"Gót sen" xưa và nay

Thứ Hai, 08/01/2007, 09:30

Tháng 10/1997, tạp chí Sức khỏe cộng đồng Mỹ đã đăng tải một công trình nghiên cứu tỉ mỉ đầu tiên của tổ chức UCSF về hậu quả của tập tục bó chân ở hàng triệu phụ nữ Trung Quốc lớn tuổi, mà một phần không nhỏ trong đó vẫn còn sống vào thời điểm thực hiện nghiên cứu này.

Các nhà nghiên cứu của UCSF đã kiểm tra ngẫu nhiên 193 phụ nữ Bắc Kinh (93 người ở lứa tuổi trên 80 và 100 người ở độ tuổi 70 đến 79) và khám phá ra, rằng 38% phụ nữ ở lứa tuổi 80 và 18% phụ nữ ở lứa tuổi 70 có đôi chân dị dạng do bị bó. Những người này thú nhận là trước đó họ dễ bị té ngã hơn phụ nữ bình thường và họ cũng khó mà ngồi xổm được. Thêm vào đó, độ đậm đặc của xương hông thấp hơn 5,1% và của xương sống thấp hơn 4,7% so với phụ nữ bình thường, khiến họ dễ bị gãy xương và viêm khớp.

Tuy nhiên, dẫu có nhiều khó khăn như vậy, nhưng họ vẫn có thể chuẩn bị cơm nước, đi đứng hay leo cầu thang - có lẽ là do đã quá quen với cái đau mà cũng có thể là do không muốn than vãn. Vào thời điểm này, phụ nữ bó chân vẫn còn khá nhiều, nhưng bạn sẽ không thấy họ trên đường phố, vì họ thích sống ẩn dật trong nhà hay trong những khu dân cư ít có du khách lai vãng.

Tập tục bó chân được bắt đầu từ cuối đời nhà Đường, ở Nam Kinh, khoảng năm 920 sau Công nguyên. Một vị hoàng đế đã yêu cầu người thiếp yêu quý nhất của mình là Nàng Hương dùng những dải lụa để bó đôi chân của mình lại và múa trên một chiếc bục hình hoa sen vàng có dát ngọc và đá quý. Các nàng thiếp khác nổi cơn ghen nên đã đua nhau bó chân để tạo ấn tượng cho nhà vua.

Dần dần, tiêu chuẩn vẻ đẹp của phụ nữ cung đình đã nhanh chóng lan rộng và các tầng lớp thứ dân cũng bắt chước phong cách quý tộc. Tuy nhiên, chỉ có con gái nhà giàu mới đủ khả năng kinh tế để theo đuổi quy trình bó chân, còn các cô gái nhà nông có muốn cũng đành chịu. Bó chân phải được thực hiện trước khi cô bé được 3 tuổi, tất cả các ngón chân, trừ ngón cái, bị bẻ gập xuống phía dưới càng gần gót chân càng tốt. Bàn chân được cột thật chặt với nhiều mét vải để ngăn không cho nó phát triển dài hơn 10cm, trông rất giống một đóa sen, nhưng lại khiến cho lòng bàn chân cong lõm vào.

Trong thời gian bó chân, cô bé sẽ phải chịu đau đớn khủng khiếp. Gót chân bị chai cứng vì cô không thể đi được với các ngón chân cong gập. Sau vài năm, chấn thương sẽ tự lành, và cơn đau sẽ giảm dần. Nhưng cô vẫn không thể đi đứng nhanh nhẹn tự do được, có khi phải dựa vào tường và vịn vào vai của một nữ tì chuyên theo hầu hạ. Người nữ tì này cũng có trách nhiệm giúp cô giải quyết những sinh hoạt cá nhân và cõng cô những lúc chân đau quá không đi nổi.

Thường có những cuộc thi xem chân ai bé nhất, chân càng bé thì cô gái càng đẹp và càng có nhiều cơ hội lấy được một tấm chồng quyền quý và được chồng đánh giá cao về mặt chung thủy. Dù hình ảnh của gót sen trong đôi giày xinh xinh dưới bao lớp phấn thơm và nước hoa trông thật là quyến rũ với người đàn ông Trung Quốc xưa, nhưng nếu như được chứng kiến chúng tận mắt, thế nào họ cũng sẽ ngất xỉu vì kinh sợ. Các biến chứng như lở loét, hoại thư, tê liệt không phải là hiếm, có khoảng 10% bé gái không qua nổi cuộc “điều trị” này. Vì thế, công tác vệ sinh cho đôi bàn chân phải được thực hiện ở nơi vắng vẻ không ai thấy. Dấm và nước được dùng thường xuyên để khử mùi hôi thối của thịt.

