"Cảnh sát" robot

Thứ Sáu, 16/05/2008, 17:00
Mùa hè năm 2007, ở thành phố Perme (Nga), một "cảnh sát" mới và hết sức đặc biệt gia nhập lực lượng – đó là cảnh sát robot. Viên "cảnh sát" mới này đã thu hút sự chú ý của nhiều người bởi vì cân nặng đến gần 250kg và cao gần 2 mét!

"Cảnh sát" robot có tên gọi R Bot 001, không bước đi mà lăn trên đường phố trên những bánh xe. R Bot 001 được trang bị 5 video camera và nhiệm vụ chính của nó là giám sát đường phố để phát hiện tội phạm. Trên thân robot có một nút cho phép người dân ấn vào mỗi khi cần liên lạc với đồn cảnh sát.

Robot có thể đưa ra một số lệnh đơn giản, ví dụ như bảo khách bộ hành say rượu hãy về nhà ngủ. Tuy nhiên R Bot 001 còn ở mức thử nghiệm và đã hư hỏng hệ thống điện sau vài giờ nhận nhiệm vụ ngoài phố do trời mưa (lớp vỏ ngoài của robot thấm nước!).

Tuy nhiên, R Bot 001 chưa phải là robot đầu tiên đứng trong hàng ngũ cảnh sát, mà trước đó nhiều lực lượng cảnh sát đã sử dụng robot cho những tình huống nguy hiểm, như là gỡ bom hay thu thập thông tin để giải cứu con tin. "Cảnh sát" robot không làm việc tự động mà được điều khiển từ xa bởi cảnh sát thật.

Tùy theo model mà robot có thể là không dây hay có dây cáp nối với thiết bị kiểm soát. Các robot không dây được kiểm soát bằng remote. Viên cảnh sát thật sẽ kiểm soát robot bằng console được thiết kế đặc biệt cho robot hay laptop cài phần mềm tương thích. Một số model sử dụng bộ phận điều khiển được nối với laptop, trong khi một số khác đòi hỏi nhập liệu qua bàn phím.

"Cảnh sát" robot có thể làm nhiệm vụ trong ga xe lửa, trong xe buýt hay thậm chí leo cả cầu thang.

Một vài hãng sản xuất robot "cảnh sát" với nhiều mẫu mã khác nhau tùy theo yêu cầu của các lực lượng cảnh sát. Nhưng phần lớn các model đều được thiết kế với những đặc điểm cũng như chức năng cơ bản như nhau. Do việc thiết kế robot bước đi bằng chân khá là phức tạp, nên "cảnh sát" robot thường được lắp đặt với bánh xe cao su hay bánh xích.

Một số model có bánh hơi để dễ di chuyển và thay thế. Một số model được thiết kế đặc biệt cho phép di chuyển trên mọi địa hình, thậm chí leo cầu thang. "Cảnh sát" robot có cánh tay (có khớp) thường được sử dụng để làm việc với bom hay chất liệu nguy hiểm. Cánh tay robot phải có các khả năng như tay người, với các bộ phận như vai, khuỷu tay và khớp cổ tay. Phía đầu cánh tay robot là thiết bị dạng móc với 2 ngón có chức năng cầm nắm.

"Cảnh sát" robot sử dụng video camera để truyền hình ảnh đến laptop hay console của sĩ quan cảnh sát điều khiển. "Cảnh sát" robot có ít nhất 2 hay 3 camera để giúp viên cảnh sát điều khiển dễ theo dõi mọi diễn biến. Một số mẫu mã robot còn có camera gắn ở mỗi khớp cũng như camera tĩnh tại gắn chặt vào thân robot.

Các nhà thiết kế còn cho lắp đặt micrô và loa trên thân robot để giúp cảnh sát nghe được những âm thanh trong môi trường làm việc của robot. Hiện nay, robot đã trở thành tai mắt của lực lượng cảnh sát và hoạt động rất hiệu quả trong những tình huống nguy hiểm.

Nhiệm vụ phổ biến nhất của "cảnh sát" robot là dò phá bom mìn. Mặc dù giá thành một con robot là khá đắt song dù sao cũng chẳng đáng gì nếu so sánh với mạng người. Một số robot cứng cỏi đến mức có thể sống sót qua nhiều lần trúng bom.

Khi phát hiện khả năng có bom, cảnh sát sẽ sử dụng hệ thống camera trên thân robot để đánh giá tình hình. Nếu robot có khả năng tiếp cận chất nổ, cảnh sát điều khiển sẽ sử dụng càng móc của robot để di chuyển chất đó đến địa điểm gây nổ an toàn. Trong trường hợp quả bom sẽ phát nổ khi được di chuyển thì cảnh sát buộc phải đích thân hành động.

Cảnh sát robot cũng được giao nhiệm vụ cảnh giới. Một robot có micrô và thiết bị nhìn ban đêm có thể tiếp cận khu vực nguy hiểm và truyền thông tin về cho cảnh sát điều khiển. Trong trường hợp này, cảnh sát sẽ tiết kiệm được thời gian đánh giá tình huống và không đặt một người vào vòng nguy hiểm.

Ngoài ra, với hệ thống audio 2 chiều lắp trên thân robot, cảnh sát có thể nói chuyện với bọn bắt cóc con tin. Một lợi thế nữa là hệ thống camera của robot có khả năng tiếp tục thu thập thông tin tình báo trong khi cảnh sát đang tiếp xúc với bọn tội phạm qua đường audio 2 chiều. Ngoài ra, cảnh sát cũng sử dụng robot để tiếp tế thức ăn cho con tin.

Một số "cảnh sát" robot được thiết kế bộ phận cảm biến để dò tìm mọi thứ từ chất ma túy cho đến vũ khí sinh học, phóng xạ hay hóa học. Một số robot đủ mạnh mẽ để kéo nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm chết người. Các công ty như Remotec và RoboticFX hiện đang nỗ lực phát triển các thế hệ robot mới cho lực lượng cảnh sát, quân đội hay tổ chức cứu hộ.

Thế hệ robot mới trong tương lai hứa hẹn sẽ hoạt động hiệu quả hơn, năng lượng sử dụng lâu dài hơn, cánh tay có nhiều khớp hơn và có thêm nhiều tính năng đặc biệt để hỗ trợ cảnh sát hoàn thành những nhiệm vụ nguy hiểm.

Trong tương lai, robot phục vụ lực lượng cảnh sát sẽ tự động hóa tối đa, thậm chí có thể tự khai hỏa khi cần thiết. Tuy nhiên, người ta đang tranh cãi chuyện gì sẽ xảy ra một khi "cảnh sát" robot vũ trang tự hành động và có nguy cơ gây hại cho người vô tội?

Hiện nay số lượng "cảnh sát" robot còn rất ít, song chỉ trong vài thập niên nữa chúng ta sẽ nhìn thấy chúng tràn ngập trên đường phố để săn bắt tội phạm

Trần Thanh Phong (theo Stuff Works)
.
.