra lâm vào cảnh phạm tội nên càng làm cho hố sâu ngăn cách với phần còn lại của xã hội càng rộng thêm ra. Ananya lập luận: “Thật ra, nhiều người hijra là nạn nhân của hoàn cảnh. Thậm chí, họ còn bị nhiều người lợi dụng phục vụ cho lợi ích riêng tư”. Tuy nhiên, cũng có những người hijra được ca ngợi trên báo chí do có những hành động tích cực cho xã hội Bangladesh.

Năm 2015, làn sóng giết người bạo lực bùng phát dữ dội ở Bangladesh dẫn đến sự việc 5 blogger phi tôn giáo bị sát hại một cách dã mãn. Nhưng trong một trường hợp, một người hijra tên là Labannya trở thành anh hùng sau khi vạch mặt thành công những tên giết người. Đây là trường hợp duy nhất mà hung thủ sát hại các blogger được xác định và bắt giữ ở Bangladesh. Sau sự kiện phá án thành công này, giới chức chính quyền Bangladesh có sáng kiến thuê dụng người hijra để duy trì an ninh trật tự ở thủ đô Dhaka.

Thục Miên (tổng hợp)
.
.