Chuyện lạ: Biết đọc từ năm lên ba

Thứ Hai, 03/05/2010, 13:40
Có một gia đình ở Hà Nội, cha làm đầu bếp, mẹ nội trợ nhưng sinh được 2 con thì cả hai đều tự nhiên biết đọc từ năm 3 tuổi. Cháu trai lớn hiện đã học lớp 1, vẫn học rất giỏi. Còn cháu gái thứ 2, năm nay 4 tuổi, chưa bao giờ cắp sách đến trường, kể cả mẫu giáo. Chưa được ai dạy một chữ cái nào và cũng chưa thuộc hết mặt chữ, nhưng cháu Hồ Vân Nhi, sinh năm 2006, ở số nhà 16, ngõ 31, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội đã đọc sách, báo vanh vách như trẻ đã đi học phổ thông.

Đến nhà Vân Nhi vào một buổi tối, thấy cháu đang ngồi trên ghế và trước mặt là một chồng truyện tranh Đôrêmon cùng báo Họa mi. Đôi mắt to đen lay láy như hạt nhãn của Nhi đang "dán" vào quyển truyện tranh tập 1 Đôrêmon để đọc say sưa. Nhi lại còn đọc diễn cảm nữa theo từng câu đối thoại ở trong truyện.

Chẳng hạn, với câu: "Chạy mau! Kẻo chính cậu sẽ bị xe đụng đấy", giọng đọc của Nhi hối hả, thúc giục... cứ như chính cháu là người trong cuộc vậy. Hay đến đoạn thoại: "Hu hu hu, hỏng xe em rồi bắt đền anh đấy!... "Đứa nào bắt nạt cháu ta thế?"... Lúc lên bổng, khi xuống trầm, giọng Nhi diễn tả theo đúng hoàn cảnh, nội dung của truyện.

Nếu không được chị Hoa, mẹ của cháu giới thiệu, nghe đọc như vậy thì chắc chắn ai cũng tưởng rằng, Nhi đã là học sinh lớp 1. Vì ngoài việc biết đọc truyện, Nhi còn là đứa trẻ bụ bẫm, cao lớn hơn so với những trẻ cùng lứa khác. Mới 4 tuổi, Nhi đã nặng gần 20kg và cao 1,2m.

Nhớ lại ngày mới sinh Nhi, chị Hoa kể, khi sinh ra cháu nặng 4kg, bụ bẫm và háu ăn lắm. Nhưng càng lớn, Nhi càng biếng ăn, có khi phải rong ruổi khắp từ đầu làng tới cuối xóm, Nhi mới ăn hết bát bột, cháo hoặc bình sữa. Mặc dù lười ăn nhưng chắc vì hấp thụ thức ăn tốt nên Nhi không bị còi cọc như nhiều đứa trẻ biếng ăn khác. Năm 1 tuổi, Nhi bắt đầu bập bẹ nói những tiếng đầu tiên. Đến năm 2 tuổi thì Nhi nói sõi, chỉ có một số từ bắt đầu bằng "th" thì cháu nói thành "kh".

Đến năm 3 tuổi thì cháu biết đọc. Chị Hoa kể lại: “Hồi đó, thấy cháu cứ cầm tờ báo Họa mi hay quyển truyện tranh của anh trai lầm rầm đọc. Chúng tôi tưởng cháu chỉ đọc đùa... theo trí tưởng tượng. Nào ngờ, bất chợt một hôm, hai mẹ con ngồi với nhau, thấy cháu đọc truyện tôi mới để ý xem cháu tưởng tượng từ cái gì trong đó để đọc. Hóa ra cháu đọc thật, đọc đúng như nội dung của truyện và không sai một chữ”. Thế là từ đấy, chị Hoa mua truyện cho con trai lớn thì cũng mua luôn cho con gái út Hồ Vân Nhi.