Đến năm 1911, tập tục ác nghiệt này đã bị Nhà nước Trung Quốc cấm bỏ hoàn toàn. Vào năm 1998, những phụ nữ có đôi chân bị bó từ bé đã không còn có thể mua được dễ dàng những đôi hài “gót sen” nữa, vì nhà máy sản xuất hài bó chân cuối cùng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, thuộc tỉnh Hắc Long Giang, đã quyết định không sản xuất mặt hàng này mà thay vào đó là những đôi giày cỡ nhỏ để bù đắp thiếu hụt trên thị trường. Trong hai năm đầu, nhà máy bán được 2.000 đôi/năm, nhưng kho dự trữ những đôi giày tí hon mũi nhọn, không còn thích hợp ngay cả với trẻ sơ sinh. Giám đốc nhà máy Đỗ Quang Hoa muốn tặng chúng cho viện bảo tàng, thế nhưng đây không phải là việc dễ dàng gì.

Năm 1995, nhà sản xuất phim Dương Diệp Thanh đã gặp không ít khó khăn khi làm một bộ phim về tập tục bó chân, bởi vì không ai chịu sẵn lòng nói về nó. Những bộ phim về Trung Quốc trước năm 1911 không bao giờ mô tả phụ nữ với "gót sen", mà các viện bảo tàng cũng không trưng bày những đôi hài nhỏ xíu này. Tại cuộc Triển lãm nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương vào năm 1996 ở New York, Beverly Jackson, tác giả cuốn sách “Những chiếc hài tuyệt vời”, đã trưng bày bộ sưu tập quý hiếm của mình gồm 142 đôi hài bó chân. Thế nhưng, sau đó ông đã phải hứng chịu hàng trăm đơn kiện từ những vị khách tham quan giận dữ.

Năm 1995, Cửa hàng bách hóa Gump's đã thử bán những chiếc hài tí hon với giá 975USD, nhưng rồi họ bị buộc phải tháo bỏ quầy sau khi bị các khách hàng phẫn nộ phản đối. Điều đó cho thấy chiếc hài bó chân là một vấn đề tế nhị, ngay cả với những người không phải là người Trung Quốc. Sau hơn 1.000 năm, tục bó chân ở Trung Quốc đã trở thành chuyện của quá khứ. Nhưng khi nhìn vào thực tế hiện nay, bạn sẽ không khỏi giật mình khi thấy có rất nhiều phụ nữ đang “bó chân” của mình theo kiểu hiện đại. Vẻ đẹp duyên dáng và quyến rũ bề ngoài của những đôi giày cao gót, mũi nhọn đang dần dần làm ảnh hưởng tới sức dẻo dai của đôi chân. Phụ nữ dễ bị té ngã ngay cả khi thời tiết và đường sá tốt. Còn khi thời tiết thay đổi (chẳng hạn như khi trời mưa), họ sẽ dễ bị gặp tai nạn như trật mắt cá chân, bong gân...

Đấy là chưa kể những thương tổn nghiêm trọng khác v.v... Sự tái phân phối trọng lượng cơ thể, vóc dáng cố hữu và những vấn đề của bàn chân cộng hưởng có tác động đến khả năng làm việc và hoạt động hàng ngày của phụ nữ. Một số người chạy theo thời trang giày cực đoan đến nỗi họ sẵn sàng phẫu thuật để rút ngắn ngón chân cái, bơm collagen vào mu lòng bàn chân để có thể mang giày gót cao dễ dàng hơn. Việc làm này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe như: thương tổn dây thần kinh, đau lưng, đau chân kinh niên. Và đây là một thông điệp quan trọng cho phụ nữ của mọi thời đại: Một đôi chân tự nhiên trong những đôi giày hay dép thích hợp cho sức khỏe, mới chính là điều quan trọng nhất trong tiêu chí khỏe và đẹp!

Đỗ Thúy (theo Wikipedia)
.
.