Bí ẩn tượng gỗ 11.000 năm tuổi

Thứ Tư, 28/10/2015, 17:30
Bức tượng gỗ Big Shigir Idol (gọi tắt là Shigir) được phát hiện trong đầm lầy than bùn ở vùng Kirovgrad của Siberia năm 1890 được bảo quản trong tình trạng tốt và được cho là đã 9.500 tuổi. Nhưng, công nghệ xác định niên đại tiên tiến trên thế giới hiện nay khẳng định Shigir có đến 11.000 năm tuổi.

Tượng gỗ Shigir được khắc những dấu hiệu bí ẩn chưa được giải mã, song người ta cho rằng có thể đó là thông điệp của người cổ mô tả những con rắn, sự nguy hiểm và thậm chí linh hồn ở những thế giới khác nhau.

Để so sánh, di tích Stonehenge của Anh có niên đại 4.614 năm, trong khi Shigir của Nga có đến 11.000 năm tuổi, gấp đôi cả Đại Kim tự tháp của Ai Cập.

Một nguồn từ Nhà Bảo tàng Lịch sử Vùng Sverdlovsk, nơi triển lãm Shigir Idol, phát biểu: "Chúng tôi có thể nói là kết quả rất đáng kinh ngạc. Công việc đầu tiên sau 107 năm khám phá Shigir, tức vào năm 1997, là xác định niên đại của tượng gỗ. Phân tích carbon phóng xạ đầu tiên tiết lộ bức tượng 9.500 tuổi dẫn đến sự tranh cãi sôi nổi trong giới khoa học.

Để xua tan mọi nghi ngờ, cũng như xác định chắc chắn niên đại của bức tượng, các công nghệ hiện đại nhất được sử dụng để tìm kiếm kết quả lần nữa. Một nhóm nhà nghiên cứu ở thành phố Mannheim miền Nam nước Đức sử dụng công nghệ cực kỳ tinh vi gọi là quang phổ khối gia tốc (AMS) đối với 7 mẫu gỗ rất nhỏ.

Big Shigir Idol cao bằng tòa nhà 2 tầng (trái) và phần đầu của bức tượng Shigir nhìn từ mặt bên.

Kết quả từ các mẫu gỗ nằm bên trong Shigir cho thấy tuổi của bức tượng là 11.000 năm - tức ngay từ đầu kỷ nguyên Holocene. Chúng ta cũng biết thêm chi tiết khác là bức tượng được làm từ loại gỗ thông có ít nhất 157 tuổi".

Còn nhiều chi tiết nữa được báo cáo tại một cuộc họp báo hồi tháng 8, song Nhà Bảo tàng Sverdlovsk nhấn mạnh: "Nghiên cứu chứng minh Big Shigir Idol là tác phẩm điêu khắc cổ nhất thế giới, và đây là khám phá ngoạn mục - chìa khóa để hiểu biết về nghệ thuật Á - Âu".

Bức tượng cũng có khoảng cùng độ tuổi với những tấm bia đá khổng lồ hình chữ T (nghi vấn là hình người cách điệu) được tìm thấy tại khu vực khảo cổ Gobekli Tepe ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, gần biên giới với Syria. Trên những tấm bia đá ở Gobekli Tepe cao từ 3 - 6 mét cũng được khắc hình ảnh nhiều loại động vật (linh dương, rắn, bò cạp…) và cả biểu tượng trừu tượng.

Bức tượng Shigir cũng là bằng chứng cho thấy những thợ săn và ngư dân vùng Urals đã sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật và tượng đài phát triển không kém nông dân cổ vùng Trung Đông.

Các chuyên gia phỏng đoán những ký tự tượng hình của tượng gỗ Shigir chứa đựng thông tin mã hóa của người cổ về "sự sáng tạo thế giới".

Shigir hiện nay cao 2,8 m so với chiều cao gốc ban đầu là 5,3m - tương đương tòa nhà 2 tầng. Có lẽ, bức tượng bị thất lạc trong bối cảnh chính trị bất ổn của nước Nga trong thế kỷ XX - theo Vladmir Tolmachev, nhà khảo cổ học Siberia.

Giáo sư Mikhail Zhilin, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Khảo cổ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: "Chúng tôi nghiên cứu Shigir Idol với tất cả lòng tôn kính. Bức tượng cổ quả là tuyệt tác, chuyển tải giá trị cảm xúc và sức mạnh hết sức to lớn. Bức tượng là tác phẩm điêu khắc độc đáo không có gì so sánh nổi. Nó rất sống động và phức tạp. Hoa văn không có gì ngoài thông điệp mã hóa".

Nhóm nhà khoa học Đức phân tích Shigir Idol.

Trong khi những thông điệp của Shigir Idol vẫn còn "tuyệt đối bí ẩn đối với người hiện đại", Zhilin cho rằng những người sáng tạo nên bức tượng chắc chắn "sống hoàn toàn hài hòa với thế giới, có trí tuệ phát triển vượt bậc và có thế giới tâm linh hết sức phức tạp".

Đối với Svetlana Savchenko, người chịu trách nhiệm bảo quản Shigir Idol ở Nhà Bảo tàng Lịch sử Yekaterinburg, thì "đường thẳng trên bức tượng có thể biểu hiện mặt đất hay chân trời - ranh giới giữa mặt đất là bầu trời, nước và bầu trời, hay giới tuyến giữa các thế giới".

Còn đường gợn sóng hay ngoằn ngoèo biểu hiện yếu tố nước, rắn, thằn lằn hay ấn định một biên giới nào đó. Ngoài ra, Savchenko cũng phỏng đoán đường ngoằn ngoèo là dấu hiệu của nguy hiểm, giống như mũi lao. Còn dấu chữ thập, hình thoi, hình vuông, vòng tròn mô tả lửa hay mặt trời. Người cổ tạo ra Shigir Idol với 7 bộ mặt và chỉ một trong các bộ mặt đó có 3 chiều.

Nhà nghiên cứu Petr Zolin lập luận: "Nếu đây là những thần linh trong thế giới con người thời cổ thì vị trí thẳng đứng của những hình dạng xếp chồng lên nhau có lẽ liên quan đến thứ bậc của họ. Những hình ảnh ở mặt trước và mặt sau bức tượng có thể thuộc về các thế giới khác nhau. Nếu như, có sự mô tả những thần thoại về nguồn gốc con người và thế giới thì sự sắp xếp theo đường thẳng đứng của những hình ảnh có lẽ phản ánh dòng chảy các sự kiện".

Kết quả phân tích của nhóm nhà khoa học Đức có ý nghĩa đáng kể về mặt khoa học, nhưng công việc xét nghiệm bức tượng lại gây tranh cãi về mặt pháp lý ở Nga. Một vụ án hình sự đã mở ra về "bức tượng gỗ bị tổn hại" giữa những tuyên bố rằng các mẫu vật dùng để xét nghiệm là "có được một cách bất hợp pháp".

Từ năm 2014, Bộ Văn hóa ở Moskva đã tìm kiếm sự bồi thường theo pháp luật đối với các mẫu tượng gỗ bị lấy đi và sau đó chuyển đến các nhà khoa học Đức để phân tích.

Một nguồn trong Bộ Văn hóa ở Yekaterinburg tuyên bố: "Công việc kiểm tra bức tượng cổ được tiến hành mà không có sự phối hợp với các bộ liên quan và thậm chí giám đốc Nhà Bảo tàng Lịch sử Yekaterinburg Natalia Vetrova cũng không được thông báo về những phương pháp giám định".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.