Bức ảnh đầu tiên do con người chụp trái đất

Thứ Sáu, 24/08/2018, 10:37
Cách đây 46 năm, vào ngày 7-12-1972, lần đầu tiên toàn cảnh trái đất mục kích từ trên cao đã được con người ghi lại, qua chuyến thám hiểm lên mặt trăng của tàu du hành Apollo 17 thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Ảnh chụp vào lúc 5 giờ 39 phút sáng 7-12, nghĩa là sau 5 giờ 6 phút tính từ thời điểm tàu Apollo 17 được phóng lên không gian. Lúc này con tàu đang ở độ cao 45.000km so với mặt đất, cũng như đã rời khỏi quỹ đạo trái đất được khoảng 1 giờ 54 phút và trên đường hướng tới mặt trăng.

Khoảnh khắc chụp thật hiếm có, bởi mặt trời đang ở phía sau tàu du hành nên Trái đất trông rõ mồn một giống như "hòn bi ve". Bức ảnh liền được phi hành đoàn đặt tên là "Quả bóng xanh", đã ghi lại ngoài mảng đại lục Á - Âu phía trên là toàn bộ lục địa châu Phi và châu Nam cực, cũng như một phần của 2 vùng biển "đan xen" nhau là Thái Bình dương và Đại Tây Dương.

Cho đến thời điểm hiện giờ NASA vẫn chưa chính thức lên tiếng xác định, xem ai là người đã bấm nút chiếc máy ảnh chụp xa chuyên dụng hiệu Hasselblad, gắn ống kính 80mm sản xuất tại Thụy Điển. Còn giới am hiểu nghệ thuật nhiếp ảnh quả quyết đó là Giáo sư Địa chất học Harrison Schmitt, nhà khoa học chuyên nghiệp đầu tiên và duy nhất cho đến nay đã bay ra ngoài quỹ đạo trái đất.

K.Dung (theo AP)
.
.