Cố cung Tử Cấm Thành

Thứ Ba, 23/01/2007, 11:00
Cố cung là hoàng cung của hai triều đại Minh, Thanh. Trung Quốc ngày nay gọi là Cố cung, xưa có tên là Tử Cấm Thành. Tử Cấm Thành được xây từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 đến năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1406-1402) nhà Minh. Nơi này đã trải qua 24 đời hoàng đế của hai triều Minh - Thanh.

Năm 1912, vị vua cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi thoái vị nhưng vẫn ở trong cung. Ba cung điện lớn là Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa trở thành nơi trưng bày cổ vật.

Năm 1924, Phùng Ngọc Tường cầm đầu cuộc nổi dậy ở Bắc Kinh, đuổi Phổ Nghi ra khỏi cung. Năm 1925, thành lập Viện Bảo tàng Cố cung, nên dân chúng mới gọi là Cố cung mà không gọi là Tử Cấm Thành nữa.

Tử Cấm Thành với tường đỏ, ngói vàng, vách vàng lộng lẫy. Tại sao gọi là Tử Cấm Thành? Có mấy thuyết như sau:

Có thuyết cho là lấy điển tích từ Trung Quốc cổ đại: “Tử khí nhi lai” (Ráng tía từ phía đông tới). Truyền thuyết cho rằng, Lão Tử rời cửa quan Hàm Cốc, quan lệnh doãn nhìn thấy có ráng tía từ phía đông tới, biết là có thánh nhân qua cửa quan.

Chẳng bao lâu, quả nhiên Lão Tử cưỡi trâu xanh thủng thẳng tới. Quan lệnh doãn mời Lão Tử viết Đạo đức Kinh nổi tiếng. Về sau gọi ráng tía như là một điềm lành, là điềm đế vương, thánh hiền hoặc những bảo vật xuất hiện.

Trung Quốc cổ đại cho màu tía là sang nên bậc quân vương mặc áo tía. Sau thời Nam – Bắc  triều, áo tía trở thành màu y phục của hoàng phái. Đời Đường quy định, các bậc thân vương, các quan từ tam phẩm trở lên mới được mặc áo tía, quan ngũ phẩm trở lên mặc áo đỏ.

Ngoài ra, điềm lành xưa thường gọi là mây tía (tử vân), vùng biển các thần tiên ở gọi là tiểu tía (tử hải). Có vị tiên trong truyền thuyết xưng là Tử Hoàng; con đường ngoại ô của đế đô gọi là tử mạch; nơi vua ở thâm nghiêm, canh phòng cẩn mật là vùng cấm dân chúng qua lại, gọi là Tử Cấm Thành.

Có thuyết cho tên Tử Cấm Thành do từ huyền thoại, truyền thuyết. Hoàng đế cho mình là con Thiên đế, tức con trời (Thiên tử). Theo truyền thuyết thì Thiên đế ở Thiên cung, con trời tất nhiên cũng phải ở Thiên cung. Chương Thích Thiện sách Quảng nhã viết: “Cung trời gọi là cung tía”, cung điện mà hoàng đế ở gọi là Tử cung (Cung tía).

Xe vua xưa lấy màu tía làm mái che, cung vua ngoài  các tên đài tía, gác tía, còn có tên là sân tía (tử đình), cửa khuyết tía (tử khuyết)... Cung Hoàng thái hậu ở được gọi là phòng tía (tử phòng)... Tử Cấm Thành cũng là do từ cung tía mà thành...

Có thuyết cho là dựa vào thiên văn mà có tên Tử Cấm Thành. Thiên văn học cổ đại cho là trên trời có 3 chòm sao gồm nhị thập bát tú (28 ngôi sao), có ảnh hưởng đến hạ giới. Ba chòm sao đó là chòm Thái Vi, chòm Tử Vi và chòm Thiên Thị, mà chòm Tử Vi lại ở chính giữa, nên đời gọi sao Tử Vi là Thiên Tử. Sao Tử  Vi là sao Bắc Đẩu, các ngôi sao khác vây chầu xung quanh, cho nên thời cổ đại có thuyết “Sao Tử Vi ở chính giữa”.

Người xưa đã lấy sao Tử Vi ví như Thiên Tử, vùng sao Tử Vi coi như là đất Hoàng cực nên gọi cung điện đế vương là Tử cực, Tử cấm, Tử viên. Thơ Bạch Cư Dị cũng nhắc đến Tử viên, có thể thấy cách gọi này đã có từ thời nhà Đường.

Cố cung Bắc Kinh từ nam sang bắc dài 961m, từ đông sang tây rộng 753m, chu vi khoảng 7 dặm, chiếm 1.087 mẫu, toàn bộ cung điện nhà cửa, phòng, khoảng trên 9.000 gian. Chung quanh có tường thành cao hơn 10, sừng sững một tòa thành của bậc đế vương, gọi là Tử Cấm Thành.

Nơi đây chẳng những chỉ là nơi tôn nghiêm bậc nhất mà còn có nghĩa là thành của Thiên tử. Cứ theo như lối kiến trúc ở Cố cung thì điện Thái Hòa ở chính giữa, cao vượt hẳn lên tượng trưng là trời, cao nghiêm và vĩ đại. Hai cung Càn Thanh và Khôn Ninh, tượng trưng trời và đất, hai sườn là hai cửa Nhật Tinh và Nguyệt Hoa, tượng trưng cho mặt trời mặt trăng...

Theo các nhà chiêm tinh học thì tên cũ của Cố cung là Tử Cấm Thành, trong thuật ngữ thiết kế kiến trúc là “Châu liên bích hợp, cao độ thống nhất”

Ngô Văn Phú (theo Hoa Cường trong thiên cổ chi mê)
.
.