Các công trình bằng đá hùng vĩ nhất thế giới

Thứ Sáu, 19/06/2009, 07:45

Tượng Nhân sư (Sphinx) khổng lồ ở Giza (Ai Cập) (ảnh 1)

Một con sư tử đầu người nằm trên cao nguyên Giza về phía tây bờ sông Nile, gần thành phố Cairo hiện đại, là tượng đá nguyên khối to lớn nhất thế giới. Tượng dài 73,5m, rộng 6m và cao 20m. Nhân sư ở Giza cũng là công trình điêu khắc cổ nổi tiếng nhất thế giới và người ta tin rằng nó là công trình của người Ai Cập cổ xưa. Mặt tượng hướng về phía đông và giữa bộ móng vuốt của nó là một ngôi đền nhỏ.

Petra (Jordan, ảnh 2)

UNESCO đánh giá Petra là một trong những tài sản quý giá nhất trong di sản văn hóa của loài người và còn được mô tả là "thành phố một nửa cổ như thời gian". Năm 1985, Petra được chọn là Điểm di sản thế giới và mới đây cũng được chọn là một trong những "kỳ quan mới" của thế giới.

Di tích tọa lạc ở Arabah, Ma'an Goernorate (Jordan), nằm trên sườn núi Hor trong lòng chảo giữa những ngọn núi, thung lũng rộng lớn chạy dài từ Biển Chết đến Vịnh Aqaba nổi tiếng với kiến trúc tạc từ đá này. Người Nabatean cổ đã xây dựng Petra làm thủ đô của họ trong khoảng năm 100 trước Công nguyên. Di tích được người phương Tây biết đến vào năm 1812 nhờ khám phá của nhà thám hiểm Thụy Sĩ Johann Ludwig Burckhardt.

Núi Rushmore (Mỹ, ảnh 3)

Nằm gần Keystone, nam Dakota, tượng đài đá hoa cương là công trình của nhà điêu khắc Gutzon Borglum (1867 - 1941) thể hiện 150 năm đầu tiên của lịch sử nước Mỹ với những cái đầu cao 18 mét của các vị tổng thống: George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln. Toàn bộ công trình điêu khắc chiếm diện tích 5,17km2 và cao trên 1.745m so với mực nước biển.

Tượng Phật khổng lồ ở Leshan (Trung Quốc, ảnh 4)

Xây dựng dưới triều đại nhà Tần, tượng Phật khổng lồ này được tạc ngoài mặt vách đá nằm ở ngã ba sông Minjuang, Dadu và Qingyi ở phần phía nam tỉnh Sichuan, Trung Quốc, gần thành phố Leshan. Pho tượng Phật cao đến 71m đã thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới về chiêm ngưỡng.

Mặc dù chính quyền Trung Quốc hứa hẹn một chương trình trùng tu, nhưng di tích cũng đã chịu nhiều tác động xấu từ sự ô nhiễm, đặc biệt trong 20 năm sau này. Rất may là tượng không bị tổn hại trong trận động đất năm 2008.

Đền bờ biển Mahabalipuram (Ấn Độ, ảnh 5)

Được xây dựng trên vùng bờ biển của Vịnh Bengal ở Mahabalipuram (Ấn Độ) vào đầu thế kỷ VIII bởi Vua Rajasimha của Pallava (vương triều cổ của Ấn Độ), ngôi đền gồm 2 mặt đấu lưng lại với nhau: một mặt hướng về phía đông, và mặt kia (nhỏ hơn) hướng về phía tây.

Đền tọa lạc ở mép bờ Vịnh Bengal. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa có tất cả 7 ngôi đền cụm lại, nhưng 6 ngôi đền kia đã bị biển cả nuốt gọn và bây giờ chỉ còn một ngôi đền duy nhất - đó là Ngôi đền trên bờ biển.

Abu Simbel (Ai Cập, ảnh 6)

Là một công trình gồm 2 ngôi đền nằm gần biên giới Ai Cập với Sudan, Abu Simbel được xây dựng dưới thời Pharaon Ramesses II, người trị vì suốt 67 năm trong thế kỷ XIII trước Công nguyên (triều đại thứ 19). Cụm đền được nâng cao lên trong thập niên 60 thế kỷ trước khi mực nước hồ Nasser bắt đầu dâng cao sau khi đập Aswan hoàn thành. Cụm đền thờ Ramesses II và tượng của ông ngồi bên trong cùng với 3 vị thần khác.

Mặt trước đền là hình tượng của 4 Pharaon khác (mỗi tượng cao trên 20m), nhưng một tượng đã bị tổn hại. Ngay lối vào là 6 tượng khắc từ đá cao 10m - trong đó 2 tượng của Ramesses và 1 tượng của Nefertari, vợ yêu quý của Pharaon.

Nhà thờ Thánh George (Ethiopia, ảnh 7)

Nhà thờ bằng đá nguyên khối ở Lalibela, vùng Amhara (Ethiopia) này được coi là nổi tiếng nhất và được xây dựng cuối cùng (vào đầu thế kỷ XIII) trong khối gồm 7 nhà thờ ở vùng Lalibela - được coi là "Kỳ quan thứ 8 của thế giới".

Nhà thờ có kích thước 25mx25mx30m và có một bễ bơi rửa tội nhỏ ở bên ngoài. Lalibela là nơi hành hương của của các thành viên thuộc giáo hội chính thống Tewahedo của Ethiopia

Di An (tổng hợp)
.
.