Công nghệ nano đã có từ... 16 thế kỷ trước

Chủ Nhật, 15/09/2013, 12:25

Điều khẳng định này chắc sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều độc giả, bởi ai cũng đinh ninh rằng vật liệu nano siêu nhỏ là phát minh công nghệ mới của nền khoa học hiện đại. Nhưng không hẳn vậy.

Theo giáo sư Ian Freestone, Trưởng Khoa Khảo cổ học thuộc Trường đại học Tổng hợp London, Anh, thì chiếc cốc uống nước thời La Mã cổ đại có tên gọi Lycurgus Cup (chiếc cốc của Vua Lycurgus), nổi danh qua biệt hiệu “chén thánh” theo thần thoại Hy Lạp được cấu thành bởi… công nghệ nano.

Qua kính hiển vi điện tử, các nhà khoa học đã phát hiện những hạt nhỏ li ti bằng bạc và vàng khảm thành khung đỡ cốc có kích thước 50nm (nanomet), với 1nm = 10-9m nghĩa là 1.000 lần bé hơn kích thước một hạt muối ăn thông thường. Phần vỏ chén thánh được làm theo kiểu kính lồng, với nhiều lớp kính lưỡng sắc có tính chất quang học khác biệt. Ví như khi chiếu sáng vào mặt trước cốc thì kính sẽ có màu xanh lá cây, còn chiếu ngược lại kính liền chuyển sang màu đỏ.

Đồng thời các chuyên gia cũng thử theo cách khác như đổ nước vào cốc lập tức lồng kính có màu xanh, còn khi đổ dầu ăn vào lồng kính của vỏ cốc lại có màu đỏ.

Được biết, qua phân tích đồng vị phóng xạ Carbon-14, thì chén thánh được giới nghệ nhân La Mã cổ đại chế tác vào thế kỷ IV. Tương truyền chiếc chén thánh với tính chất lợi hại này chỉ được dùng trong những dịp đặc biệt, khi Vua Lycurgus khoản đãi bạn bè thân hữu, hay lập mưu đầu độc kẻ thù. Hiện vật Lycurgus Cup vô giá đang được trưng bày tại thủ đô London

Q.Phú (theo Daily Mail)
.
.