Khi chúng tôi đưa số Chuyên đề ANTG gần đây nhất cho Nhi, cháu đã đọc mạch lạc từ đầu đến cuối. Như trong bài: “Những chuyện chưa biết về viên tướng tình báo...” Nhi đã đọc trôi chảy: “Tôi như nín thở, chờ nghe tiếp ý kiến của ông - “Theo yêu cầu của Trung ương, đơn vị sẽ cử một cán bộ mới ở trong thành về căn cứ, ra Hà Nội báo cáo gấp...”. Riêng đối với những tên riêng tiếng nước ngoài thì Nhi không đọc được. Còn những từ "khuỷu", "coong", "quẹo"... phải nghĩ hồi lâu, cháu mới đọc được. Hoặc chữ "th" cháu vẫn đọc thành "kh" như đã nói. Như ở những từ: "chính thức"; "thuộc về", "tha hồ"..., cháu đọc thành: "chính khức", "khuộc về", "kha hồ"... Nhưng những tiếng bị ngọng nghịu đó, như phản xạ tự nhiên, Nhi đọc rất nhỏ, dù nó ở giữa hay cuối câu.

Một lạ kỳ nữa trong khả năng biết đọc một cách tự nhiên của Nhi, ấy là cháu đọc nhanh lắm. Như một cái máy. Đã thế, đọc đến hết hơi Nhi mới nghỉ chứ không dừng ở các dấu chấm, phẩy nên nếu không chú ý lắng nghe, theo dõi sẽ có cảm giác Nhi đang đọc... tiếng Tây.

Biết đọc, lại đọc nhanh như vậy, song Nhi lại không biết đánh vần. Nếu viết ra bất kể một từ ngữ nào, cháu đều không thể đánh vần được ngoài việc đọc trôi chảy từ ngữ ấy. Nhi cũng chưa nhận dạng hết các chữ cái cũng như chưa phân biệt được cách đọc đối với các chữ "ch" - "tr"; "s" - "x". Nói tóm lại, khả năng biết đọc của Nhi hoàn toàn là bản năng, là "thiên phú"...

Bên cạnh khả năng biết đọc, hội họa cũng là năng khiếu của Nhi. Em vẽ hình và phối màu rất đẹp. Chỉ nhìn ở truyện tranh thôi, mà Nhi đã vẽ chú mèo máy Đôrêmon hệt như vậy. Cháu còn hát hay múa giỏi... Khi mẹ phải mổ ở bệnh viện vì ung thư tuyến giáp, Nhi đã mang một gói quà được gói ghém, trang trí rất cầu kỳ, cẩn thận đến tặng mẹ. Khi mở gói quà ấy ra, chị Hoa đã phát khóc vì trong đó là một mảnh giấy được ghi bằng những dòng chữ vụng về với nội dung đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa: "Con có một  điều ước: mẹ sẽ khỏi bệnh, khỏe mạnh để ở nhà với con và anh Dũng. Chúng con yêu mẹ lắm!".

Đến bây giờ kể lại chuyện này, chị Hoa vẫn xúc động không thể kìm nổi những giọt nước mắt. Chị còn tâm sự, sở dĩ Nhi có thể viết dòng chữ như vậy vì từ ngày biết đọc, chị và con trai lớn là anh trai của Nhi đang học lớp 1 đã dạy Nhi tập viết. Dẫu viết chưa đẹp nhưng cháu chịu khó tập viết và viết được nhiều từ ngữ. Trước sự chứng kiến của nhiều người, cháu đã viết tên của cháu, của mẹ, bố...  cùng với dòng chữ: "Con yêu mẹ nhiều lắm!".

Không chỉ Nhi,  anh trai Nhi là Hồ Tiến Dũng, cũng có khả năng đặc biệt như cháu. Khác một chút với em gái, Hồ Tiến Dũng còn có khả năng sắp xếp theo đúng trật tự những con số lên đến hàng nghìn và ghép chữ cái thành tên của bố, mẹ... cùng những từ ngữ mà em đã đọc (vì khi đó Dũng chưa biết viết). Hiện nay Dũng đang học lớp 1 tại Trường tiểu học Ngọc Khánh. Cháu học vẫn rất giỏi, dễ dàng giải những bài toán lớp 2 và trả lời thành thạo về những bài tiếng Việt  chưa từng học đến.

Với hiện tượng, hai anh em cùng ở một nhà, cùng cha mẹ sinh ra, cùng "tự nhiên" biết đọc đúng khi lên 3 tuổi như Dũng và Nhi đáng để các nhà khoa học nghiên cứu và lý giải về khả năng đặc biệt của các em, nhất là khi trong gia đình, dòng họ chưa từng có "tiền lệ" như thế. Giá mà, trong ngành giáo dục cũng có lớp dành riêng cho những trường hợp đặc biệt như Dũng và Nhi để đào tạo, bồi dưỡng thì tốt cho nước nhà biết mấy...

Duy Hưng
.
.