Các vận động viên đua nhau mở nhà hàng

Thứ Ba, 15/04/2008, 09:30
Ngày càng nhiều vận động viên (VĐV) nhà nghề đua nhau làm kinh doanh để mong kiếm một số vốn lo cho tương lai trước khi từ giã sự nghiệp thể thao. Mở nhà hàng đang là giải pháp được nhiều VĐV chọn lựa. Oái oăm thay, ở lĩnh vực kinh doanh này, các VĐV thường "đụng" nhau và tất yếu có cạnh tranh: Amos Zereoue phải cạnh tranh với Michael Jordan, Joe Theismann tìm cách vượt qua Rusty Staub. "Cuộc chiến đấu" ngoài đời cũng khốc liệt không kém trên sàn đấu.

Các VĐV đều muốn đem hết tài năng và công sức ra xây dựng “vương quốc” riêng và biết tận dụng tên tuổi của mình để tạo một thương hiệu vững vàng. Nổi tiếng nhất phải kể đến Michael Jordan, người hùng xưa của CLB bóng rổ nhà nghề Mỹ, Chicago Bulls. Cho đến thời điểm hiện tại, Michael có được 2 nhà hàng mang tên Michael Jordan's Steakhouse, One Sixtyblue và một chuỗi các quán cà phê thể thao rải đều ở Chicago, Manhattan, Uncasville...

Với Jordan, sự nghiệp kinh doanh có phần thuận lợi hơn. Ngay cả khi từ giã nghiệp thi đấu đã lâu nhưng anh vẫn kiếm được tiền từ các hợp đồng quảng cáo với nhãn hiệu cung cấp trang phục thể thao danh tiếng như Nike. Từ các nhà hàng ban đầu, Michael còn thành lập công ty mang tên Jordan's Restaurant với định hướng phục vụ thị trường thức ăn quốc tế nữa. Thậm chí, Giám đốc điều hành David Zadikoff còn cho biết: “Chúng tôi còn có một trang web riêng để bán món thịt bò, nước sốt và nhiều món ăn khác nữa”.

Brett Favre, tiền vệ của Đội Green Bay Packers cũng là một cái tên được ngưỡng mộ trên cả hai sự nghiệp thi đấu và kinh doanh. Nhà hàng của anh có tên Brett Favre's Steakhouse ở Green Bay, bang Wisconsin. Mang tiếng là nghề tay trái nhưng Brett tốn không ít công sức vào “tác phẩm” của mình.

John Whitehead, quản lý nhà hàng của Brett cho biết: “Ông chủ Brett đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào nhà hàng. Anh ấy cũng nghiên cứu nhiều chiến thuật để cho Brett Favre's Steakhouse có thể trụ vững và ăn nên làm ra. Cách đây 5 năm, chúng tôi đã tiến hành đổi mới lại nhà hàng từ việc nâng cao chất lượng món ăn đến thay đổi rượu và cả trang trí bàn ăn theo nhiều kiểu khác nhau nữa. Kết quả thật xứng đáng, doanh số năm nào cũng tăng đều đặn 10-15%”.

Cho đến nay, Brett Favre còn dự tính mở thêm một vài nhà hàng như vậy nữa. Anh đã tự tin hơn về kinh nghiệm mình tích lũy được. “Nhà hàng đã trở thành niềm đam mê mất rồi” - Brett tâm sự.

Amos Zereoue cũng là một VĐV khá thành công khi mở nhà hàng mang tên chính mình. Ngoài thời gian làm hậu vệ chạy tuyến sau cho Pittsburgh Steelers, anh lại trở về tổ ấm thứ hai, nhà hàng Zereoue ở khu Manhattan chuyên về các món ăn Pháp và châu Phi. Đây là nơi anh thi thố tài nghệ của mình.

“Không còn huấn luyện viên, cũng không còn đồng đội, nếu thất bại thì đó hoàn toàn do tôi” - Amos chia sẻ. “Đặt địa điểm ở Manhattan cũng có nhiều thuận lợi. Những người thân, bạn bè và cả những người hâm mộ cũng biết đến Zereoue dễ dàng hơn. Nhưng đối tượng mà tôi quan tâm đến nhiều nhất chính là hàng xóm vì họ sẽ là khách hàng thường xuyên nhất. Và còn gì tuyệt vời hơn nếu họ yêu mến Zereoue và nói với bạn bè rằng, tiệm Zereoue gần nhà phục vụ đồ ăn cực ngon”.

Nhưng cả Michael Jordan, Brett Favre và Amos Zereoue cũng phải công nhận rằng những VĐV rành nghề kinh doanh nhà hàng nhất là Joe Theismann và Rusty Staub.

Joe nguyên là tiền vệ của Đội Washington Redskins. Ông mở nhà hàng lần đầu tiên năm 1975 và đặt tên là Joe Theismann's Restaurant. Ông làm tất cả mọi việc từ rửa đĩa, lau bàn, hút bụi sàn nhà, phục vụ ở quầy bar... “Tôi sẵn sàng xắn tay áo lên vì đó là một niềm đam mê máu thịt. Đặt mình ở vị trí người phục vụ, tôi mới hiểu ra nghề này khó khăn biết bao. Nhưng cũng rất thú vị khi thực khách cảm thấy ngon miệng và hài lòng. Một nụ cười mãn nguyện, một lời cám ơn là động lực mạnh mẽ để tôi tiếp tục nghề tay trái của mình”.

Về phần Rusty Staub, ông cũng là một VĐV kỳ cựu có thâm niên trong việc kinh doanh nhà hàng. Cả hệ thống quán ăn Rusty's đều nằm ở Manhattan. Điều thuận lợi khi bước vào thương trường của Rusty là ông rất thích nấu nướng và khá khéo tay.

Trong cả cuộc đời mình, Rusty nhận ra rằng ở trên sàn đấu, VĐV phải bỏ công sức luyện tập gian khổ để gầy dựng nên một danh hiệu nhưng khi mang ra ngoài đời, danh hiệu đó không phải là tất cả. “Khách hàng có thể đến ăn lần đầu vì tò mò nhưng sẽ không quay lại chỉ vì anh là VĐV nổi tiếng. Điều quyết định nhà hàng có thành công hay không là do chất lượng món ăn và sự phục vụ”.

Một nhân vật gặt hái được thành công khác là Don Shula-cựu HLV của Miami Dophins. Tính đến nay, đã có 25 nhà hàng mang tên Don Shula trên khắp nước Mỹ. Don Shula trở thành một thương hiệu hái ra tiền và rất nhiều nhà đầu tư muốn được kinh doanh nhượng quyền từ HLV này.

Điều làm chuỗi nhà hàng Don Shula có danh tiếng lẫy lừng không nằm ngoài sự cố gắng miệt mài và tâm huyết của chính ông chủ. Mất rất nhiều thời gian, Don Shula mới hoàn thiện được cơ cấu kinh doanh cũng như bí quyết chế biến ra các món ăn hảo hạng. Sau 5 năm mày mò, Don Shula mới tạo dựng được một bản sắc riêng và từ đó nhà hàng thứ 2, thứ 3... lần lượt ra đời

G.K.(tổng hợp)
.
.