Công nghệ cao dành cho... thế giới vĩnh hằng

Thứ Tư, 16/03/2016, 09:40
Yumiko Nakajima, một phụ nữ khoảng tuổi 70, đang chọn lựa phần mộ cho riêng mình. Nhưng thay vì chọn phiến đá trong nghĩa trang ngoài trời, bà chú ý ngắm nghía bức tượng Phật bằng pha lê màu xanh bày bên trong Ruriden - ngôi nhà nhỏ chứa tro cốt cực kỳ hiện đại thuộc ngôi đền Koukoko-ji ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Bức tượng Phật mà Nakajima chọn chỉ là một trong số 2.045 bức tượng khác được chiếu sáng bằng đèn LED nhiều màu bố trí trên khắp các bức tường tạo nên một không gian huyền ảo của thế giới vĩnh hằng. Được đồng bộ hóa với thẻ nhận dạng chứa mã PIN, những bức tượng nhỏ sẽ đổi màu sau khi nhập thông tin thẻ giúp cho người thân đến viếng dễ dàng nhận ra vị trí đặt tro cốt.

Ở Nhật Bản với tỷ lệ sinh đẻ không ngừng giảm, không gian chật chội nơi thành thị và giá đất ở nghĩa trang cao ngất ngưởng đã khiến người ta nghĩ đến việc xây dựng một nơi hiện đại lưu giữ tro cốt đồng thời tạo sự tiện lợi cho những người thân khi đến tưởng niệm người đã khuất.

Bên trong nghĩa trang công nghệ cao Rurikoin.

Theo truyền thống, mỗi gia đình sở hữu một mảnh đất nhỏ và ngôi mộ đá - với giá khoảng từ 230.000 yen (20.000 USD) đến 460.000 yen (40.000 USD) - trong khu nghĩa trang ở vùng thành thị. Sau khi người chết được hỏa táng, lọ đựng tro cốt được đặt vào bên ngôi mộ gia đình mua sẵn. Ngôi mộ được gìn giữ qua nhiều thế hệ với mức phí được trả hàng năm.

Người thân sẽ viếng mộ vào lúc nào có thể hoặc vào những dịp lễ đặc biệt như Obon - nghi lễ Phật giáo Nhật Bản kéo dài 3 ngày để tưởng niệm linh hồn tổ tiên. Tuy nhiên trong vài thập niên qua, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ cũng như sự thay đổi lối sống của người Nhật Bản, những nghĩa trang công nghệ cao với mức giá hợp lý giống như Ruriden đã hình thành giữa lòng thành thị, những nơi này sử dụng thẻ nhận dạng thông minh cho phép người thân lưu trữ mọi thông tin liên quan đến người chết.

Bà Yumiko Nakajima chỉ là một trong những người cao tuổi chuẩn bị trước cho mình nơi yên nghỉ với phần mộ tiết kiệm nhất. Chồng của bà đã qua đời cách đây 2 năm và được chôn cất trong phần mộ gia đình nơi quê nhà Kyoto. Bà Nakajima không có con cái và cũng muốn tạo điều kiện cho người em trai dễ viếng mộ sau khi bà qua đời.

Sư thầy Taijun Yajima cầu nguyện cho linh hồn người chết vào mỗi buồi sáng ở Ruriden.

Taijun Yajima, sư thầy trụ trì ngôi đền Koukokuji và quản lý Ruriden, xây dựng tòa nhà nghĩa trang hiện đại năm 2006. Lúc đó, Ruriden là kiểu mẫu duy nhất ở Nhật Bản. Yajima cho biết ông nảy sinh ý tưởng độc đáo vì muốn thích nghi với các chuẩn mực xã hội thay đổi nhanh chóng theo thời gian. Ý tưởng trung tâm của Ruriden là cung cấp nơi yên nghỉ cho những người không có con cháu để họ không cảm thấy cô đơn ở cõi vĩnh hằng.

Những bức tượng trong Ruriden được thể hiện từ đứa bé 9 tháng tuổi đến người 99 tuổi. Chiếc hộp đựng tro cốt một người có giá khoảng 750.000 yen (6.600 USD). Phí bảo dưỡng hàng năm là 9.000 yen (80 USD) và tro cốt được gìn giữ trong Ruriden trong suốt 33 năm trước khi được chôn cất tử tế bên dưới nền toà nhà.

Khác với Ruriden, tính thẩm mỹ được chú trọng nhiều hơn ở Shinjuku Rurikoin Byakurengedo. Rurikoin - trông giống như chiếc tàu vũ trụ nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng ở Tokyo - là công trình của kiến trúc sư Kiyoshi Sey Takeyama và công nghệ sử dụng ở đây được giữ bí mật tuyệt đối.

Những người đến viếng Rurikoin cũng không được phép chụp ảnh. Bên trong Rurikoin là đủ loại công trình tinh tế từ các phòng cầu nguyện cho đến phòng hòa nhạc.

Taijun Yajima giải thích về thẻ thông minh cho Nakajima.

Naoko Kinoshita, thành viên ban quan hệ công chúng của Rurikoin, giải thích: "Mỗi công trình phức hợp như thế này đều sở hữu công nghệ cũng như mang tính mỹ học riêng. Chúng tôi chào đón mọi người đến viếng Rurikoin, song họ cũng có thể là chuyên gia công nghệ giả danh muốn đánh cắp công  nghệ của chúng tôi".

Theo Kinoshira, các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia và Trung Quốc cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề đất chật người đông cho nên công nghệ Rurikoin dễ có bản sao. Đó là lý do mà Kinoshita không muốn tiết lộ chi tiết về công nghệ được sử dụng ở Rurikoin mà chỉ cho biết hệ thống được thiết kế bởi nhà chế tạo ôtô Toyota. Tại Rurikoin cũng như Ruriden, mỗi gia đình đều được cấp thẻ nhận dạng với mã PIN.

Ở Rurikoin, sau khi thẻ được quét qua thiết bị dò, hệ thống máy tính trung tâm sẽ kích hoạt băng chuyền và hệ thống nâng được giấu kín, cơ cấu tương tự như hoạt động chuyển sách từ tầng hầm thư viện đến phòng đọc hay như di chuyển ôtô trong tầng hầm garage nhiều tầng lên mặt đường.

Thục Miên (tổng hợp)
.
.