Đấu bò không đổ máu ở Hàn Quốc

Thứ Năm, 04/06/2015, 18:25
Lễ hội đấu bò diễn ra tại sân vận động thị trấn Cheongdo miền Nam Hàn Quốc vào mỗi tháng 3 hay tháng 4 hằng năm. Thị trưởng Lee Seung-yool cho biết: "Ở Tây Ban Nha, đó là cuộc đấu đẫm máu giữa người và bò, và cuối cùng con bò bị giết chết. Nhưng ở Hàn Quốc thì khác, chúng tôi cảm thấy hãnh diện vì không giết chết con bò và chúng chưa từng bị giết chết trong bất cứ trận đấu nào. Đơn giản là vì chúng tôi chỉ muốn để cho chúng thể hiện cảm xúc với nhau và con bị thua sẽ bỏ chạy. Đó là lúc trận đấu kết thúc".

Thị trấn Cheongdo nằm cách thành phố Daegu của Hàn Quốc khoảng 40km. Từ năm 1999, nơi đây đã diễn ra Lễ hội đấu bò Cheongdo hằng năm, nhằm khôi phục trò giải trí truyền thống có từ ngàn năm nay, đồng thời thu hút du khách đến với Hàn Quốc.

Mặc dù không có những văn bản ghi chép về nguồn gốc, song người ta tin rằng đấu bò khởi đầu là trò giải trí của người chăn nuôi gia súc để giết thời gian khi nhàn rỗi, thường diễn ra vào mùa lễ Chuseok từ trước ngày rằm đến sau ngày 15/8 âm lịch, tức Tết Trung thu hay còn gọi là Ngày lễ Tạ ơn của người Triều Tiên. Lễ hội đấu bò này từng bị cấm khi người Nhật Bản chiếm đóng nước này và được khôi phục sau khi Triều Tiên giành được độc lập năm 1945. Lễ hội đấu bò thường diễn ra bên bờ sông Seowon. Năm 2014, lễ hội đấu bò không được tổ chức để tưởng nhớ hơn 300 người thiệt mạng do thảm họa chìm phà Seowon.

Đấu bò ở Hàn Quốc không có đổ máu.

Sân vận động Cheongdo có sức chứa 10.000 người được xây dựng năm 2002 cho mục đích này và hàng trăm con bò đấu với nhau để giành giải thưởng tiền mặt. Không giống như ở Tây Ban Nha hay Mỹ Latinh, những trận đấu bò ở Hàn Quốc không có các "matador" (đấu sĩ), không có những thanh kiếm sắc bén cũng không có những vết máu mà hai con bò sẽ húc cho đến khi một con bỏ chạy.

Trọng tài bước vào sân với trang phục chỉnh tề.

Tiêu chuẩn chọn bò đấu là những con có cổ to mập, thân mình thấp, hai chân sau mạnh và sừng lớn. Những con bò được chọn sẽ bước vào chương trình huấn luyện căng thẳng như chạy trong đồng cỏ hay húc sừng vào thân cây. Không giống như những nơi khác, trong lễ hội đấu bò mọi người không chỉ được phép mà còn được khuyến khích… cá độ! Số tiền cá độ tối đa là 100.000 won (khoảng 95USD). Khán giả sẽ cá độ và xem diễn tiến trận đấu bò trên các màn hình.

Khán giả Park Ji-hun tiết lộ: "Tôi rất thích đến đây cùng với gia đình, không chỉ để xem đấu bò mà còn để cá độ. Thắng độ không chỉ là chủ tâm của nhiều người mà còn là thú vui". 

Người cá độ theo dõi trận đấu bò trên màn hình.

Nhưng dù thắng hay thua mọi người đều vui vẻ. Người ta phân biệt con bò thi đấu với bò thường qua những thực phẩm nuôi chúng. Ví dụ với bò thi đấu, ngoài thực đơn rau cơ bản còn có thêm thịt động vật - như cá, bạch tuộc và cả rắn. Khi sắp bước vào trận đấu, con bò thường được pha thêm nhân sâm và nước uống tăng lực vào món súp rau. Vào ngày thi đấu, nhiều con bò còn được cho uống rượu soju truyền thống của Hàn Quốc. Để nuôi dưỡng con bò thi đấu, người chủ phải tốn rất nhiều tiền. Trong cuộc thi đấu quốc gia, con bò vô địch sẽ được thưởng 10 triệu won (hơn 6.000USD). Phần lớn những con bò vào chung kết chỉ  nhận được 200 đến 350USD - không đủ bù lại phí tổn nuôi ăn cho con vật.

Chủ nhân bò đấu được phép có mặt trong trường đấu bên cạnh bò của mình.

Tuy vậy, người ta vẫn mang bò đi đấu vì không khí tưng bừng của lễ hội. Những con bò bước vào đấu trường cùng với tên gọi của chúng được sơn bên hông, như là: "Phi Hổ", "007", "Rồng Komodo" v.v… Chủ nhân bò đấu được phép có mặt trong trường đấu. Trước khi trận đấu diễn ra, các trọng tài mặc áo xanh, mang găng tay trắng và đội mũ cao bồi sẽ bước vào vị trí của họ trên sân vận động.

Thời gian sau này, sự quan tâm của người dân Hàn Quốc đến môn đấu bò đã phai nhạt dần do sự phát triển của công nghệ cũng như sự thu hút của các môn thể thao quốc tế khác như bóng đá, bóng chày... Nhưng vài năm trở lại đây, một số thành phố ở Hàn Quốc bắt đầu ra sức quảng bá môn đấu bò để thu hút du khách và chính quyền cũng hợp pháp hóa loại hình cá cược với hy vọng khơi lại niềm đam mê cổ xưa.

An An (tổng hợp)
.
.