Cung điện Grimaldi

Thứ Hai, 21/08/2006, 08:00
Từ thời Hy Lạp cổ đại, phần doi đất gồ ghề và cảng biển tự nhiên của Monaco đã luôn được xem là một địa thế đầy chiến lược. Tuy nhiên, cái tên Monaco chỉ mới được ghi vào lịch sử  khi người Genoa thiết lập nó vào thế kỷ XII và được Hoàng đế Phổ Frederick I công nhận như là một phần lãnh thổ của nước Cộng hòa Genoa vào năm 1162.

Người Genoa là những thương nhân buôn bán khắp vùng Trung Đông và phương Đông, chuyên cung cấp cho các vua chúa nước ngoài các nguồn tài chính, tàu bè... Grimaldi là một trong những dòng họ quý tộc ở Genoa. Vào đêm 8/1/1297, giữa lúc trời đang mưa gió tầm tã, một gã đàn ông tên  François Grimaldi - với biệt danh là “François  cáo già” - đã cải trang thành một thầy tu, xin được tá túc tại thành trì  Monaco.

Người lính canh khờ khạo đã mở cửa cho ông ta vào. Đến nửa đêm, François vùng dậy, giết chết người lính canh và mở cửa thành, đón những người Grimaldi khác vào. Dòng tộc Grimaldi luôn đấu tranh kịch liệt để giữ gìn lãnh thổ của mình. Và để đạt được điều đó, họ đã tiến hành chiến tranh với cả Genoa, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Phổ. Cái giá phải trả cho những cuộc phong tỏa và giáp chiến là sự sụp đổ thê thảm của các thành trì. Những lãnh chúa Monaco phải tranh thủ liên minh ngoại giao với nước Pháp láng giềng.

Cuối cùng, vào năm 1480, Lucien Grimaldi mới thuyết phục được Vua Charles của Pháp công nhận chủ quyền của Monaco. Năm 1633, Vua Tây Ban Nha vĩnh viễn công nhận tước hiệu “Ông hoàng Monaco” thay cho danh hiệu “Lãnh chúa Monaco”. Và khu pháo đài cổ xưa đã được xây dựng lại trong suốt 30 năm sau đó để trở thành lâu đài Grimaldi xinh đẹp với rất nhiều kiệt tác nghệ thuật. Nhưng thật không may là cuộc Cách mạng Pháp đã tác động lớn đến tòa lâu đài và hoàng tộc Grimaldi.

Cung điện bị đổi tên thành Thành trì của Hercules, bị dân chúng xâm chiếm, cướp phá. Tài sản của dòng họ Grimaldi bị đem bán đấu giá, phòng khánh tiết bị biến thành bệnh viện, phòng ngai vàng biến thành nhà bếp, phần còn lại biến thành... nhà tế bần. Tháng 5-1814, Monaco mới được trả về cho dòng họ Grimaldi và được đặt dưới quyền bảo hộ liên tục của nước Pháp. Và ông hoàng Rainier III là người rất có công  trong việc khôi phục lại hình ảnh huy hoàng của tòa cung điện, như chúng ta thấy ngày nay.

Giờ đây, cứ từ tháng 6 cho đến tháng 10 hàng năm, cung điện mở cửa cho du khách vào tham quan. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng chiếc sân khổng lồ được lát với 3 triệu viên đá thành những cấu trúc hình học lạ mắt, những bức họa của người Genoa từ thế kỷ XVI về những đề tài thần thoại, những bức tường phủ lụa kim tuyến, Viện bảo tàng Napoléon, bộ sưu tập 100 chiếc xe hơi cổ của Ông hoàng Rainier trong không gian 4.000 m2...

Tuy nhiên, cung điện Grimaldi gồm 225 căn phòng mênh mông chỉ mở cửa một phần cho du khách tham quan. Bước được vào chính điện cũng khó khăn không kém gì việc ngày xưa “François cáo già” lọt được vào thành Monaco. “Danh dự, trung thành và tận hiến với nhiệm vụ” là châm ngôn của Đội Vệ binh hoàng gia, có nhiệm vụ canh gác cẩn mật cung điện và các thành viên hoàng gia suốt 24/24 giờ. Đội Vệ binh bao gồm 3 sĩ quan, 15 thượng sĩ và 80 binh nhì, đa số là những quân nhân Pháp được huấn  luyện cao cấp. Vào đúng 11 giờ 55 phút mỗi sáng, họ tập trung tại Quảng trường Cung điện để tiến hành  trao đổi phiên gác.

Nghi thức này được thực hiện từ hơn 100 năm qua, với bộ quân phục màu trắng cho mùa hè và màu đen cho mùa đông. Tuy nhiên, nghi thức này mới chỉ là một trong rất nhiều nhiệm vụ của Đội Vệ binh hoàng gia: hộ tống các đám rước tôn giáo, dân sự, nghi lễ, bảo đảm an ninh cho các sự kiện thể thao, lễ lạc, hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Monaco, giúp người khuyết tật di chuyển, cứu nạn trong những trường hợp khẩn cấp của quốc gia. Đội vệ binh này còn có những thợ lặn tài ba, được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh mặt nước, vùng biển và đo đạc độ ô nhiễm của môi trường nước.

Nhóm môtô trong Đội Vệ binh hàng ngày phải giao thư từ, báo tin tức, hộ tống các thành viên hoàng tộc và những nguyên thủ nước ngoài đến thăm quốc gia. Đội Vệ binh là một tập hợp của những chuyên gia của nhiều ngành nghề: xạ thủ, kế toán, thợ điện, thợ máy, thợ mộc, thợ sơn, thợ sửa ống nước, sửa chữa radio, thiết kế... Họ có thể làm việc độc lập mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Đội Quân nhạc gồm 26 nhạc công được huấn luyện với những nhiệm vụ tương tự như  Đội Vệ binh, nhưng họ còn có thêm biệt tài trong âm nhạc. Khả năng đa dạng khiến họ luôn có mặt trong các nghi lễ quốc gia, các sự kiện thể thao lẫn những buổi hòa nhạc hàn lâm, thậm chí  còn được vinh hạnh biểu diễn tại nhiều nước châu Âu như Đức, Thụy Sĩ, Italia, Pháp.

Lúc còn sống, Hoàng hậu Grace Kelly là người đi tiên phong cho truyền thống làm từ thiện. Vào mỗi mùa Giáng sinh, bà thường mở rộng cửa cung điện để đón những trẻ em nghèo bất hạnh. Việc làm xuất phát từ trái tim nhân hậu này của bà rất được ông hoàng Rainier trân trọng, vì nó khiến cho hoàng gia gần gũi hơn với quần chúng. Truyền thống này vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận dư luận tỏ ra nghi ngờ về những đối tượng thiếu nhi được mời. Liệu các em  có phải là những học sinh của một trường học đặc biệt, một tổ chức từ thiện nào đó? Một số người cho rằng đó là con em của các nhân viên phục vụ trong cung điện và chỉ được chọn trong một giới hạn tuổi nào đó mà thôi..

Thúy Hân (Theo Women's Weekly & Grimaldi Palace)
.
.