Pháp đào tạo lứa trẻ siêu nhân

Thứ Ba, 28/02/2017, 21:35
Chúng nói chuyện khi mới được 18 tháng tuổi, tập đọc lúc lên 2 tuổi, học tiếng Hy Lạp cổ từ năm 3 tuổi, sử dụng thành thạo máy vi tính khi 4 tuổi và sành nhạc Mozart lúc 5 tuổi … Một năm sau chúng tới trường, cùng học với những đứa trẻ đồng trang lứa khác. Ở Pháp chỉ mỗi việc gọi "siêu tài" đã gây ra tranh cãi.

Nhưng tại Nice người ta vẫn áp dụng lối "phát triển trước" cho một số trẻ em. Có 25 em trong một lớp, chưa tới 6 tuổi, với số đo chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient) hơn 125 đơn vị.

Chúng sẽ được học theo hệ thống cho phép kết thúc một cấp học 5 năm trong vòng 4 năm. Đó là một hiện tượng khác biệt trong nền giáo dục Pháp hiện nay. Những đứa trẻ muốn được nhập học, phải qua một hội đồng tuyển chọn bao gồm: Chánh thanh tra Viện Hàn lâm Giáo dục và người trợ lý chính của ông ta là một nhà tâm lý học thiếu nhi...

Trước giờ học mỹ thuật của nhóm trẻ "siêu nhân" tại một trường tiểu học ở Nice.

Trong trường hợp có em nào đó không theo được chương trình này, thì sang học kỳ kế tiếp của cùng niên khóa sẽ được "trả lại" cho các lớp bình thường như mọi học sinh khác. Thông số tri thức IQ trung bình của một đứa trẻ trong độ tuổi đến trường là 100 đơn vị; nhưng với giới hạn nào - 120, 130, 150 đơn vị hay hơn nữa để một đứa bé có thể theo được hệ "siêu nhân"? Trong khi các bác sĩ chuyên khoa cũng như các nhà tâm lý học đều nhất trí với nhận định, rằng khi sở hữu chỉ số IQ 120 đơn vị là đứa trẻ đã được coi như  "có tài" rồi.

Sự phát triển sau đó đương nhiên phụ thuộc vào bản thân mỗi em. Trong những lớp dạng "hỗn hợp", những em như vậy không phải lúc nào cũng xếp đầu lớp - học giỏi nhất. Ngoài ra, do những khả năng "khác người" nên các em đó rất khó hòa đồng vào các nhóm bạn còn lại.

Đó là điều dễ giải thích, bởi các trò này có thể giải một bài toán trong 3 phút đồng hồ, còn tuyệt đại đa số các bạn cùng lớp phải "đánh vật" suốt 3 giờ liền. Giới sư phạm lão luyện thường khẳng định, rằng những đứa trẻ thuộc dạng "thần đồng" bẩm sinh luôn hướng tới chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn, cắt đứt với những mối quan hệ truyền thống học đường, thường tự tách riêng.

Nếu như  không phải tất cả các trẻ "siêu nhân" đều thích đọc dạng sách khảo luận "Bàn về sự thông minh tuyệt đối", hơn là truyện kể thiếu nhi; thì chúng vẫn mê nhấn bàn phím máy vi tính hơn là trò chơi xấp hình; vả lại, chúng luôn được những quan niệm mới về giáo dục ủng hộ hơn là chống đối vì tương lai của nền khoa học Pháp.

Nice là thành phố đầu tiên ở Pháp áp dụng phương pháp "học nhảy" nhằm đào tạo những nhân tài sau này. Thời gian sẽ trả lời cho sự khẳng định của cách học mới sẽ có giúp cho sự "ra lò" của một loạt các tài năng không? Bởi mới chỉ qua 6 năm thử nghiệm, lớp trẻ "siêu tài" đầu tiên vẫn chưa bước qua ngưỡng cửa cao học.

Xuân Hiếu (theo Le Figaro)
.
.