Điều thú vị ở Nhà nước nhỏ nhất hành tinh

Thứ Sáu, 15/03/2019, 13:59
Thành phố - Nhà nước Vatican là quốc gia nhỏ bé nhất trên thế giới, chiếm chưa đầy 0,5km2 cùng dân số hơn 900 người, trong đó chỉ có gần 700 người thường xuyên cư ngụ tại Vatican; số còn lại là những nhân viên ngoại giao đang làm việc tại các cơ quan đại diện của Tòa thánh ở nước ngoài.


Tuy toàn bộ lãnh địa Vatican siêu mini nằm lọt thỏm trong lòng thủ đô Rome của Italy, nhưng vẫn mang đầy đủ tính pháp lý của một nhà nước có chủ quyền với quốc kỳ và quốc ca riêng biệt.

Người đứng đầu Nhà nước Vatican hiện thời là vị linh mục 82 tuổi Jorge Mario Bergoglio người Argentina gốc Italy, với niên hiệu tấn phong là Giáo hoàng Francis cũng là vị Giáo hoàng thứ 266 trong lịch sử Công giáo. Giáo hoàng Francis I đúng ra sẽ ngụ trong tòa cung điện bề thế mang tên Nicholas IV, hay Điện Tông đồ như những vị tiền nhiệm trước đây.

Toàn cảnh Vatican City nhìn từ trên cao.

Tầng dưới cùng của Điện Tông đồ là những căn phòng tiếp tân chính thức. Trên tầng 2 là căn hộ riêng của Giáo hoàng, bao gồm quần thể liên hoàn quy tụ văn phòng làm việc, phòng ngủ, phòng khách, thư viện… Bên trên nữa là nơi ở của những nhân viên chuyên về nội trợ và dịch vụ cho cá nhân Giáo hoàng. Tầng thượng là sân tập thể thao, với hồ bơi nhỏ theo trường phái kiến trúc Castel Gandolfo thượng thặng.

Nhưng Giáo hoàng Francis lại chọn căn hộ 2 phòng đơn sơ rộng 90m2, tọa lạc trong tòa nhà nội trú Santa Marta khuất sau Vương Cung Thánh Đường Saint Peter, mới được xây trong nhiệm kỳ của Giáo hoàng John Paul II (1920-2005), cũng là nơi linh mục J. Bergoglio tá túc cùng các đồng nghiệp khác từ khi tới Rome tham dự Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới.

Francis là người đầu tiên đã phá vỡ tập tục tồn tại hơn 1 thế kỷ nay, kể từ thời Giáo hoàng Leo XIII (1810-1903) là người cai quản Tòa thánh cuối cùng không sống trong Điện Tông đồ sang trọng. Ngoài ra, Giáo hoàng Francis cũng sử dụng nhà ăn chung dưới tầng 1 với các giáo sĩ  khác cùng cư ngụ trong khu Santa Marta, cũng như các vị linh mục từ khắp nơi trên thế giới đến Vatican công tác.

Cho tới giữa thế kỷ XVI các giáo hoàng đều mặc đồ màu đỏ. Họ bắt đầu vận đồ trắng từ năm 1566, khi linh mục Antonio Ghislieri (1504-1572) người Italy được bầu làm Giáo hoàng Pius V, ông này lại rất ưa thích màu trang phục trắng thuần khiết phổ biến trong giới giáo sĩ bình dân đương thời tại châu Âu.

Trên ngón tay áp út bên phải của Giáo hoàng luôn đeo "chiếc nhẫn của thợ câu" - dựa theo lời răn của đấng Jesus: "Từ giờ trở đi, ngươi sẽ là ngư phủ câu dắt mọi người". Khi Giáo hoàng mất, chiếc nhẫn của ông sẽ được đập nát bởi chiếc búa và đe bằng vàng khối, cũng là 2 đồ vật thuộc hàng "gia bảo" được chế tác riêng cho công việc này ngay từ đầu Công nguyên.

Cách quảng trường Thánh Peter huyền thoại giữa trung tâm Vatican City khoảng 50m là một tòa nhà hình vuông cổ kính, được xây vào năm 1930. Đó là trụ sở Ngân hàng Vatican (IOR) quản lý lượng tín dụng chính thức vào khoảng 155 triệu USD. Nhưng thực ra cái nhà nước bé nhỏ này sở hữu "đống" tài sản vô giá không thể tính nổi gồm các lâu đài, cung điện, bảo tàng, cũng như các kiệt tác nghệ thuật bất hủ.

Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên, nhưng nguồn thu nhập chính trong ngân sách thường niên của Vatican là từ… nước Đức. Theo một thỏa thuận ký từ năm 1933 giữa Hồng y giáo chủ Eugenio Pacelli (1876-1958), sau trở thành Giáo hoàng Pius XII và bá tước Von Papen (hay nói cách khác chính là Adolf Hitler) và vẫn còn hiệu lực cho đến nay. Theo đó, Chính phủ hiện hữu ở Berlin sẽ chuyển cho Vatican 10% tiền thuế hàng năm thu được từ mọi tín đồ công giáo người Đức.

Ngoài ra là tiền bán tem lưu niệm, vé vào xem các bảo tàng… Nhằm mục đích tiết kiệm ngân sách, người tiền nhiệm của Giáo hoàng Francis là Giáo hoàng Benedict XVI đã loại bỏ 4 vệ sĩ riêng của mình vốn hưởng lương chuyên nghiệp rất cao.

Còn đoàn vệ binh danh dự gồm 134 thành viên người Thụy Sĩ, suốt 5 thế kỷ qua là lực lượng duy nhất canh gác tòa thánh Vatican. Giờ đây ngoài vũ khí thời cổ mang tính biểu tượng ra, họ còn được trang bị súng lục liên thanh đời mới hiệu Beretta - sau vụ mưu sát Giáo hoàng John Paul II dạo đầu thập niên 80 thế kỷ trước.

Trong khuôn viên của Vatican còn có một tòa nhà nữa được dựng từ thời Giáo hoàng Paul IV (1476-1559), hiện là Viện Hàn lâm Khoa học của Giáo hội thiên chúa giáo La Mã. Các thành viên thuộc viện này đã nhận được 22 giải Nobel, họ sống tản mát khắp 4 phương trời và đại diện cho nhiều ngành khoa học khác nhau.

Quang Long (theo The Observer)
.
.